Nhiều hộ dân ở xã Kỳ Lạc và Kỳ Tây (huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh) trồng sả để bán cho một doanh nghiệp theo như thỏa thuận nhưng đến lúc thu hoạch thì công ty lại không thu mua vì lý do… sản lượng quá ít.
Vườn sả nguyên liệu của ông Trần Tương Lai
Cuối năm 2022, sau khi nắm bắt được chủ trương về phát triển liên kết sản xuất, tiêu thụ và chế biến sản phẩm sả chanh lai dọc trên địa bàn giữa địa phương với Công ty CP Dược liệu Trương Dương (có trụ sở ở tỉnh Thanh Hóa), theo hình thức doanh nghiệp cung cấp giống, bao tiêu sản phẩm, ông Trần Tương Lai (thôn Hồng Xuân, xã Kỳ Tây) đã đăng ký triển khai trồng 1 sào, số tiền mua cây giống hơn 1 triệu đồng.
Tháng 2/2023, sau khi nhận cây giống, gia đình ông Lai đã phá bỏ một số cây trồng lâu năm để trồng sả.
Ông Trần Tương Lai (bên phải) cùng lãnh đạo xã Kỳ Tây trao đổi với PV về sự việc.
Ông Lai cho biết: “Cây sả chanh lai dọc rất dễ trồng, tỷ lệ chết thấp, phát triển khá nhanh. Theo thỏa thuận, 8 tháng sau khi xuống giống thì bà con thu hoạch để bán cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, đến nay, đã bước vào tháng thứ 10, khi cây sả đang vào giai đoạn già cỗi, tàn lụi vẫn không thấy doanh nghiệp trở lại thu mua”.
Không chỉ gia đình ông Lai, toàn xã Kỳ Tây có 60 hộ liên kết trồng cây sả chanh lai dọc, với tổng diện tích 2,5 ha hiện đang lâm vào tình trạng như ông Lai.
Ông Võ Văn Toán – Phó Chủ tịch UBND xã Kỳ Tây cho biết: “Để giảm bớt khó khăn cho người dân, xã đã kêu gọi một số cơ sở thu mua sả cho bà con, đồng thời hỗ trợ thêm mỗi kg sả bán ra 1.000 đồng. Tuy nhiên, các tiểu thương, cơ sở chỉ thu mua mỗi phần củ (không mua lá) với giá 6.000 đồng/kg; hiện mới chỉ bán được gần 1/2 diện tích”.
Ông Võ Văn Hải ở thôn Lạc Trung (bên trái) cùng cán bộ xã Kỳ Lạc khảo sát vườn sả của gia đình
Cũng tình trạng tương tự, gần 1ha/1,3 ha sả chanh lai dọc hơn 10 tháng tuổi của 15 hộ dân Kỳ Lạc đang từng ngày tàn lụi.
“Gia đình tôi đã chuyển đổi hơn 2 sào đất trồng sắn và lạc sang trồng sả, với hy vọng có thu nhập cao hơn; đầu tư 2 triệu tiền giống và phân bón, gom hàng tấn phân chuồng, cùng nhiều công sức chăm sóc nhưng đến kỳ thu hoạch, doanh nghiệp lại không thu mua. Bây giờ phá đi thì không đành mà để lại cũng không xong”, ông Võ Văn Hải ở thôn Lạc Trung cho biết.
Theo ông Phan Hoàng Trường – Chủ tịch UBND xã Kỳ Lạc, chính quyền và người dân đã liên lạc với phía Công ty CP Dược liệu Trương Dương nhưng đại diện công ty cho biết, sản lượng quá ít nên không thể thu mua. Hiện tại, chính quyền cũng đang kết nối với một số cơ sở để tiêu thụ sản phẩm cho bà con nhưng số lượng cũng chưa được nhiều.
Những vườn sả chanh lai dọc của người dân Kỳ Lạc đang lâm vào tình trạng để không xong mà phá không đành.
Theo tìm hiểu của PV, có 75 hộ dân ở xã Kỳ Tây và xã Kỳ Lạc đã mua 3,7 tấn sả giống, trị giá trên 50 triệu đồng của Công ty TNHH Dược liệu Trương Dương, trồng trên 3,8 ha. Theo biên bản thống nhất chủ trương về liên kết sản xuất, tiêu thụ và chế biến sản phẩm sả chanh lai dọc giữa các bên liên quan, thì chu kỳ sản xuất đầu tiên trên địa bàn huyện Kỳ Anh phải đảm bảo từ 100ha đến tối đa 120 ha. Từ chu kỳ thứ 2, nếu có nhu cầu mở rộng quy mô thì diện tích sẽ lớn hơn.
Theo ông Phan Công Toàn – Trưởng phòng NN&PTNT huyện Kỳ Anh, sau khi huyện tổ chức cho một số thôn trưởng, người dân đi tham quan, học hỏi các mô hình phát triển kinh tế ở các tỉnh cho thấy, cây sả phù hợp với đất đai, thổ nhưỡng, khí hậu địa phương nên đã chủ trương phát triển trồng sả nguyên liệu.
“Việc liên kết trồng sả của người dân Kỳ Tây, Kỳ Lạc với Công ty TNHH Dược liệu Trương Dương, khi đến mùa thu hoạch, phía công ty cũng đã cho người vào khảo sát nhưng số lượng ít nên đã giới thiệu cho một đơn vị khác thu mua khoảng 10 tấn ở xã Kỳ Tây. Hiện, Phòng NN&PTNT và chính quyền cơ sở đang liên hệ, giới thiệu một số đơn vị tiếp tục thu mua cho người dân”, ông Phan Công Toàn cho biết thêm.
Minh Đức – Thu Cúc