Nhờ áp dụng khoa học – kỹ thuật, chủ động phòng chống dịch bệnh, năm nay, người nuôi trồng ở Hà Tĩnh đã thu hoạch 5.800 tấn tôm thương phẩm, cho giá trị sản xuất 595 tỷ đồng.
Khu nuôi tôm thẻ chân trắng công nghệ cao của Công ty TNHH Nuôi trồng thủy sản Hồng Anh.
Năm 2022, Công ty TNHH Nuôi trồng thủy sản Hồng Anh ở thôn Liên Tiến, xã Mai Phụ (huyện Lộc Hà) đầu tư hàng chục tỷ đồng chuyển đổi vùng đất làm muối bỏ hoang nhiều năm sang nuôi tôm thẻ chân trắng công nghệ cao.
Trên khuôn viên 10 ha, doanh nghiệp này quy hoạch xây dựng 11 hồ nuôi trong nhà với hệ thống ao nổi, trang thiết bị hiện đại, quy trình khép kín, nguồn nước cấp và nước thải được xử lý kỹ, nguồn giống và thức ăn được lựa chọn đảm bảo…
Tháng 3/2023, công ty xuống giống mẻ đầu tiên ở 4 hồ với số lượng 1,5 triệu con giống/lứa. Đầu tháng 6/2023, cơ sở nuôi trồng thuộc diện hiện đại nhất tỉnh này bắt đầu thu hoạch lứa đầu tiên với hơn 10 tấn sản phẩm có kích cỡ 40 con/kg, cho doanh thu hơn 2 tỷ đồng, lợi nhuận 300 triệu đồng. Đến thời điểm này, cơ sở có sản lượng xuất bán 30 tấn, doanh thu hơn 6 tỷ đồng…
Lãnh đạo huyện Lộc Hà động viên sản xuất tại Công ty TNHH Nuôi trồng thủy sản Hồng Anh. Ảnh tư liệu
Qua tư vấn và hướng dẫn của Trung tâm Ứng dụng KHKT và Bảo vệ cây trồng vật nuôi huyện Kỳ Anh, anh Lê Anh Sỹ (xã Kỳ Thư) đã mạnh dạn đầu tư khoảng 800 triệu đồng làm 2 bể tròn nổi (bằng khung sắt kiên cố, lót bạt đáy và xung quanh, diện tích 130 m2) nuôi tôm thâm canh công nghệ cao. Dù mật độ thả nuôi lên đến 250 – 300 con/m3 (cao gấp 5 – 6 lần ao đất) nhưng nhờ được theo dõi thường xuyên, nguồn gây bệnh được kiểm soát chặt chẽ, tính toán sát lượng thức ăn và khoáng chất nên tôm khá nhanh lớn, cho lợi nhuận hàng trăm triệu đồng mỗi vụ.
Anh Sỹ chia sẻ: “Trước đây, tôi và các hộ trong vùng chủ yếu nuôi theo hình thức quảng canh hoặc bán thâm canh trong ao đáy đất, ao đào lót bạt nên gặp khó khăn trong quản lý môi trường ao nuôi, kiểm soát dịch bệnh, tỷ lệ sống thấp, tôm chậm lớn. Hiện nay, chúng tôi đầu tư ao hồ đồng bộ, công nghệ hiện đại, sục khí oxy đầy đủ nên hiệu quả nuôi vượt trội”.
Người dân xã Kỳ Thư (huyện Kỳ Anh) thu hoạch tôm vụ hè thu. Ảnh tư liệu
Năm 2023, người nuôi trồng các huyện Nghi Xuân, Lộc Hà, Thạch Hà, Cẩm Xuyên, huyện và TX Kỳ Anh đã thả nuôi 2.239 ha; trong đó, tôm thâm canh, công nghệ cao, sản xuất dưới các hình thức hợp tác và liên kết đạt 629 ha, nuôi tôm bán thâm canh 500 ha, còn 1.110 ha nuôi quảng canh cải tiến.
Để nâng cao hiệu quả nuôi trồng và đảm bảo an toàn trong sản xuất, trên địa bàn tiếp tục có nhiều tổ chức, cá nhân đầu tư nhiều dự án, hạ tầng nuôi tôm thâm canh cho năng suất 10 – 15 tấn/ha/vụ trong ao đất và 20 – 30 tấn/ha/vụ trong ao nuôi công nghệ cao trên cát. Một số vùng được các nhà đầu tư nâng cấp nuôi theo hình thức công nghệ cao như ở: Mai Phụ, Hộ Độ (Lộc Hà), Kỳ Hải (huyện Kỳ Anh)…
Cùng với việc khắc phục các khó khăn về hạ tầng sản xuất, giá cả vật tư đầu vào, giá tôm thương phẩm có thời điểm xuống thấp, nguồn nước bị ô nhiễm…, người nuôi trồng trên địa bàn đã chú trọng ứng dụng tiến bộ KHKT, thực hiện nuôi theo hình thức 2 – 3 giai đoạn, lựa chọn nguồn giống tốt và kiểm soát tốt thức ăn, kháng sinh, khoáng, chất lượng nước, nhiệt độ để sản xuất đạt hiệu quả cao nhất.
Những mẻ tôm cho sản lượng cao của người nuôi trồng Nghi Xuân.
Ông Lưu Quang Cần – Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Hà Tĩnh cho biết: Nhờ triển khai đồng bộ, hiệu quả các biện pháp, giải pháp trong chỉ đạo, điều hành, tăng cường quản lý nhà nước trong các lĩnh vực, thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ sản xuất, khuyến khích đầu tư, tăng cường ứng dụng khoa học – kỹ thuật và thực hiện đúng quy trình nên sản lượng tôm năm nay ước đạt 5.800 tấn (vượt 2% kế hoạch năm và tăng 2% so với năm 2022). Giá trị sản xuất sản phẩm chủ lực này ước đạt 595 tỷ đồng, đóng góp quan trọng trong bức tranh nuôi trồng, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người dân.
Tiến Dũng