Sau đợt mưa lớn vừa qua, người nuôi tôm ở Hà Tĩnh đang tích cực thực hiện các biện pháp ổn định môi trường nước, tăng sức đề kháng cho con nuôi để phòng ngừa dịch bệnh.
HTX Nuôi trồng thủy sản Xuân Thành (Nghi Xuân) chuyên nuôi tôm thẻ chân trắng lót bạt nhiều năm nay. Đơn vị đang thả nuôi 10 hồ, quy mô mỗi hồ 30 vạn con. Hiện nay, tôm nuôi đã được 30 ngày tuổi và đang được “bật” chế độ chăm sóc đặc biệt.
Sau đợt mưa lớn, HTX Nuôi trồng thủy sản Xuân Thành “bật” chế độ chăm sóc đặc biệt hơn cho tôm.
Ông Hồ Quang Dũng – Giám đốc HTX chia sẻ: “Chúng tôi theo dõi sát sao hồ nuôi 24/24h, cập nhật thời tiết để có những ứng biến linh hoạt. Theo đó, trước đợt mưa này, HTX đã bố trí 12 công nhân chủ động triển khai các giải pháp kiểm soát môi trường nước. Sau mưa, nhanh chóng xử lý lại môi trường, diệt khuẩn, gây lại vi sinh. Cùng đó, đơn vị tăng cường hệ thống quạt và sục khí để gia tăng oxy, chú trọng bổ sung vitamin, khoáng chất so với thời điểm bình thường. Đặc biệt, trong giai đoạn tôm nhỏ, đòi hỏi hằng ngày bổ sung thức ăn tăng vi sinh đường ruột để tôm khoẻ mạnh, phát triển tốt. Do đóm chi phí nuôi thời điểm này cũng tăng gấp đôi so với khi thời tiết thuận lợi”.
Không chỉ đối với HTX Nuôi trồng thủy sản Xuân Thành, các giải pháp ổn định môi trường, tăng đề kháng cho tôm sau mưa cũng đang được nhiều người nuôi ở các địa phương áp dụng.
Anh Nguyễn Văn Hòa thường xuyên theo dõi môi trường nước, hoạt động của tôm…
Anh Nguyễn Văn Hòa (xã Thạch Hạ, TP Hà Tĩnh) cho biết: “Khi trời mưa lớn, tôm dễ sốc môi trường do thay đổi độ PH của nước dẫn đến tôm yếu, dễ bị bệnh. Vì vậy, sau mưa, tôm phải được chăm sóc kỹ hơn. Ngoài trộn thêm vitamin vào thức ăn, còn phải bổ sung khoáng gấp đôi để tăng sức đề kháng cho tôm.
Để nâng độ PH, ổn định môi trường, tôi sử dụng vôi bột xay đánh trực tiếp vào hồ thay thay vì hòa lấy nước vôi trong mới cho xuống như ngày thường. Ngoài ra, thời điểm này, tôi cũng phải cho chạy máy quạt nước thường xuyên để tăng cường đảo nước cho hồ”.
Người nuôi chú trọng bổ sung vitamin, khoáng chất để nâng sức đề kháng cho tôm
Ông Trần Văn Ân – chủ mô hình nuôi tôm công nghệ cao ở thị trấn Lộc Hà hiện đang nuôi 20 hồ tôm thẻ chân trắng, mỗi hồ 20 vạn con ở giai đoạn hơn 2 tháng. Trước và sau đợt mưa mới đây, ông phải bỏ chi phí thêm hàng chục triệu đồng để chăm sóc đặc biệt hơn cho con nuôi “khó tính” này.
Ông Ân chia sẻ: “Nuôi tôm đối diện với nhiều rủi ro bởi ảnh hưởng của thời tiết, môi trường, đặc biệt là trong mùa mưa lũ. Qua theo dõi dự báo thời tiết nên trước đợt mưa vừa rồi, chúng tôi đã đánh vôi để cân bằng độ PH cho nước. Sau mưa, chúng tôi tiếp tục đánh vôi và bổ sung gấp đôi lượng vitamin, khoáng chất nhằm nâng cao sức đề kháng cho tôm, phòng ngừa các dịch bệnh có thể xảy ra đối với tôm khi sốc môi trường như bệnh hồng thân, bệnh về gan tụy, đường ruột”.
Được biết, thời điểm này, ở Hà Tĩnh đang có gần 1.000 ha nuôi tôm. Để bảo vệ tôm và các loại thủy sản nuôi, hạn chế thấp nhất thiệt hại do mưa lũ gây ra, Chi cục Thủy sản đã đề nghị các địa phương tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến nội dung “Bản tin cảnh báo mùa mưa lũ năm 2023” của Trung tâm Quan trắc môi trường và Bệnh thủy sản miền Bắc đến các địa phương, các cơ sở nuôi tôm trên địa bàn.
Ổn định môi trường nước hồ nuôi là biện pháp quan trọng trong nuôi tôm vào mùa mưa.
Theo bà Nguyễn Thị Hoài Thúy – Trưởng phòng Nuôi trồng thủy sản (Chi cục Thủy sản Hà Tĩnh), mưa lớn kéo dài sẽ làm thay đổi môi trường nuôi theo chiều hướng xấu, làm tôm yếu sức và mẫn cảm hơn với các tác nhân gây bệnh có sẵn trong nước như ký sinh trùng, vi khuẩn, vi rút… từ đó dễ dẫn đến dịch bệnh.
Vì vậy, nếu tôm nuôi đã đạt kích cỡ thương phẩm, người nuôi nên thu hoạch trước mùa mưa lũ. Với tôm chưa đạt kích cỡ thương phẩm, người nuôi tôm cần gia cố, tu sửa bờ ao hồ để giảm thiểu thất thoát, nhất là với khu vực nuôi tôm trên cát. Để hạn chế độ mặn thay đổi đột ngột trong hồ nuôi khi xảy ra mưa lũ, người dân cần có kế hoạch điều tiết nước. Với những vùng nuôi đất chua phèn, cần rắc vôi xung quanh để phòng nước trôi xuống làm biến động độ PH ao nuôi. Các cơ sở nuôi cũng cần có biện pháp phòng bệnh, nâng sức đề kháng cho tôm bằng cách bổ sung vitamin, khoáng vi lượng, men tiêu hóa vào khẩu phần ăn của tôm theo khuyến cáo. Đồng thời, chuẩn bị máy phát điện, máy sục khí phòng khi mất điện.
Loan – Phương