Trong dòng người đến tiễn biệt Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ở làng Lại Đà (xã Đông Hội, Đông Anh) và chờ đến giờ vào tiễn biệt Tổng Bí thư ở Nhà tang lễ Quốc gia (số 5 Trần Thánh Tông), có rất nhiều cụ ông cụ bà lớn tuổi, các bác cựu chiến binh và bạn trẻ thủ đô cũng như người dân ở các tỉnh, thành.
Ai nấy đều mặc trang phục lịch sự, tối màu, mang theo căn cước công dân gắn chip đến trước các khu vực chốt kiểm tra, xếp hàng làm thủ tục vào viếng.
Đứng trước cổng nhà tang lễ, chị Lưu Thị Tâm (Bắc Ninh) vừa lau nước mắt vừa chia sẻ niềm xúc động khi nhắc về Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Chị Tâm chia sẻ đi từ thành phố Bắc Ninh đến thủ đô Hà Nội vào lúc 5h30 sáng. Dù chưa có cơ hội được gặp Tổng Bí thư nhưng chị bày tỏ rất ngưỡng mộ Tổng Bí thư thông qua những chia sẻ được xem trên báo chí, truyền hình.
“Dù chiều nay người dân mới được đăng ký vào bên trong viếng nhưng tôi đến đây từ sớm với tâm niệm đứng bên ngoài thôi cũng đã mãn nguyện rồi” – chị nói.
Không quản ngại đường sá xa xôi, nhiều người dân ở các tỉnh miền Trung, các tỉnh, thành và đặc biệt người dân từ thành phố mang tên Bác cũng có mặt từ sáng sớm, hòa vào dòng người đến tiễn biệt, bày tỏ lòng thành kính và niềm tiếc thương vô hạn với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Tại khu vực ngã tư Tăng Bạt Hổ – Trần Hưng Đạo, gần khu vực Nhà tang lễ Quốc gia, bà Việt Anh (52 tuổi, người gốc Thái Bình, hiện công tác tại Bảo hiểm xã hội TP.HCM) có mặt từ sáng ở thủ đô Hà Nội, mong muốn được vào viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
“Khi có được thông tin người dân chỉ cần mang theo căn cước để vào viếng, tôi đã quyết đến thủ đô để được vào viếng trực tiếp Tổng Bí thư” – bà nói.
Trong dòng người đợi vào viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ở ngã tư Nguyễn Công Trứ – Lò Đúc có mẹ con chị Hồ Thị Cúc (36 tuổi, ở Hà Đông) cùng con gái nhỏ mới 15 tháng tuổi.
“Không sợ nắng mưa, hai mẹ con mong muốn được viếng bác Trọng. Mình nghĩ ai cũng sẽ hiểu cảm giác của mình lúc này, cảm xúc này không ai nói nên lời nhưng ai cũng hiểu” – chị Cúc nói.
Từ sáng sớm 25-7, nhiều người dân đã về làng Lại Đà, xã Đông Hội, huyện Đông Anh, Hà Nội – quê hương Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, để chuẩn bị vào viếng. Dọc hai bên đường từ trụ sở xã Đông Hội về làng Lại Đà, người dân đều treo cờ rủ để tưởng nhớ Tổng Bí thư.
Từ 6h sáng 25-7, hàng ngàn người dân với trang phục lịch sự, tối màu đã đến trước quảng trường Ba Đình (Hà Nội) để dự lễ thượng cờ rủ Quốc tang Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Khi Quốc ca vang lên, cờ rủ được kéo lên từ từ trước quảng trường Ba Đình, cũng là lúc bà Nguyễn Thị Tường Hạnh (50 tuổi, Hà Nội) bật khóc nức nở.
Đều đặn 4h sáng mỗi ngày, bà Hạnh đều đi bộ từ nhà ra khu vực lăng Bác để tập thể dục, nhưng hôm nay đặc biệt hơn mọi ngày vì diễn ra lễ Quốc tang Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, bà đã dừng lại trước quảng trường để dự lễ thượng cờ rủ.
“Thực sự rất là đau xót, nhớ bác Trọng lắm. Vẫn nhớ câu nói của bác: Ta là con cháu cụ Hồ, Đảng là Đảng Cộng sản Việt Nam, dân tộc là dân tộc Việt Nam, đất nước này nhất định phải phát triển đi lên không được phép tụt hậu so với các nước khác, không cam chịu kém người khác” – bà nghẹn ngào.