Trong quá khứ, đồng bào dân tộc Chứt tại Rào Tre (xã Hương Liên, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh) chủ yếu sống dựa vào săn bắt, hái lượm và sản xuất nhỏ lẻ. Mùa đông năm nay, lần đầu tiên bà con được hướng dẫn trồng hành tăm trên diện tích đất canh tác nhỏ nhưng giàu tiềm năng.
Nhằm giúp đồng bào dân tộc Chứt làm quen với mô hình trồng cây vụ đông, chính quyền địa phương đã phối hợp với Hội Nông dân tỉnh Hà Tĩnh hỗ trợ giống, phân bón, trực tiếp “cầm tay chỉ việc”, hướng dẫn kỹ thuật tại ruộng, giúp bà con nắm vững kỹ thuật làm đất, đánh luống, bón phân, gieo trồng và chăm sóc cây trồng.
Cùng với đó, chính quyền địa phương cam kết kết nối bà con với thị trường tiêu thụ, đảm bảo sản phẩm vụ đông được bán với giá tốt.
Từ mô hình thí điểm cho vụ đầu tiên, chính quyền địa phương phối hợp với các đơn vị chuyên môn sẽ có đánh giá cụ thể tính hiệu quả và lam tỏa nhân rộng trong các năm tới.
Sản phẩm hành tăm của đồng bào dân tộc Chứt sẽ được kỳ vọng là sản phẩm đặc trưng quảng bá tới du khách khin huyện Hương Khê mở rộng phát triển du lịch cộng đồng,du lịch trải nghiệm cho những năm tới.
Ông Đinh Văn Sánh – Chủ tịch UBND xã Hương Liên, cho biết: “Mô hình trồng cây vụ đông tại bản Rào Tre không chỉ giúp đồng bào Chứt thay đổi phương thức sản xuất mà còn góp phần từng bước nâng cao đời sống kinh tế, giảm nghèo bền vững. Đây là cơ hội để đồng bào tiếp cận các phương thức sản xuất hiện đại, tạo nền tảng cho sự phát triển nông nghiệp lâu dài.
Dù còn gặp không ít khó khăn trong việc thích nghi với kỹ thuật canh tác và điều kiện thời tiết, nhưng bà con đã cho thấy tinh thần học hỏi và quyết tâm cao. Chúng tôi sẽ tiếp tục đồng hành để bà con mở rộng quy mô sản xuất trong các mùa vụ tiếp theo”.
Bản Rào Tre có 45 hộ, 157 nhân khẩu là đồng bào dân tộc Chứt. Thời gian qua, mặc dù đã được chính quyền các cấp quan tâm hỗ trợ nhưng nhìn chung đời sống bà con vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Đặc biệt người Chứt chưa quen với sản xuất nông nghiệp hiện đại, bởi vậy mô hình hỗ trợ sản xuất vụ đông đối với người Chứt càng trở nên thiết thực, quý giá.
Đây không chỉ là cơ hội để bà con làm quen với kỹ thuật canh tác mới mà còn là bước đi quan trọng trên hành trình vươn lên thoát nghèo, xây dựng cuộc sống ấm no, bền vững hơn.