Viết về mẹ, kể về mẹ không giấy bút và ngôn từ nào chuyên chở hết. Mẹ vĩ đại trong một hình hài giản dị, chân phương.
“Ta đi trọn kiếp con người
Cũng không đi hết mấy lời mẹ ru…”
(Nguyễn Duy)
Ai trong đời đã không một lần được nghe những câu thơ như rút ruột này, để rồi ngẩn ngơ nhớ mẹ, rưng rưng thương mẹ như muốn trào nước mắt.
Ngọt ngào lời ru của mẹ. Ảnh minh họa Internet.
1. Mẹ ơi, thử hỏi trên đời này còn điều gì thiêng liêng hơn, gần gũi hơn, ấm áp hơn tình mẹ? Thử hỏi còn ai khó nhọc hơn, tảo tần hơn và hy sinh nhiều hơn mẹ? Ai đủ thay mẹ làm hết những bổn phận ấy: cưu mang một sinh linh 9 tháng 10 ngày, sinh nở, chăm bẵm, dạy dỗ đứa con mình trên những năm tháng đằng đẵng muôn nỗi vui buồn?
Viết về mẹ, kể về mẹ không giấy bút và ngôn từ nào chuyên chở hết. Mẹ vĩ đại trong một hình hài giản dị, chân phương. Cánh vạc, cánh cò mắc võng à ơi hai đầu câu hát, chòng chành đi hết mùa hạ lại sang thu, đi qua những đêm đông giá lạnh “chỗ ướt mẹ nằm, chỗ ráo con lăn” đến cái dắt tay tập cho con những bước đi đầu đời, bón từng thìa cơm, muỗng cháo, dỗ dành những vết đau khi con vấp ngã…
Mẹ ơi, tiếng gọi đầu tiên ngày bập bẹ, con gọi mẹ. Để sau này khôn lớn đi xa, quăng quật cùng sóng gió cuộc đời, trên muôn nỗi vui buồn sướng khổ, hạnh phúc hay đớn đau, người đầu tiên con nghĩ đến và bật lên tiếng gọi là mẹ. Mẹ ơi – tiếng gọi ấy con chưa hề hiểu hết được ý nghĩa của nó, giản đơn nhường thế mà mỗi lần cất lên lại thấy nôn nao, òa vỡ. Mỗi dịp về thăm nhà, con đã cất tiếng gọi mẹ thật to từ đầu ngõ; khi muốn thủ thỉ điều gì, con cũng gọi thì thầm bên tai và ngày không còn mẹ nữa, con lại khản giọng thảng thốt, bàng hoàng gọi hoài, gọi mãi… mẹ ơi!
Mẹ ơi, sao chưa một lần mẹ nghĩ cho mình dù chỉ là dành đôi phút thảnh thơi mà ngơi nghỉ? Cứ lũi lầm như thế, hết việc nhà lại việc xóm giềng, họ mạc. Hết buổi chợ lại xắn áo, xắn quần lo ruộng, lo vườn. Khi các con đã say giấc, vẫn bóng mẹ cần mẫn cùng lộc cộc tiếng đêm xay giã, khâu vá…
2. Nắng mưa cứ vô tâm lợp chằm lên đời mẹ, cho con tươi tốt một dáng hình. Tấm áo mới nhường con, mẹ nhận về mình manh áo bạc sờn qua hằng hà năm tháng. Bữa cơm mẹ thường ăn chậm để luôn là người ở lại cuối cùng cũng vì muốn nhường chồng con miếng ngon. Mẹ lặng thầm, kiệm lời mà tỏa ra bóng mát diệu kỳ để chỉ nghĩ về thôi, trong con đã có cả vòm xanh che chở.
Mẹ lặng thầm, kiệm lời mà tỏa ra bóng mát diệu kỳ…Ảnh minh họa Internet.
Con sợ lắm mỗi lần mẹ khóc. Là ở phiên chợ tết xưa được chứng kiến những giọt nước mắt tủi hờn của người mẹ nghèo khi không thể sắm sửa cho con mình tấm áo mới. Là khi mẹ phải đi xin sách cũ cho con học mỗi dịp tựu trường rồi ra sức vỗ về, an ủi con. Là những lần con mải chơi hay mắc phải lỡ lầm khiến mẹ xót đau…
Mẹ ân cần và tinh tế, giấu riêng một nỗi mình thiếu trước hụt sau. Cứ mỗi bận con đi học xa nhà lại dấm dúi những đồng tiền cõi còm chắt bóp, cẩn thận đùm gói thức nọ quà kia cho con mang đi chỉ vì lo con thiếu thốn. Mẹ ơi, xiết bao ân tình mẹ gửi trao, làm sao con trả hết trong cõi nhân sinh này?
Dẫu biết rằng, rồi đến một ngày con sẽ không còn mẹ trên đời. Con đã tự chuẩn bị cho mình điều ấy nhưng sao vẫn không tránh được nỗi xa xót, bàng hoàng. Một năm, hai năm, ba năm… rồi nhiều năm sau nữa, mẹ đã hóa mây trắng về trời nhưng trong con chưa một ngày nguôi ngoai thương nhớ. Nợ mẹ, con nợ cả cuộc đời và sẽ chẳng bao giờ trả nổi. Như lời ru của mẹ, chẳng thể nào con đi hết và hiểu hết trong sự bé dại của mình. Ở một nơi rất xa nào đó, không biết bây giờ mẹ có còn nghe lời con vọng gọi: “Mẹ ơi, con đã già rồi/ Con ngồi nhớ mẹ khóc như trẻ con…” (Trần Tiến).
Ngô Thế Lâm