Cục Quản lý thị trường Hà Tĩnh phối hợp với lực lượng chức năng đã kịp thời ngăn chặn nhiều trường hợp hàng nhập lậu khối lượng lớn khi lưu thông qua địa bàn tỉnh, góp phần xây dựng thị trường lành mạnh.
Chưa đầy 1 tháng, lực lượng quản lý thị trường Hà Tĩnh thu giữ 20,1 tấn đường nhập lậu.
Ngày 2/7/2023, Đội Quản lý thị trường số 6 (Cục Quản lý thị trường tỉnh) phối hợp với Phòng CSGT – Công an tỉnh Hà Tĩnh tiến hành dừng, khám xe ô tô tải mang biển kiểm soát 34C-278.60 do ông Tăng Văn Giáp (trú tại TP Hải Dương, tỉnh Hải Dương) điều khiển. Qua kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện trên xe có 8 tấn đường không có hóa đơn, chứng từ chứng minh tính hợp pháp của hàng hóa. Lái xe khai nhận toàn bộ số hàng trên mua trôi nổi trên thị trường về để kinh doanh kiếm lời.
Qua tham mưu của Cục Quản lý thị trường, ngày 14/7, UBND tỉnh xử phạt vi phạm hành chính số tiền 90 triệu đồng đối với ông Tăng Văn Giáp về hành vi kinh doanh hàng hóa nhập lậu.
Ông Tăng Văn Giáp bị xử phạt 90 triệu đồng về hành vi kinh doanh hàng hóa nhập lậu.
Trong ngày 6/7/2023 và ngày 10/6/2023, Đội Quản lý thị trường số 6 cũng đã dừng, khám 2 xe tải chở tổng cộng 12,1 tấn đường lưu thông qua địa bàn tỉnh không có hóa đơn, chứng từ chứng minh tính hợp pháp của hàng hóa. UBND tỉnh đã ra quyết định xử phạt 2 trường hợp này với tổng số tiền 160 triệu đồng về hành vi kinh doanh hàng hóa nhập lậu. Như vậy, chỉ chưa đầy 1 tháng, ngành chức năng đã phát hiện 3 trường hợp kinh doanh đường nhập lậu với tổng giá trị hàng hóa tịch thu hơn 300 triệu đồng.
Trước đó, ngày 22/4, lực lượng quản lý thị trường cũng đã phát hiện 500 đôi dép nhựa trẻ em không có hóa đơn, chứng từ chứng minh tính hợp pháp của hàng hóa do ông Phạm Văn Quang (trú huyện Ngọc Lặc, Thanh Hóa) vận chuyển qua địa bàn tỉnh. Đơn vị đã xử phạt vi phạm hành chính số tiền 5 triệu đồng và tịch thu toàn bộ hàng hóa vi phạm.
Đội Quản lý thị trường số 6 thu giữ 7 tấn đường nhập lậu khi đang lưu thông qua địa bàn Hà Tĩnh vào ngày 6/7/2023.
Theo số liệu của Cục Quản lý thị trường, từ đầu năm đến nay, đơn vị đã phát hiện, xử lý 7 vụ vi phạm hàng hóa nhập lậu, phạt hành chính 289 triệu đồng, tịch thu hàng hóa vi phạm có giá trị hơn 385 triệu đồng.
Qua đánh giá của ngành chức năng, các trường hợp vi phạm hàng lậu chủ yếu là khâu lưu thông qua địa bàn trên tuyến quốc lộ 1. Đây là tuyến đường “huyết mạch” nên đối tượng buôn lậu thường vận chuyển hàng hóa nhập lậu để đưa về các địa phương tiêu thụ.
Nhiều hàng hóa nhập lậu bị thu giữ như dép, nồi cơm điện, quạt…
Nhằm ngăn chặn hàng hóa nhập lậu, Cục Quản lý thị trường đã tăng cường công tác cài cắm cơ sở, nắm bắt nguồn tin, chủ động phối hợp với lực lượng cảnh sát giao thông triển khai các biện pháp nghiệp vụ, kiểm soát các xe chở hàng hóa nhập khẩu. Nhờ đó, kịp thời phát hiện và thu giữ hàng hóa nhập lậu, ngăn chặn sản phẩm tuồn ra thị trường.
Theo ông Nguyễn Đình Khoa – Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Hà Tĩnh, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, đơn vị gặp một số khó khăn do địa bàn rộng, lực lượng mỏng; hành vi buôn lậu, gian lận thương mại ngày càng tinh vi với các thủ đoạn như: thay đổi tuyến đường, phương tiện vận chuyển, thời gian hoạt động, xé lẻ hàng hóa…
Lực lượng quản lý thị trường tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường hàng hóa.
Có thể thấy, nhu cầu sử dụng hàng hóa của người dân đang ngày càng tăng cao. Đây là điều kiện thuận lợi để thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, thông thương hàng hóa. Tuy nhiên, một số đối tượng vì lợi ích kinh tế, bất chấp các thủ đoạn để kinh doanh hàng lậu, thực hiện hành vi gian lận thương mại, ảnh hưởng đến thị trường kinh doanh. Điều này làm ảnh hưởng đến hoạt động doanh nghiệp, gây thiệt hại cho người tiêu dùng đồng thời làm thất thu thuế cho Nhà nước.
Ông Nguyễn Đình Khoa – Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Hà Tĩnh cho biết: “Thời gian tới, đơn vị tiếp tục phối hợp với các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương thực hiện các văn bản chỉ đạo của Tổng cục Quản lý thị trường, UBND tỉnh về kiểm tra, kiểm soát thị trường, đấu tranh chống hàng lậu, hàng giả, gian lận thương mại. Bên cạnh đó, tăng cường bám nắm địa bàn; tuyên truyền, vận động Nhân dân tố giác hành vi vi phạm, góp phần xây dựng môi trường kinh doanh lành mạnh”.
Trong 7 tháng đầu năm, Cục Quản lý thị trường xử lý 581 vụ vi phạm, trong đó có 117 vụ về an toàn thực phẩm, 45 vụ hàng giả, 7 vụ hàng nhập lậu và hàng trăm vụ vi phạm liên quan đến niêm yết giá, nhãn mác hàng hóa… Số tiền xử phạt vi phạm hành chính gần 2,2 tỷ đồng; trị giá hàng hóa tịch thu, tiêu hủy trên 1,1 tỷ đồng. |
Ngọc Loan