Đôi khi, nhớ quá thời bé dại, lục tìm ký ức xưa, tôi gặp lại hình ảnh của mẹ, của chính tôi cùng những món ăn thuở cơ hàn ngày đông giá mà dậy lên niềm thương nhớ vô bờ…
Mẹ tôi thường nói vui, đó là “đặc sản” mùa đông của quê mình đó con ạ. Và tôi cũng không thể đếm nổi mình đã đi qua biết bao mùa đông ấu thơ từ lạ lẫm rồi thân thuộc với những thức mùi ấy trong bữa cơm của mẹ. Cho đến tận bây giờ, mỗi khi nghĩ về, vẫn hằn nguyên một miền nhớ khôn nguôi.
Từ những nguyên liệu đơn giản, dễ kiếm, khoai xéo đã trở thành món ăn dân dã, quen thuộc trong đời sống người dân.
Tôi còn nhớ rất rõ, hằng năm, cứ vào độ tháng 10 âm lịch, trời bắt đầu mưa nhiều, cứ thế dầm dề suốt mùa đông. Cũng là mùa biển động nên người ta ít giong thuyền đánh cá. Họa hoằn lắm mới có vài buổi chợ nhưng giá cả thức ăn vô cùng đắt đỏ. Chính vì nắm được “quy luật diễn biến” đó, mẹ tôi thường chuẩn bị thực phẩm dự trữ cho mùa đông từ rất sớm.
Từ mùa hè, mẹ tranh thủ mua khoai lang khi người ta vừa dỡ từ ruộng về, chọn ngày nắng đẹp cắt khoai phơi phóng đến ba, bốn con nắng cho đủ độ giòn, lại chống được mối mọt trước khi bỏ vào chum để cất trữ.
Ngày thường, chum khoai nằm im lìm một góc bếp, chẳng mấy khi được để ý. Cho đến những ngày mưa phùn, gió bấc thì chum khoai mới thực sự phát huy giá trị. Thời buổi “gạo châu, củi quế” nên để dằn thêm cái bụng tuổi ăn tuổi lớn của đám trẻ, mỗi khi nồi cơm chín tới, mẹ thường bỏ thêm một nhúm khoai hấp cùng. Tất nhiên, khoai thường phần bố mẹ, cơm trắng nhường cho con. Nhưng thường nhật hơn là cách làm khoai xéo của mẹ cho mấy đứa trẻ ăn sáng đi học hoặc ăn vào bữa lỡ khi hai bữa chính thường ít khi được no.
Từ cách dùng đũa cả đánh chéo tay khi chế biến món ăn này mà người ta quen gọi bằng cái tên rất đỗi bình dân là khoai xéo.
Nấu khoai, mẹ thường thêm đậu đen hoặc ít lạc nhân, đường mía cho nồi khoai đẫy vị hơn. Khi khoai chín nhừ thì dùng đũa cả đánh qua đánh lại cho đến khi hỗn hợp ấy hòa quyện thật nhuyễn là có thể nhấc xuống ăn được. Có lẽ từ cái cách dùng đũa cả đánh chéo tay khi chế biến món ăn này mà người ta quen gọi bằng cái tên rất đỗi bình dân là khoai xéo.
Cá nục, cá trích cũng được mẹ mua vào đúng vụ cá từ đầu mùa hè nên giá khá rẻ. Tiếp tục các công đoạn làm sạch, phơi thật khô nhưng quy trình cất trữ cầu kỳ và cẩn thận hơn để tránh gián, chuột và ẩm mốc. Mỗi khi chế biến, những con cá khô thường được ngâm vào nước vo gạo để làm mềm và sạch hết bụi bẩn. Cho vào chảo một ít mỡ lợn cùng hỗn hợp tỏi, ớt, nước mắm ngon để rim cá; bữa nào “sang” hơn thì có thêm thịt ba chỉ xắt hạt lựu nấu cùng.
Món cá khô rim đưa cơm vô cùng, đặc biệt là trong những ngày trời mưa lạnh. Ảnh: internet.
Mùa mưa nên rau dại vườn nhà sinh trưởng rất nhanh, hái thêm một nắm tập tàng đem luộc, chấm với thứ nước sền sệt của nồi cá rim. Khỏi phải nói, mấy đứa con háu đói thèm thuồng như thế nào khi mâm cơm và nồi cá khô rim mặn ngọt được bày ra. Giữa tiết trời đông rét, tôi dám chắc chẳng có món ăn nào vừa bắt cơm lại tiện giản và tiết kiệm như thế.
Nhớ những mùa lụt, cả nhà dắt díu nhau đi tránh trú, mẹ vẫn không quên mang theo “của để dành” của mùa mưa như một nhu yếu phẩm tất yếu để cả nhà đi qua những ngày gian khó.
Thương sao những mùa đông ấu thơ đã đi qua đời tôi ấm nồng và yêu thương. Ngày nay, bữa ăn thường nhật đã vơi đi bao lo nghĩ, thậm chí còn ê hề món nọ thức kia. Đôi khi, nhớ quá thời bé dại, lục tìm ký ức xưa, tôi gặp lại hình ảnh của mẹ, của chính tôi cùng những món ăn thuở cơ hàn ngày đông giá mà dậy lên niềm thương nhớ vô bờ…
Ngô Thế Lâm