Thời tiết Hà Tĩnh dự báo sẽ mưa nhiều từ sau ngày 12/9, do đó trên đồng ruộng, bà con nông dân khắp nơi đang gấp rút gặt gọn diện tích, đưa lúa về nhà sớm ngày nào tốt ngày đó.
Ông Lê Văn An (xã Mai Phụ, huyện Lộc Hà) tất bật thu gom lúa.
Tại các cánh đồng lớn huyện Lộc Hà, những ngày này máy gặt đập liên hợp cỡ lớn vẫn hoạt động hết công suất, tăng ca liên tục để giúp dân thu hoạch xong sớm ngày nào tốt ngày đó.
Ông Lê Văn An (xã Mai Phụ, huyện Lộc Hà) cho biết: “Tôi canh tác ở vùng đồng trống gió nên thường bị tố lốc. Thời điểm này gặp thời tiết xấu thì coi như mất trắng. Từ hôm qua, gia đình bắt đầu thuê máy gặt những diện tích lúa đã chín. Cứ “sớm một ngày, hay một điều”.
Bà con nông dân huy động tất cả lực lượng, hỗ trợ nhau đưa lúa sớm về nhà an toàn.
Bà Nguyễn Thị Loan (xã Hồng Lộc, huyện Lộc Hà) chia sẻ: “Vụ hè thu năm nay gia đình tôi gieo gần 6 sào lúa, chủ yếu là các giống như Khang dân 18. Nhờ gieo sạ cùng trà nên diện tích lúa chín đồng loạt. Rút kinh nghiệm các vụ mùa trước, khi thấy cây lúa chín hơn 80% tôi đã thuê máy gặt đưa về nhà, năng suất dự tính đạt gần 2,5 tạ/sào”.
Ông Lê Hồng Cơ – Trưởng phòng NN&PTNT huyện Lộc Hà thông tin: “Nhờ bố trí cơ cấu giống hợp lý, chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật, đảm bảo nguồn nước tưới, phòng trừ sâu bệnh kịp thời nên toàn bộ diện tích lúa của huyện phát triển tốt. Đến thời điểm này, toàn huyện đã thu hoạch được hơn 1.855 ha, đạt hơn 75% diện tích, năng suất dự kiến đạt 44,1 tạ/ha”.
Ông Nguyễn Tiến Tuấn (xã Thạch Trung, TP Hà Tĩnh) tất bật đưa lúa về nhà.
Những ngày này, không khí thu hoạch lúa của bà con nông dân TP Hà Tĩnh cũng hết sức gấp gáp. Nhờ cơ cấu tập trung bộ giống chủ lực, lúa ở các địa phương chín khá đều, tạo điều kiện cho bà con nông dân thu hoạch thuận lợi.
Ông Nguyễn Tiến Tuấn (xã Thạch Trung, TP Hà Tĩnh) cho biết: “2 ngày hôm nay (từ 11 đến 12/9 – PV), nhiều máy gặt đồng loạt ra đồng nên tiến độ được đẩy nhanh lên hẳn. Lúa sau thu hoạch có xe vận chuyển lên bờ, chở về nhà. Giờ lúa chín tới, gặt về có thể không đủ chỗ phơi nhưng cứ đưa về nhà cho chắc ăn đã rồi sau đó tính tiếp”.
Công việc thu hoạch lúa của bà con nông dân đang gấp gáp hơn bao giờ hết.
5 sào lúa của bà Lê Thị Hải (xã Thạch Hạ, TP Hà Tĩnh) trong thời gian ngắn đã được máy gặt đập liên hợp thu gọn. “Cánh đồng này sâu trũng nên chỉ cần mưa lớn là ngập băng. Với phương châm “xanh nhà hơn già đồng”, chúng tôi vừa thu hoạch xong là đưa lúa lên phơi luôn”, bà Hải cho biết.
Để đảm bảo khoa học nhất, máy gặt được điều tiết theo từng vùng đồng, gặt gọn theo hình thức cuốn chiếu, bà con dễ theo dõi và thu xếp kế hoạch hong phơi sau thu hoạch.
Máy gặt đa chức năng đã được huy động tiến hành thu hoạch, góp phần đẩy nhanh tiến độ.
Tại Hương Sơn, toàn huyện đã thu hoạch được hơn 1.320 ha lúa hè thu (đạt trên 58% tổng diện tích). Số lúa còn lại đang được bà con nông dân gấp gáp thu hoạch, đưa lúa về kho. Bà Nguyễn Thị Lan (xã Sơn Lễ, huyện Hương Sơn) chia sẻ: “Tôi tận dụng hết những ngày nắng để hoàn thành công việc đồng áng trước khi mưa đến. Gặt đến đâu, phơi đến đó. Chắc hôm nay nữa là khô khén. Thế là yên tâm rồi”.
Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hà Tĩnh, đến ngày 12/9, toàn tỉnh đã thu hoạch được hơn 40.982 ha/44.568 ha, đạt 92% diện tích. Dự kiến năng suất bình quân ước đạt trên 50,3 tạ/ha.
“Trước dự báo mưa lớn có thể xảy ra vào thời điểm cuối vụ, ngành nông nghiệp và chính quyền các địa phương đang tích cực chỉ đạo, đôn đốc bà con tập trung toàn bộ nhân lực khẩn trương thu hoạch các diện tích lúa đã chín. Đồng thời, có phương án huy động máy móc, phương tiện giúp đỡ nông dân trong khâu thu hoạch cũng như bảo quản sau thu hoạch”, ông Nguyễn Trí Hà – Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hà Tĩnh cho biết.
Theo Đài Khí tượng thủy văn Hà Tĩnh dự báo, từ ngày 12 – 16/9, do ảnh hưởng áp cao lục địa, kết hợp dải hội tụ nhiệt đới, Hà Tĩnh có mưa vừa, cục bộ có mưa to và dông. Cảnh báo: – Mưa dông kèm theo các hiện tượng lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh có thể gây ảnh hưởng đến tính mạng con người, sản xuất nông nghiệp. – Mưa lớn có khả năng gây ra tình trạng ngập úng tại các vùng trũng, thấp và nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại khu vực vùng núi. |