Cảnh quan của làng Phú Lễ được bàn tay bà con Nhân dân nơi đây vun trồng, chăm bón hàng ngày.
Không phải làng du lịch, không có những di tích nổi tiếng cũng không có những kỳ quan hùng vỹ… tất thảy cảnh quan của làng Phú Lễ được bàn tay bà con nhân dân nơi đây dày công chăm sóc, vun trồng mỗi ngày theo chương trình xây dựng nông thôn mới.
Thôn Phú Lễ cách trung tâm hành chính huyện Hương Khê khoảng 20km và cách thành phố Hà Tĩnh khoảng 70km. Chúng tôi chọn khám phá ngôi làng vào một ngày đầy nắng, không hẹn trước và tự đi bộ qua những ngõ nhỏ. Hơn cả kỳ vọng, Phú Lễ hiện lên trong veo, xanh mướt. Trong nắng nóng kèm “đặc sản” gió Lào đặc trưng nhưng cảm giác thanh bình nơi đây đã lấn át sự nóng bức, mệt mỏi. Mỗi bước chân, mỗi khung hình ở thôn đều là sự thỏa mãn bởi nhịp sống êm đềm, thảnh thơi, dung dị.
Nhịp sống nơi thôn Phú Lễ êm đềm, dung dị.
Toàn thôn Phú Lễ có hơn 120 hộ dân với hơn 500 nhân khẩu. Trong đó có 92 hộ/411 khẩu là đồng bào công giáo, tỉ lệ gần 75%, gần 30 hộ già cả neo đơn, 1 hộ dân tộc thiểu số. Thôn chia thành 5 tổ liên gia; chi bộ thôn có 9 đảng viên; ban mặt trận thôn có 12 thành viên.
Trước khi xây dựng nông thôn mới, nơi đây là thôn, xã nghèo trong diện hưởng chính sách 135 (thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững của Chính phủ). Sản xuất nông nghiệp phụ thuộc vào thiên nhiên, không có ngành nghề truyền thống. Đặc biệt, thời tiết diễn biến phức tạp, nằm ở hạ du công trình thủy điện Hố Hô nên thường xuyên xảy ra lũ quét.
Nhắc lại những năm tháng đầu tiên bắt tay xây dựng nông thôn mới, nhiều người dân kể: Khi đó Phú Lễ khó khăn lắm, không ai tin thôn có thể xây dựng nông thôn mới, không ai không hình dung ra khu dân cư kiểu mẫu…
Nhưng rồi nghe tuyên truyền, vận động của cấp ủy Đảng, chính quyền, bà con phát huy lợi thế đất nông nghiệp; phát huy truyền thống siêng năng, cần cù, chịu khó nhân rộng diện tích cây bưởi Phúc Trạch. Từ đó thu nhập, đời sống người dân được cải thiện, nhiều hộ vươn lên khá giả. Đồng thời, mỗi hộ dân cũng phát huy tinh thần đoàn kết, xây dựng cảnh quan, đường sá. Mối đoàn kết lương – giáo trong thôn được duy trì và phát huy, tình làng nghĩa xóm bền chặt.
Thể hiện rõ nhất là khi gia đình nào có hiếu hỷ, khó khăn hoạn nạn đều được bà con tận tình giúp đỡ; khi láng giếng có chuyện vui, chuyện buồn được tổ liên gia, ban công tác mặt trận thôn kịp thời chia sẻ. Việc cưới, việc tang được thực hiện theo hương ước. Những công việc chung của thôn xóm đều được thực hiện nghiêm theo quy chế dân chủ ở cơ sở, đem ra bàn bạc khách quan, các khoản đóng góp đều được công khai minh bạch, tạo niềm tin trong Nhân dân.
Qua thời gian chăm chút, bây giờ Phú Lễ trở nên xanh, sạch, đẹp.
Được biết, thời gian qua thôn đã vận động Nhân dân hiến gần 3.500m2 đất, 350 cây gió trầm, 145 cây bưởi Phúc Trạch và nhiều cây trồng có giá trị khác để xây dựng khu dân cư kiểu mẫu. Cùng với đó, vận động ngày công Nhân dân, xây dựng hơn 1.393m đường giao thông nông thôn, giải tỏa hành lang, trồng 7.800m hàng rào xanh.
Qua bao ngày tháng chăm chút, bây giờ Phú Lễ đã trở nên tươi đẹp. Bên trong, làng vẫn giữ nét nguyên sơ, chạm tới tâm hồn của những du khách ưa không gian văn hóa làng quê của người Việt.
Phú Lễ hiện đã đạt 10/10 tiêu chí khu dân cư kiểu mẫu và đang xây dựng khu dân cư thông minh.
Phú Lễ hiện đã đạt 10/10 tiêu chí khu dân cư kiểu mẫu, đồng thời đang xây dựng khu dân cư thông minh. Tổng nguồn lực huy động xây dựng cơ sở vật chất tại Phú Lễ lên đến gần 2,4 tỷ đồng (trong đó, ngân sách tỉnh: 900 triệu đồng; ngân sách huyện: 200 triệu đồng; vận động con em xa quê: 90 triệu đồng; huy động đóng góp của Nhân dân (bao gồm hiến đất, hiến cây) gần 1,2 tỷ đồng và hàng nghìn ngày công lao động…
Đến nay, bà con trong thôn vẫn duy trì định kỳ lao động dọn vệ sinh chung tại các tuyến đường, tổ liên gia, hội quán thôn.
Không chỉ đẹp, Phú Lễ còn tạo nên sự ấn tượng bởi sự trù phú. Thôn có 4 tổ hợp tác trồng và chăm sóc bưởi Phúc Trạch theo chương trình VietGAP. Ngoài ra có 4 mô hình chăn nuôi gia cầm trên 400 con; 30 mô hình chăn nuôi bò quy mô nhỏ; 85 mô hình trồng trọt, lâm nghiệp; 6 vườn mẫu. Giá trị sản xuất toàn thôn trong năm 2023 ước đạt 26 tỷ đồng. Thu nhập bình quân đầu người đến nay đạt gần 60 triệu đồng/người/năm.
Mới đây, huyện Hương Khê đã đề nghị Văn phòng Điều phối Nông thôn mới tỉnh Hà Tĩnh trình đề nghị Bộ trưởng Bộ NN&PTNT tặng Bằng khen cho mô hình Khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu tiêu biểu thôn Phú Lễ, xã Hương Trạch trong thực hiện phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” ngành NN&PTNT.
Có lẽ, Phú Lễ đẹp nhất vào mùa thu – khi những quả bưởi chín vàng, lấp lánh trên nền xanh của cây lá, vừa thanh bình mà giàu đẹp.
Phú Lễ phát triển phong trào văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao, rèn luyện sức khỏe; phấn đấu năm 2024 có 90 – 95% đạt gia đình văn hóa, 80% đạt gia đình thể thao.
Chi bộ Đảng ở Phú Lễ giữ vai trò lãnh đạo, ra nghị quyết cụ thể sát đúng với tình hình, điều kiện thực tế; chỉ đạo các tổ chức đoàn thể quần chúng, vận động Nhân dân tham gia thực hiện các chỉ thị, nghị quyết có hiệu quả. Từ năm 2020, đơn vị đã tập trung xây dựng, duy trì đảm bảo tính bền vững 10 tiêu chí xây dựng khu dân cư kiểu mẫu. Năm 2023 tập trung xây dựng khu dân cư thông minh. Đến nay, thôn có 18 mắt camera; 87% hộ dân có công trình vệ sinh và hệ thống xử lý nước thải sinh hoạt đảm bảo; có 4 mô hình ủ phân hữu cơ; các tuyến đường được lắp đặt biển trọng tải, 95% người dân đã có thẻ bảo hiểm y tế…
Ông Nguyễn Hữu Sơn – Bí thư Chi bộ thôn Phú Lễ