Thảo luận tại tổ về dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh Hoàng Trung Dũng đề nghị: Cần quy định cụ thể phương thức, thủ tục đóng bảo hiểm xã hội; quyền, trách nhiệm tương ứng của cơ quan đại diện ngoại giao, lãnh sự Việt Nam tại nước ngoài, tổ chức đưa người lao động đi nước ngoài.
Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh Hoàng Trung Dũng điều hành phiên thảo luận tổ 16 gồm ĐBQH các tỉnh: Cao Bằng, Lâm Đồng, Cà Mau, Hà Tĩnh.
Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, chiều 2/11, Đoàn ĐBQH Hà Tĩnh thảo luận tại tổ về dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) cùng Đoàn ĐBQH các tỉnh Cao Bằng, Lâm Đồng, Cà Mau. Đồng chí Hoàng Trung Dũng – Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh, Tổ trưởng điều hành phiên thảo luận. |
Sau hơn 7 năm triển khai, Luật Bảo hiểm xã hội đã đi vào cuộc sống, thể hiện tính đúng đắn của chính sách, chế độ bảo hiểm, đáp ứng nguyện vọng người lao động, bảo đảm an sinh xã hội và hội nhập quốc tế.
Đại biểu Phan Thị Nguyệt Thu – Đoàn ĐBQH Hà Tĩnh tham gia thảo luận tổ.
Tuy nhiên, Luật Bảo hiểm xã hội được ban hành năm 2014 bộc lộ một số tồn tại, hạn chế như: Diện bao phủ đối tượng tham gia và thụ hưởng còn thấp; tính tuân thủ pháp luật về bảo hiểm xã hội chưa cao, tình trạng chậm, trốn đóng bảo hiểm xã hội vẫn xảy ra ở nhiều doanh nghiệp, nhiều địa phương; chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện chưa hấp dẫn; một số quy định không phù hợp với thực tiễn.
Do đó, các đại biểu cho rằng cần thiết sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội để khắc phục những hạn chế, bất cập, bảo đảm an sinh xã hội, mở rộng quyền, lợi ích, thu hút người lao động tham gia bảo hiểm xã hội; hoàn thiện quy định quản lý nhà nước và hệ thống tổ chức thực hiện chuyên nghiệp, hiện đại, hiệu quả, thể hiện tính ưu việt của chế độ Nhà nước ta.
Đại biểu Đoàn Thị Lê An (Đoàn ĐBQH tỉnh Cao Bằng) phát biểu thảo luận.
Các đại biểu tập trung thảo luận về phạm vi điều chỉnh; đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc và bảo hiểm xã hội tự nguyện; trợ cấp hưu trí xã hội và điều kiện hưởng trợ cấp hưu trí xã hội; chế độ đối với người lao động không đủ điều kiện hưởng lương hưu và chưa đủ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội; căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc và bảo hiểm xã hội tự nguyện; xử lý vi phạm chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc; rút bảo hiểm xã hội một lần; chi phí quản lý bảo hiểm xã hội.
Đại biểu Nguyễn Văn Hiển – Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp (Đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng) phát biểu thảo luận.
Các đại biểu đề nghị nghiên cứu sắp xếp các chương, điều bảo đảm hợp lý, chặt chẽ và logic; bổ sung quyền, trách nhiệm, chế tài xử lý của cơ quan, tổ chức, cá nhân về quản lý, xử lý các đối tượng trốn, chậm đóng bảo hiểm; điều chỉnh giảm số năm đóng bảo hiểm xã hội với trường hợp suy giảm khả năng lao động từ 20 năm xuống 15 năm.
Quy định cụ thể cách tính chi phí quản lý bảo hiểm xã hội; đánh giá tác động của việc áp dụng chế độ nghỉ khám thai; quy định cơ quan chịu trách nhiệm quản lý nhà nước về thu, chi, bảo toàn, phát triển và cân đối Quỹ bảo hiểm xã hội; quy định việc lập kế hoạch, dự báo, quyền quyết định đầu tư quỹ bảo hiểm xã hội.
Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh Trần Đình Gia: Cần rà soát điều kiện hưởng trợ cấp hưu trí đảm bảo minh bạch, rõ ràng, tránh xung đột chính sách, bảo đảm nguồn lực ngân sách nhà nước.
Tại tổ thảo luận, các đại biểu Đoàn ĐBQH Hà Tĩnh cho rằng, cần rà soát điều kiện hưởng trợ cấp hưu trí đảm bảo minh bạch, rõ ràng, tránh xung đột chính sách, bảo đảm nguồn lực ngân sách nhà nước; cơ chế quản lý thu chi quỹ bảo hiểm xã hội; quy định rõ hơn đối tượng hưởng lương hưu của nhóm lao động (không chuyên trách ở cấp xã, thôn, lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở…); việc hưởng bảo hiểm y tế của người đáp ứng điều kiện nhận trợ cấp mà không phải căn cứ yếu tố “tăng trưởng kinh tế”.
Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh Hoàng Trung Dũng cho ý kiến tại phiên thảo luận tổ.
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy – Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh Hoàng Trung Dũng đề nghị rà soát, đề xuất chính sách về bảo hiểm xã hội một lần, bảo đảm tốt nhất quyền lợi người lao động, hài hòa nguyên tắc đóng – hưởng; quy định cụ thể phương thức, thủ tục đóng bảo hiểm xã hội, quyền, trách nhiệm tương ứng của cơ quan đại diện ngoại giao, lãnh sự Việt Nam tại nước ngoài, tổ chức đưa người lao động đi nước ngoài.
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức về ý nghĩa và tầm quan trọng của việc đóng góp, tích lũy cho chế độ hưu trí khi về già trong bối cảnh Việt Nam đang có tốc độ già hóa dân số nhanh.
Quang Đức – Trần Nhung