Mùa chim di cư đang đến, các địa phương và lực lượng Kiểm lâm ở Hà Tĩnh đã tập trung triển khai nhiều giải pháp để ngăn chặn nạn đánh bắt, tận diệt chim trời.
Lực lượng chức năng huyện Lộc Hà thu giữ nhiều dụng cụ săn bắt chim trời tại cánh đồng ở xã Thịnh Lộc.
Là địa phương có bờ biển dài cùng các cánh đồng rộng lớn, từ nhiều năm nay, Hà Tĩnh trở thành điểm dừng chân của nhiều loại chim tự nhiên di cư tránh mùa mưa bão. Đây cũng là thời điểm, người dân địa phương giăng bẫy săn bắt chim trời.
Xã Thịnh Lộc được xem là “điểm nóng” về nạn săn bắt chim trời ở huyện Lộc Hà, trước thực trạng đó, ngay từ đầu mùa chim di cư, chính quyền địa phương và các lực lượng chức năng đã tăng cường tuyên truyền, vận động Nhân dân không giăng bẫy, đặt các “thiên la địa võng” để tận diệt chim trời; cùng đó, không buôn bán, tàng trữ các loại chim trời.
Các dụng cụ bẫy chim trời sau khi bị thu giữ được tiêu huỷ tại chỗ.
Phó Chủ tịch UBND xã Thịnh Lộc Trần Văn Quý cho biết: “Từ đầu tháng 9 tới nay, địa phương đã tập trung tuyên truyền trên hệ thống loa phát thanh và đến từng nhà để tuyên truyền, vận động người dân không đánh bắt chim trời. Cùng với đó, bố trí lực lượng công an, dân quân tham gia cùng kiểm lâm kiểm tra địa bàn. Qua kiểm tra, đã thu giữ và tiến hành tiêu huỷ hơn 1.000 cây nhạ bẫy chim, 100 con cò giả bằng xốp và một số lùm đơn. Để bảo vệ các đàn chim trong mùa mưa bão, địa phương đang tiếp tục theo dõi, nhắc nhở, phối hợp với lực lượng chức năng để xử lý hiệu quả”.
Video: Hạt Kiểm Lâm Lộc Hà thực hiện nhiều giải pháp để ngăn chặn nạn săn bắt chim trời.
Ngoài xã Thịnh Lộc, các địa phương ở Lộc Hà cũng triển khai các giải pháp để ngăn chặn nạn săn bắt chim trời.
Ông Nguyễn Xuân Mận – Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Lộc Hà thông tin: “Ngoài tuyên truyền, nhắc nhở, đơn vị đã tham mưu cho Huyện ủy và UBND huyện ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương, phòng ngành vào cuộc nhằm chấn chỉnh tình trạng đánh bắt chim trời. Từ đầu tháng 8 tới nay, đơn vị đã phối hợp với các địa phương ra quân 10 lượt, tiêu hủy 400 cò xốp, 2.400 cây nhạ, phá 18 lùm đơm, 2.800m lưới…”.
Người dân xã Cương Gián (huyện Nghi Xuân) ký cam kết không đánh bắt chim trời.
Với đặc thù có nhiều đầm nước, lùm cây trù phú, cánh đồng Sác Cạn thuộc thôn Song Nam (xã Cương Gián, Nghi Xuân) luôn là địa điểm lí tưởng để các loài chim trời chọn làm nơi dừng nghỉ, bổ sung năng lượng sau hải trình dài hàng nghìn km bay về phương Nam tránh rét. Bởi vậy, nơi đây luôn được người dân địa phương đặt các loại bẫy để đánh bắt, tận diệt chim trời.
Để hạn chế, ngăn chặn tình trạng săn bắt chim trời, ngay từ đầu mùa mưa, xã Cương Gián đã tăng cường tuần tra, kiểm soát các vùng chim trời thường về tránh trú. Đặc biệt, địa phương đã yêu cầu các hộ dân ký cam kết về việc không đánh bắt chim trời, thông tin cho người dân những quy định mới liên quan vấn đề này. Ngoài ra, từ đầu tháng 9 tới nay, địa phương đã phối với lực lượng kiểm lâm tổ chức 3 đợt ra quân kiểm tra, phá bỏ 8 lùm trú, tiêu hủy 300 mồi giả, 1.600 cây nhạ…
Xã Cương Gián phối với lực lượng Kiểm Lâm ra quân kiểm tra, phá bỏ 8 lùm trú, tiêu hủy 300 mồi giả, 1.600 cây nhạ…
“Chúng tôi kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp cố tình vi phạm, cam kết “xóa” hết những điểm người dân thường giăng bẫy, đặt que nhạ để săn bắt chim trời. Đặc biệt, địa phương sẽ gắn trách nhiệm của cán bộ, lực lượng phụ trách thôn như công an, dân quân tự vệ…” – ông Trần Công Tráng, Phó Chủ tịch UBND xã Cương Gián nhấn mạnh.
Mùa chim di cư tránh mưa bão đang đến, hoạt động bảo vệ đàn cò, cói, vạc… đang được các lực lượng chức năng và chính quyền các cấp trên địa bàn tỉnh gấp rút triển khai. Không chỉ ở Lộc Hà, Nghi Xuân, tất cả các xã ven biển nằm ở đầu luồng chim di cư từ biển vào đất liền thuộc các huyện: Thạch Hà, Cẩm Xuyên, huyện Kỳ Anh, thị xã Kỳ Anh… đều tập trung vào cuộc.
Cán bộ Hạt Kiểm lâm huyện Can Lộc tiêu huỷ dụng cụ bẫy chim trên cánh đồng xã Thường Nga.
Ông Nguyễn Cự Duẩn – Phó Trưởng phòng phụ trách Phòng Pháp chế – Thanh tra (Chi cục Kiểm lâm Hà Tĩnh) thông tin: “Đơn vị đã phối hợp chặt chẽ với các cấp, ngành để quán triệt nghiêm túc các văn bản, quy định có liên quan. Cùng với đó, toàn lực lượng đã chủ động triển khai sâu rộng, đồng bộ các biện pháp, giải pháp từ nâng cao nhận thức đến ngăn chặn đánh bắt.
Tính từ đầu năm 2023 đến nay, toàn tỉnh đã tổ chức 205 cuộc kiểm tra, tổ chức tuyên truyền hơn gần 400 cuộc, ký cam kết gần 300 bản; tịch thu, thả vào tự nhiên gần 156 cá thể các loài chim mồi còn sống; tiêu hủy gần gần 2.000 các loại chim giả để làm mồi; gần 16.000 que nhạ; 18 máy phát tín hiệu gọi chim… Qua đó, đã góp phần hạn chế nạn săn bắt chim trời trên địa bàn tỉnh”.
Ông Duẩn còn khẳng định: Thời gian tới, đơn vị sẽ tiếp tục phối hợp với lực lượng chức năng và chính quyền địa phương tổ chức lực lượng truy quét liên tục, quyết liệt, nhằm tháo dỡ, thu hồi triệt để các phương tiện, dụng cụ bẫy, bắt trái phép các loài chim tự nhiên; triệt phá các tụ điểm chế biến, tàng trữ, tiêu thụ trái pháp luật các loài chim hoang dã. Đây là việc làm thiết thực góp phần bảo vệ đa dạng sinh học, môi trường sinh thái, bảo vệ các loại chim di cư.
Văn Chung