Các địa phương nằm ven chân núi Hồng Lĩnh thuộc huyện Lộc Hà (Hà Tĩnh) đã tập trung phát huy lợi thế vùng bán sơn địa để phát triển kinh tế.
Người dân Tân Lộc chú trọng phát triển chăn nuôi đại gia súc.
Thôn Tân Thành (xã Tân Lộc) là vùng đất bán sơn địa và cư dân ở đây đã biết tận dụng lợi thế để phát triển kinh tế. Trong điều kiện đất ruộng ít, bà con đã đẩy mạnh chăn nuôi gắn với trồng rừng nguyên liệu. Những cánh rừng trồng và đàn đại gia súc đã giúp thôn Tân Thành xóa đói, giảm nghèo bền vững, bức tranh nông thôn đổi về mọi mặt.
Ông Nguyễn Doãn Châu – Trưởng thôn Tân Thành cho biết: “Ngoài rừng sản xuất nguyên liệu giấy (bình quân 3-5ha/hộ) thì số lượng đàn trâu bò của thôn chúng tôi luôn đứng đầu xã. Trong 145 hộ/hơn 600 khẩu ở thôn có đến khoảng 135 hộ nuôi trâu bò, có nhà đến nuôi đến 12 con. Hoạt động chăn nuôi đã giúp nhiều hộ có thu nhập khá, cải thiện được cuộc sống với mức lãi đạt khoảng 500 – 600 nghìn đồng/con/tháng”.
Trang trại nuôi lợn quy mô lớn đạt chuẩn VietGAP của ông Nguyễn Văn Sửu ở thôn Tân Thành (xã Tân Lộc).
Tương tự như thôn Tân Thành, người dân ở các vùng ven đồi núi của Lộc Hà đã tận dụng tiềm năng, lợi thế về đất đai rộng lớn, thổ nhưỡng phì nhiêu để phát triển chăn nuôi. Hiện nay, ở vùng gò đồi có 6 cơ sở chăn nuôi tập trung, 18 trang trại nuôi bò quy mô 10 – 30 con, 12 trang trại nuôi lợn quy mô dưới 50 con và khoảng 10.000 hộ gia đình chăn nuôi quy mô nông hộ (nuôi trâu bò 6.643 hộ, chăn nuôi lợn 772 hộ, còn lại gia cầm).
Các địa phương ven chân núi cũng có đàn vật nuôi chiếm khoảng 2/3 tổng đàn của cả huyện (toàn huyện hiện có 10.250 con trâu, bò, gần 10.000 con lợn, 289.000 con gia cầm), tỷ lệ lai hóa đàn bò đạt 70% (toàn huyện khoảng 60%)…
Vùng bán sơn địa ở Lộc Hà là những dãi đất nằm ven chân núi Hồng Lĩnh chủ yếu nằm ở các xã Hồng Lộc, Tân Lộc, Thịnh Lộc, Bình An và một phận nhỏ thuộc địa bàn 4 xã, thị trấn khác. Bên cạnh phát triển chăn nuôi, những năm gần đây, các xã vùng bán sơn địa đã thực hiện chuyển đổi một số diện tích đất đồi trồng rừng cho hiệu quả kinh tế thấp sang trồng cây ăn quả.
Nhiều vùng bán sơn địa ở Lộc Hà đã chú trọng phát triển các loại cây ăn quả.
Đến thời điểm hiện tại đã có khoảng 170 ha cây ăn quả được trồng ở vùng bán sơn địa, chiếm 2/3 tổng diện tich cây ăn quả toàn huyện và phấn đấu đến năm 2025 sẽ có thêm 70 – 80 ha (cả huyện phấn đấu có thêm 100 ha). Các loại cây ăn quả được lựa chọn đưa vào trồng là các loại bưởi, cam, chanh, ổi, mít, hồng xiêm, thanh long…
Theo ước tính của người làm vườn đồi ở Lộc Hà, bình quân mỗi ha cây ăn quả hiện cho thu nhập khoảng 150 – 180 triệu đồng/năm.
Phó Trưởng phòng NN&PTNT huyện Lộc Hà Nguyễn Đình Thành cho biết: “Để phát triển nhanh, bền vững, hiệu quả cây ăn quả vùng bán sơn địa, huyện Lộc Hà đã ban hành chính sách hỗ trợ trồng mới cây ăn quả tại các vùng này. Theo đó, các hộ trồng tối thiểu 1 ha được hỗ trợ 50% kinh phí mua giống (tối đa 15 triệu đồng/ha) và 50% kinh phí đầu tư cải tạo đất, xây dựng hệ thống tưới (tối đa 10 triệu đồng/ha), cũng như được tạo điều kiện về quỹ đất, tiếp cận khoa học – kỹ thuật, hỗ trợ các vấn đề khác trong sản xuất”.
Thương hiệu tập thể “Chè Hồng Lộc” đang ngày một lan xa.
Bên cạnh trồng các loại cây ăn quả, người dân Lộc Hà cũng đã chú trọng trồng rừng nguyên liệu để nâng cao thu nhập, đa dạng sinh kế.
Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Lộc Hà thông tin: “Trên địa bàn hiện có 612 ha đất lâm nghiệp được giao cho các gia đình, cộng đồng sản xuất (chiếm hơn 29% tổng diện tích đất rừng và đất lâm nghiệp). Những năm qua, nhờ làm tốt công tác quản lý, bảo vệ, phòng cháy nên diện tích rừng trồng tăng nhanh, cho năng suất khoảng 12 m3/ha/năm, thu nhập bình quân 12 triệu/năm (60 triệu đồng/chu kỳ 5 năm), sản lượng gỗ khai thác đạt 1.500 m3/năm”.
Người dân Hồng Lộc khai thác rừng trồng.
Để phát huy lợi thế vùng gò đồi, trong Đề án cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với xây dựng NTM giai đoạn 2022 – 2025, huyện Lộc Hà xác định: tập trung rà soát quỹ đất ưu tiên tổ chức sản xuất theo hướng phát triển các trang trại nông – lâm kết hợp và trồng các loại cây lâm nghiệp có giá trị cao, thí điểm trồng cây dược liệu, cây ăn quả phù hợp gắn với chăn nuôi (chú trọng chăn nuôi trâu, bò, lợn) theo hướng cơ sinh học, tuần hoàn.
Bên cạnh đó, huyện cũng sẽ thu hút, khuyến khích phát triển các trang trại, gia trại quy mô lớn ở những vùng đã có quy hoạch, chú trọng giám sát chặt chẽ công tác bảo vệ môi trường, phòng chống dịch bệnh, tăng cường liên kết, nâng cao chất lượng sản phẩm…
Tiến Dũng