Tết Nguyên đán đang đến gần, người dân thôn Vĩnh Phúc, xã Quang Vĩnh (Đức Thọ, Hà Tĩnh) đang hối hả thu hoạch lá dong cung cấp cho người tiêu dùng.
Thôn Vĩnh Phúc, xã Quang Vĩnh có 80/170 hộ trồng lá dong trên diện tích khoảng 10ha và là “thủ phủ” lá dong lớn nhất Hà Tĩnh. Bắt đầu từ ngày 13 đến 28 tháng Chạp là cao điểm của mùa thu hoạch lá dong.
Thời vụ thu hoạch lá dong ở thôn Vĩnh Phúc bắt đầu từ ngày 13 – 28 tháng Chạp.
Gia đình chị Nguyễn Thị Mai (thôn Vĩnh Phúc) đã dành toàn bộ mảnh vườn hơn 500 m2 để trồng lá dong. Thời gian này, các thương lái tập trung đến thu mua số lượng lớn về bán cho các cơ sở gói bánh chưng hoặc bán lại cho các tiểu thương ở chợ nên gia đình chị Mai phải huy động nhiều người cùng thu hoạch để kịp giao hàng.
“Chúng tôi đang tập trung cao độ thu hái và xếp thành từng bó lá dong để xuất cho thương lái. Gia đình tôi đã bán được hơn 40.000 lá. Chúng tôi dự kiến thu hoạch và bán đến 28 tết là nghỉ ” – chị Nguyễn Thị Mai chia sẻ.
Một người có thể thu hoạch được từ 5 – 6.000 lá/ngày.
Được biết, năm nay thời tiết thuận lợi nên lá dong rất đẹp, to, dày nên được giá hơn những năm trước. Hiện giá bán tại vườn dao động từ 55 – 60 nghìn đồng/100 lá loại to, từ 35-40 nghìn đồng/100 lá loại nhỏ. Theo ước tính, mỗi sào lá dong mang lại thu nhập cho người dân thôn Vĩnh Phúc từ 10 – 15 triệu đồng.
Gia đình ông Lê Huy Đồng (thôn Vĩnh Phúc) có trên 1.000 m2 trồng lá dong. Dự kiến dịp này, gia đình ông thu hoạch gần 50.000 lá, thu về trên 25 triệu đồng. Ông Đồng cho hay: “Cây lá dong không mất quá nhiều công chăm sóc nhưng đòi hỏi người trồng phải thường xuyên dọn sạch lá gốc cho cây ra nhiều mầm, lá xanh, to, đều, đẹp. Đặc biệt, cây lá dong phát triển tốt ở dưới những bóng cây cao và rậm rạp”.
Thương lái đến tận nhà thu mua lá dong.
Cũng theo ông Lê Huy Đồng, cây lá dong có thể cho thu hoạch 2 vụ/năm, tuy nhiên, thu hoạch nhiều sẽ khiến cây cho lá nhỏ, không đẹp. Vì vậy, hầu hết các hộ ở thôn Vĩnh Phúc thường chỉ thu hoạch mỗi năm một vụ vào dịp tết để giữ được chất lượng sản phẩm.
Ông Hoàng Xuân Quang, Trưởng thôn Vĩnh Phúc cho biết: “Cây lá dong không cần chăm sóc nhiều, cứ sau mỗi lần thu hoạch, người dân chỉ dọn sạch cỏ rác, lá khô ở gốc rồi bón một ít phân lân và đạm. Nghề trồng lá dong ở đây được cha ông truyền lại từ bao đời nay, đây cũng là nguồn thu nhập chính của người dân trong dịp tết Nguyên đán”.
Đức Phú