Đó là chủ đề hội thảo khoa học cấp quốc gia do UBND tỉnh Hà Tĩnh phối hợp tổ chức, khai mạc sáng nay (21/10) tại TP Hà Tĩnh.
Chủ trì phiên khai mạc toàn thể gồm: Tiến sỹ Võ Hồng Hải – Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Hà Tĩnh; Thạc sỹ Lê Ngọc Châu – Phó Chủ tịch UBND tỉnh; GS.TS, Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Văn Kim – Phó Chủ tịch Hội đồng di sản văn hóa quốc gia, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam; PGS.TS Đinh Quang Hải – nguyên Viện trưởng Viện Sử học, Tổng Biên tập Tạp chí Nghiên cứu lịch sử; PGS.TS Biện Minh Điền – Trường Đại học Vinh; ông Bùi Xuân Thập – Giám đốc Sở VH-TT&DL Hà Tĩnh; ông Nghiêm Sỹ Đống – Bí thư Huyện ủy Can Lộc. Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Trung Dũng, đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành; một số trường đại học, cao đẳng trong cả nước; các trung tâm văn hóa, khu di tích; lãnh đạo sở VHTT, bảo tàng các tỉnh Nghệ An, Bình Định tham dự hội thảo. |
Chủ trì hội thảo
La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp (1723 – 1804) quê ở xã Kim Song Trường (huyện Can Lộc, Hà Tĩnh), trong một gia đình, dòng họ, ở một vùng đất giàu truyền thống hiếu học, yêu nước.
Là một kẻ sĩ thức thời, có ý thức và trách nhiệm sâu sắc với vận mệnh của đất nước, dân tộc, La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp chọn cho mình một lối đi riêng, độc đáo, trên cơ sở lấy vận mệnh đất nước và cuộc sống của muôn dân làm mục tiêu hành đạo. Ông là một nhân cách cao thượng, một trí tuệ lớn, một tâm hồn thanh cao, một bản lĩnh kiên định, vững vàng.
Hoàng đế Quang Trung đã đánh giá rất cao La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp: “Trông lên thành Lục Niên có người tài đương ở đó, ấy là trời để dành Phu tử cho quả đức”. Còn GS Hoàng Xuân Hãn thì cho rằng: “Nhờ Phu tử mà nho phong lan khắp cả vùng Hoan Châu”, “bởi cái đặc tính của mình, Phu tử đã liên can đến tất cả các vai chính trong màn lịch sử đương thời”…
Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Trung Dũng và các đại biểu tham dự hội thảo.
Ngày nay, dù đã gần 220 năm sau ngày Nguyễn Thiếp đi xa nhưng những bài học về lẽ “xuất – xử”, về lối sống và cách hành xử, ứng xử trước thời cuộc, những bài học về đạo đức, về nhân tâm, về việc lấy dân làm gốc “dân là gốc nước, gốc vững nước mới yên”… của ông vẫn còn rất nhiều giá trị.
Mặc dù là một danh nhân lẫy lừng nhưng những công trình nghiên cứu về La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp đến nay vẫn còn rất khiêm tốn. Ngoài tác phẩm La Sơn phu tử của GS Hoàng Xuân Hãn viết năm 1953, xuất bản tại Pari, Thơ La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp của Nguyễn Sĩ Cẩn xuất bản năm 1998 thì đến nay cũng mới chỉ có một số đề tài, bài viết rải rác, chưa xứng tầm với công lao và sự nghiệp của bậc túc nho La Sơn Nguyễn Thiếp.
Toàn cảnh phiên khai mạc hội thảo.
Nhân kỷ niệm 300 năm La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp (1723 – 2023), hội thảo nhằm công bố những sưu tầm, khảo cứu, những nghiên cứu mới về La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp như cuộc đời, con người, sự nghiệp, quê hương, thời đại, các mối quan hệ xã hội, lịch sử,…).
Qua đó bổ sung, khẳng định vai trò và những đóng góp của La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp đối với triều Tây Sơn nói riêng, với văn hóa và lịch sử nước nhà nói chung. Đồng thời bảo tồn, khai thác và phát huy các giá trị di sản văn hóa triều Tây Sơn và La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp trên địa bàn Hà Tĩnh.
Báo Hà Tĩnh sẽ cập nhật nội dung…
Thiên Vỹ