Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV sẽ khai mạc vào ngày 23/10 với tổng thời gian là 22 ngày làm việc. Trong đó, dự kiến Quốc hội sẽ dành 1,5 ngày để lấy phiếu đối với 44 chức danh.
Tại Phiên họp thứ 27, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến các nội dung chuẩn bị kỳ họp thứ 6, Quốc hội khoá XV.
Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV sẽ khai mạc vào ngày 23/10, với tổng thời gian là 22 ngày làm việc, tiến hành theo 2 đợt: đợt 1, từ ngày 23/10 đến ngày 10/11/2023; đợt 2, từ ngày 20/11 đến ngày 28/11/2023. Kỳ họp thứ 6 được tổ chức theo hình thức họp tập trung tại Nhà Quốc hội.
Tại Kỳ họp này, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua 9 dự án luật, 1 nghị quyết, cho ý kiến 8 dự án luật; xem xét các vấn đề kinh tế – xã hội, ngân sách Nhà nước; tiến hành giám sát tối cao; chất vấn và trả lời chất vấn. Đặc biệt, Quốc hội sẽ tiến hành lấy phiếu tín nhiệm đối với 44 người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn.
Dự kiến thông qua 9 dự án luật, 1 dự thảo nghị quyết
Dự kiến, tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua 9 dự án luật bao gồm: Luật Đất đai (sửa đổi); Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi); Luật Nhà ở (sửa đổi); Luật Tài nguyên nước (sửa đổi); Luật Viễn thông (sửa đổi); Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự; Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở; Luật Căn cước; Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi). Quốc hội cũng sẽ xem xét thông qua 1 dự thảo nghị quyết: Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách tháo gỡ vướng mắc quy định tại một số luật liên quan tới đầu tư xây dựng công trình giao thông đường bộ.
Bên cạnh đó, Quốc hội sẽ xem xét, cho ý kiến 8 dự án luật, bao gồm: Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi); Luật Lưu trữ (sửa đổi); Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp; Luật Đường bộ; Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ; Luật Thủ đô (sửa đổi); Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản.
Xem xét, quyết định các vấn đề kinh tế – xã hội
Quốc hội sẽ tiến hành đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội, ngân sách Nhà nước năm 2023 và xem xét, quyết định kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội, dự toán ngân sách Nhà nước, phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2024 (trong đó có xem xét tình hình thực hiện kế hoạch đầu tư công vốn ngân sách Nhà nước năm 2023 và quyết định kế hoạch đầu tư công vốn ngân sách Nhà nước năm 2024; xem xét Kế hoạch tài chính – ngân sách Nhà nước 3 năm 2024-2026).
Hội nghị toàn quốc lần thứ nhất triển khai luật, nghị quyết của Quốc hội khóa XV.
Xem xét các báo cáo đánh giá giữa nhiệm kỳ: kết quả triển khai thực hiện các kế hoạch 5 năm giai đoạn 2021 – 2025 về phát triển kinh tế – xã hội, cơ cấu lại nền kinh tế, đầu tư công trung hạn, tài chính quốc gia và vay, trả nợ công.
Giám sát chuyên đề việc triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia
Bên cạnh đó, Quốc hội cũng sẽ tiến hành xem xét các báo cáo công tác tư pháp, bao gồm: Báo cáo của Chánh án Toà án nhân dân tối cao về công tác của Tòa án nhân dân; Báo cáo công tác của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao (trong đó có kết quả công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của Tòa án nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân theo quy định của pháp luật về tố tụng và việc thực hiện Nghị quyết số 96/2019/QH14, việc thực hiện Nghị quyết số 33/2021/QH15); các báo cáo của Chính phủ về: công tác phòng, chống tham nhũng, công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, công tác thi hành án năm 2023 (trong đó có nội dung về công tác quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam và việc thực hiện Nghị quyết số 96/2019/QH14).
Về công tác giám sát, Quốc hội cũng sẽ tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội về trách nhiệm của các thành viên Chính phủ, trưởng ngành trong việc thực hiện một số nghị quyết của Quốc hội khóa XIV về giám sát chuyên đề, chất vấn và nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề, chất vấn từ đầu nhiệm kỳ khóa XV đến hết kỳ họp thứ 4.
Đồng thời, tiến hành giám sát chuyên đề “Việc triển khai thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về các Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 – 2025, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 – 2025, phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030”.
Theo dự kiến chương trình, tại Kỳ họp thứ 6 này, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân gửi đến Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV. Quốc hội sẽ xem xét, quyết định việc điều chỉnh một số nội dung của Nghị quyết 53/2017/QH14 ngày 24/11/2017 của Quốc hội về Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành; xem xét Báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội về kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV; xem xét kết quả công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư, giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân năm 2023; xem xét báo cáo kết quả rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật theo quy định tại Nghị quyết số 101/2023/QH15 về Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV.
Lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn
Một nhiệm vụ đặc biệt tại kỳ họp này là Quốc hội sẽ tiến hành lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn. Quốc hội dự kiến dành 1,5 ngày làm công tác lấy phiếu. Quốc hội sẽ lấy phiếu tín nhiệm 44/49 chức danh.
Đoàn ĐBQH tỉnh tiếp xúc với cử tri TP Hà Tĩnh trước Kỳ họp thứ 6, Quốc hội Khóa XV.
Trong đó, 44 chức danh lấy tín nhiệm gồm: Phó Chủ tịch nước; Chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội, Ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng dân tộc, Chủ nhiệm Ủy ban của Quốc hội; Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ; Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng Kiểm toán nhà nước
Có 5 trường hợp sẽ không lấy phiếu tín nhiệm lần này do mới được Quốc hội bầu, phê chuẩn trong năm 2023, gồm: Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh và Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh.
Kỳ họp có khối lượng công việc lớn, xem xét, quyết định nhiều nội dung quan trọng
Kỳ họp thứ 6 đánh dấu mốc giữa nhiệm kỳ, có ý nghĩa quan trọng trong việc đánh giá việc thực hiện các kế hoạch 5 năm cũng như hằng năm. Kỳ họp có khối lượng công việc lớn, xem xét, quyết định những nội dung quan trọng về xây dựng pháp luật, giám sát cũng như quyết định nhiều vấn đề quan trọng của đất nước. Trong Kỳ họp này, Quốc hội tiến hành công việc quan trọng là lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn.
Đặc biệt, nội dung chất vấn và trả lời chất vấn trong Kỳ họp này có điểm khác biệt, khi Quốc hội sẽ tập trung xem xét việc thực hiện các cam kết của các bộ trưởng, trưởng ngành, cũng như việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề của nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV và từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV đến nay. Do vậy, nội dung chất vấn rất rộng, bao quát nhiều vấn đề, khía cạnh của đời sống kinh tế, xã hội.
Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Trần Đình Gia và Giám đốc Bảo hiểm xã hội tỉnh Nguyễn Văn Đồng chủ trì hội nghị lấy ý kiến góp ý xây dựng Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi).
Để tham gia kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV đạt kết quả tốt, Đoàn đại biểu Quốc hội Hà Tĩnh và các vị đại biểu Quốc hội đã tiếp xúc cử tri tại các địa phương, tổ chức lấy ý kiến góp ý bằng văn bản, phối hợp tổ chức các hội nghị xây dựng pháp luật, chú trọng nghiên cứu kỹ tài liệu, tham vấn chuyên gia, nắm bắt tình hình thực tế để nâng cao chất lượng nội dung phát biểu, tập trung phân tích, đánh giá, kiến nghị các giải pháp thiết thực vì quyền lợi của Nhân dân, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả kỳ họp.
Quang Đức