Việc ứng dụng chuyển đổi số vào sản xuất và tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị là xu thế tất yếu của khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã Hà Tĩnh trong giai đoạn hiện nay.
Chiều 17/10, Liên minh Hợp tác xã (HTX) Hà Tĩnh tổ chức diễn đàn với nội dung: “Kinh tế tập thể (KTTT), HTX với sản xuất, tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị và chuyển đổi số để phát triển nhanh và bền vững trong thời đại 4.0”. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Lê Ngọc Châu cùng lãnh đạo liên minh HTX một số tỉnh miền Bắc và miền Trung tham dự. Đây là một trong chuỗi hoạt động kỷ niệm 30 năm thành lập Liên minh HTX Việt Nam (29/10/1993 – 29/10/2023) và 30 năm thành lập Liên minh HTX tỉnh Hà Tĩnh (19/10/1993 – 19/10/2023). |
Toàn cảnh diễn đàn.
Hà Tĩnh hiện có 1.040 HTX, 2.851 tổ hợp tác (THT) và 3 liên hiệp HTX với hơn 91.000 thành viên, góp phần quan trọng trong việc hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Nhiều đơn vị áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất theo chuỗi giá trị, gắn sản xuất với mở rộng thị trường, xây dựng thương hiệu, nâng cao chất lượng sản phẩm. Hiện có 115 sản phẩm của HTX, THT đạt OCOP 3 – 4 sao, chiếm 42% số lượng sản phẩm OCOP toàn tỉnh.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Lê Ngọc Châu tham dự diễn đàn.
Thực hiện Nghị quyết số 05-NQ/TU của Tỉnh ủy về tập trung lãnh đạo, chỉ đạo chuyển đổi số tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn 2021 – 2025, định hướng đến năm 2030, Liên minh HTX Hà Tĩnh đã tuyên truyền đến các thành viên, các tổ chức hội đoàn thể ứng dụng công nghệ số vào sản xuất và hướng dẫn một số HTX xúc tiến thương mại và bán hàng trên các nền tảng số. Ngoài ra, hỗ trợ hình thành một số mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; hỗ trợ một số HTX đầu tư trang bị công nghệ số vào sản xuất, phối hợp đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử…
Tại diễn đàn, các đại biểu đã chia sẻ những kết quả, kinh nghiệm bước đầu của các HTX trong chuyển đổi số, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động.
Đồng thời, các đại biểu cũng thẳng thắn chỉ ra những tồn tại trong quá trình này như: số lượng HTX của Hà Tĩnh tham gia chuyển đổi số còn ít, quy mô nhỏ; việc liên kết sản xuất còn lỏng lẻo, liên kết theo chuỗi giá trị chỉ mới thực hiện được một số khâu nên việc tạo ra chuỗi từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm còn ít; nguồn lực đầu tư cho KTTT trong chuyển đổi số chưa nhiều; chất lượng nguồn nhân lực phục vụ chuyển đổi số còn hạn chế…
Ông Nguyễn Ngọc Hùng – Chủ tịch Liên minh HTX Hà Tĩnh phát biểu tại diễn đàn.
Diễn đàn đã gợi mở các giải pháp để đưa chuyển đổi số khu vực KTTT vào chiều sâu, như: đẩy mạnh tuyên truyền, giúp HTX nắm vững chủ trương, chính sách về chuyển đổi số; tăng cường huy động các nguồn lực hỗ trợ khu vực KTTT phát triển chuyển đổi số; kết nối cho HTX tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu thông qua chuyển đổi số.
Ông Nguyễn Văn Cường – Giám đốc HTX Mật ong Cường Nga (Hương Sơn): Ngoài chú trọng xây dựng thương hiệu sản phẩm, đơn vị chủ động ứng dụng chuyển đổi số để quảng bá, tiêu thụ, mang lại hiệu quả cao.
Cùng đó, thường xuyên hỗ trợ HTX trong xúc tiến thương mại, chuyển đổi số trên các nền tảng website, facebook, zalo, sàn thương mại điện tử; cập nhật dữ liệu xây dựng một nền tảng số dùng chung cho tất cả HTX nhằm tạo hệ thống quản trị hiện đại…
Thu Phương