Với sự nỗ lực của các cấp, ngành, địa phương, khó khăn trong nguồn vật liệu thi công dự án trọng điểm quốc gia đoạn qua Hà Tĩnh đã cơ bản được tháo gỡ.
Cao tốc Bắc – Nam đoạn Bãi Vọt – Hàm Nghi qua xã Thanh Bình Thịnh, huyện Đức Thọ
Bãi Vọt – Hàm Nghi là 1 trong 3 dự án thành phần cao tốc Bắc – Nam giai đoạn 2021 – 2025 đoạn qua địa bàn Hà Tĩnh. Đoạn cao tốc này có chiều dài 35,28km, đi qua 4 địa phương: Đức Thọ, Can Lộc, Thạch Hà và TP Hà Tĩnh.
Dự án do Ban QLDA Thăng Long (Bộ GTVT) làm chủ đầu tư, có 1 gói thầu xây lắp do liên danh Tổng Công ty cổ phần xây dựng và xuất nhập khẩu Việt Nam (Vinaconex) và Tổng Công ty 319 (Bộ Quốc phòng) đảm nhận thi công.
Ngoài nguồn vật liệu xây dựng (VLXD) từ các mỏ thương mại trên địa bàn, trên cơ sở đề xuất của chủ đầu tư và nhà thầu, UBND tỉnh đã chấp thuận xác nhận 5 mỏ khoáng sản để phục vụ thi công cao tốc Bắc – Nam.
Thi công cầu vượt trên tuyến cao tốc Bắc – Nam qua Hà Tĩnh.
Trong 5 mỏ khoáng sản có 4 mỏ đất san lấp gồm: mỏ đất Thượng Lộc (diện tích 10,7ha, trữ lượng 1.650.000 m3) ở xã Thượng Lộc, huyện Can Lộc; mỏ đất Lưu Vĩnh Sơn 2 (diện tích 18ha, trữ lượng 1.447.376 m3), mỏ đất Lưu Vĩnh Sơn 3 (diện tích 7,1ha, trữ lượng 749.250 m3) ở xã Lưu Vĩnh Sơn, huyện Thạch Hà; mỏ đất Đức Lạng 2 (diện tích 8,7ha, trữ lượng 870.000 m3) ở xã Đức Lạng, huyện Đức Thọ và 1 mỏ cát (diện tích 16,9 ha, trữ lượng 925.491 m3) ở xã Quang Vĩnh, huyện Đức Thọ.
Dù Hà Tĩnh đã chủ động trong đảm bảo nguồn VLXD thi công cao tốc Bắc – Nam như khoanh vùng, cung cấp danh sách các khu vực mỏ khoáng sản (đất, đá, cát) nhưng do một số khó khăn, vướng mắc phát sinh nên thời gian qua, nguồn VLXD, nhất là đất đắp, cát xây dựng vẫn chưa được “khơi thông”, dẫn tới tiến độ gói thầu xây lắp đoạn Bãi Vọt – Hàm Nghi thời gian qua ít nhiều chưa được như kỳ vọng.
Thời gian qua, nguồn VLXD thi công cao tốc Bắc – Nam qua Hà Tĩnh vẫn có một số khó khăn.
“Thời gian qua, các mũi thi công của đơn vị đang tập trung xử lý nền đất yếu, hạng mục cầu, cống, hầm chui, hệ thống thoát nước trên tuyến cao tốc trước khi Hà Tĩnh bước vào mùa mưa lũ. Dù vậy, việc thi công bị ảnh hưởng do nguồn đất đắp, cát xây dựng chưa thể đáp ứng đủ nhu cầu trên công trường”, ông Trần Đình Ngân – Chỉ huy trưởng công trường Công ty 319 – Bộ Quốc phòng thông tin.
Ngoài đoạn Bãi Vọt – Hàm Nghi, khó khăn về nguồn VLXD còn diễn ra tại 2 gói thầu xây lắp đoạn Hàm Nghi – Vũng Áng (dài 54,2km).
“Phải khẳng định là Hà Tĩnh rất quan tâm và phối hợp chặt chẽ với chủ đầu tư, đơn vị thi công trong tháo gỡ vướng mắc về nguồn VLXD nhưng vì một số lý do khách quan nên việc khai thác các mỏ khoáng sản còn khó khăn”, ông Nguyễn Khắc Trung – Giám đốc điều hành dự án Hàm Nghi – Vũng Áng (Ban QLDA Thăng Long – Bộ GTVT) đánh giá.
Nhà thầu xử lý nền đất yếu trên tuyến cao tốc Bắc – Nam.
Theo tìm hiểu, trong 3 dự án thành phần cao tốc giai đoạn 2021 – 2025 qua Hà Tĩnh, khó khăn nguồn VLXD diễn ra ở 2 đoạn Bãi Vọt – Hàm Nghi và Hàm Nghi – Vũng Áng, còn đoạn Vũng Áng – Bùng thi công khá thuận lợi.
Được biết, không chỉ ở Hà Tĩnh, khó khăn về nguồn VLXD còn diễn ra ở tất cả các gói thầu dự án thành phần cao tốc Bắc – Nam tại các tỉnh, thành trên cả nước.
Trước thực tế này, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Bộ GTVT trong việc tháo gỡ khó khăn liên quan tới nguồn VLXD, Hà Tĩnh đã chỉ đạo các sở, ngành và địa phương, tích cực phối hợp với các bộ, ngành Trung ương, chủ đầu tư, đơn vị thi công tháo gỡ “nút thắt” về đất đắp, cát xây dựng, đảm bảo tiến độ dự án trọng điểm quốc gia.
Mỏ đất san lấp ở xã Lưu Vĩnh Sơn (Thạch Hà) đã bắt đầu được khai thác phục vụ thi công dự án cao tốc.
Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo triển khai thực hiện dự án đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2021 – 2025 đoạn qua địa bàn tỉnh đã tổ chức các cuộc họp, kiểm tra hiện trường thực tế nhằm kịp thời nắm bắt các khó khăn, vướng mắc cụ thể của từng khu vực mỏ, đồng thời triển khai các biện pháp tháo gỡ.
Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, “nút thắt” về nguồn VLXD phục vụ thi công dự án cao tốc Bắc – Nam đoạn qua Hà Tĩnh đã từng bước được tháo gỡ.
Nguồn VLXD là một trong những yếu tố quan trọng đảm bảo tiến độ thi công cao tốc Bắc – Nam.
Cụ thể, sau khi UBND tỉnh có bản xác nhận 11 khu vực mỏ khoáng sản, tại Kỳ họp thứ 14, HĐND tỉnh khóa XVIII diễn ra giữa tháng 7/2023, các đại biểu đã biểu quyết thông qua chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sang khai thác khoáng sản đất làm vật liệu san lấp đối với 6 khu vực mỏ đất san lấp, phục vụ dự án cao tốc Bắc – Nam.
Trong quá trình nhà thầu triển khai các thủ tục khai thác, sở, ngành, chính quyền địa phương ở Hà Tĩnh tiếp tục trao đổi, phối hợp, hỗ trợ, nhất là công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, trồng rừng thay thế, xây dựng tuyến giao thông vận chuyển…
Chủ tịch UBND tỉnh Võ Trọng Hải yêu cầu các sở ngành, địa phương phối hợp với chủ đầu tư, nhà thầu, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, đảm bảo nguồn cung VLXD thi công cao tốc.
Ngày 9/9 vừa qua, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Trọng Hải dẫn đầu đoàn công tác đã có buổi kiểm tra tiến độ và xử lý các vướng mắc về công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và khai thác, cung ứng VLXD phục vụ dự án đường bộ cao tốc Bắc – Nam.
Tại cuộc kiểm tra, các vướng mắc về GPMB, VLXD đã cơ bản được tháo gỡ. Tính tới ngày 13/9, các nhà thầu đã hoàn thành thủ tục, trình tự và bắt đầu tiến hành khai thác một số mỏ khoáng sản làm VLXD thi công dự án.
“Với 5 mỏ khoáng sản mà nhà thầu đề xuất, tới nay đều đã bắt đầu khai thác. Điều này rất quan trọng bởi đơn vị thi công đang muốn tranh thủ thời tiết thuận lợi, hoàn thành các hạng mục trước khi bước vào mùa mưa”, ông Nguyễn Đăng Cường – cán bộ điều hành dự án Bãi Vọt – Hàm Nghi (Ban QLDA Thăng Long) chia sẻ.
Các khó khăn về nguồn vật liệu thi công cao tốc Bắc – Nam đoạn qua Hà Tĩnh cơ bản được tháo gỡ.
Để có thể xử lý triệt để các khó khăn về nguồn VLXD, UBND tỉnh đã có quyết định số 1991/QĐ-UBND về việc thành lập tổ công tác tư vấn hỗ trợ thương thảo, thỏa thuận giá chuyển nhượng quyền sử dụng đất, thuê quyền sử dụng đất, tài sản trên đất tại các khu vực mỏ đã được tỉnh xác nhận khai thác khoáng sản làm VLXD thông thường phục vụ dự án đường bộ cao tốc Bắc – Nam, do Phó Giám đốc Sở TN&MT Nguyễn Ngọc Hoạch làm tổ trưởng.
Tổ không làm thay nhiệm vụ của Ban QLDA, chủ đầu tư mà chỉ tư vấn, khâu nối, hỗ trợ, hướng dẫn chủ đầu tư xử lý các khó khăn, vướng mắc trong quá trình thương thảo, thỏa thuận giá chuyển nhượng quyền sử dụng đất, thuê quyền sử dụng đất, tài sản trên đất, kịp thời, đúng quy định; phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương từ huyện đến cơ sở và ban quản lý dự án tuyên truyền, vận động chủ sử dụng đất và tài sản trên đất phối hợp thực hiện.
Văn Đức