Chi phí sản xuất “leo thang”, giá thành sản phẩm chưa có dấu hiện phục hồi, hàng tồn kho lớn… hơn 9 tháng năm 2023, Vinatex Hồng Lĩnh (Hà Tĩnh) phải chịu thua lỗ 30 tỷ đồng.
Công ty CP Vinatex Hồng Lĩnh (Cụm công nghiệp Nam Hồng, TX Hồng Lĩnh) là đơn vị chuyên sản xuất và xuất khẩu sợi. Gần 10 tháng qua, hơn 300 lao động đang tập trung sản xuất 600 tấn sợi để xuất đi thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc và phục vụ nhu cầu tiêu thụ trong nước.
Duy trì dây chuyền sản xuất trong bối cảnh các chi phí tăng cao là bất lợi lớn đối với doanh nghiệp thời điểm hiện tại.
Năm 2023, Vinatex Hồng Lĩnh đối mặt nhiều khó khăn.
Ông Phạm Anh Tuấn – Kế toán trưởng Công ty CP Vinatex Hồng Lĩnh cho biết: “Chưa bao giờ doanh nghiệp khó khăn như hiện nay. Thị trường của công ty chủ yếu xuất khẩu và nguồn nguyên liệu nhập khẩu nên căng thẳng giữa Nga và Ukraine cùng với ảnh hưởng suy thoái kinh tế toàn cầu đã tác động tiêu cực tới tình hình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Cụ thể, giá bông nhập khẩu từ Mỹ, Úc, Brazil… tăng 8% từ tháng 6/2022 lại nay trong khi giá sợi giảm hơn 1 năm qua (giảm 1 USD/1 kg sợi) và đến nay chưa có chiều hướng phục hồi. Cùng với đó, chi phí vận chuyển tăng trên 20%, giá điện tăng 3% và lãi suất cho vay đồng USD tăng cao (hiện nay là 5,5%/năm trong khi cùng kỳ năm 2022 là 3,2%/năm) nên doanh nghiệp phải “đội” thêm nhiều chi phí phát sinh”.
Được biết, 9 tháng năm 2023, Công ty CP Vinatex Hồng Lĩnh sản xuất và tiêu thụ 4.800 tấn sợi, doanh thu đạt 350 tỷ đồng, lỗ 30 tỷ đồng. Đây là giai đoạn thua lỗ kỷ lục từ trước đến nay của Vinatex Hồng Lĩnh. Không những thế, đơn hàng sụt giảm nên hiện nay doanh nghiệp còn tồn kho lượng hàng lớn khoảng 600 tấn sợi.
Mặc dù hoạt động trong bối cảnh nhiều thách thức bủa vây, song thời gian qua, Công ty CP Vinatex Hồng Lĩnh vẫn nỗ lực tìm kiếm thị trường trong và ngoài nước, cố gắng duy trì ổn định chuỗi sản xuất để tạo việc làm thường xuyên cho hơn 300 lao động. Với thị trường xuất khẩu, ngoài đối tác chủ lực là Nhật Bản, công ty đã cố gắng tìm kiếm, đàm phán và ký kết hợp đồng tiêu thụ với các doanh nghiệp mới tại Ai Cập, Bangladesh, Thái Lan, Hàn Quốc…
Đối với thị trường trong nước, Vinatex Hồng Lĩnh nỗ lực tham gia vào chuỗi sản xuất của Công ty Vinatex Quốc tế Toms ở Quảng Trị, Đà Nẵng, Hà Đông (Hà Nội)… Mặc dù là đối tác mới, song với uy tín và chất lượng sản phẩm, Vintex Hồng Lĩnh đã nỗ lực giành nhiều đơn hàng và trở thành đối tác ổn định của các đơn vị này.
9 tháng năm 2023, Công ty CP Vinatex Hồng Lĩnh sản xuất và tiêu thụ 4.800 tấn sợi.
Theo chị Nguyễn Thị Thu (công nhân Công ty CP Vinatex Hồng Lĩnh), trong khi nhiều doanh nghiệp sản xuất sợi trên cả nước, nhất là các tỉnh phía Nam phải tạm đóng cửa, ngừng sản xuất do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 và suy thoái kinh tế toàn cầu thì Vinatex Hồng Lĩnh vẫn nỗ lực đảm bảo việc làm và chi trả kịp thời chế độ bảo hiểm, giúp người lao động ổn định cuộc sống.
Ông Phạm Anh Tuấn – Kế toán trưởng Công ty CP Vinatex Hồng Lĩnh cho biết thêm: “Năm 2023, đơn vị đặt mục tiêu doanh thu xấp xỉ 500 tỷ đồng, lợi nhuận 10 tỷ đồng. Bởi vậy, trong điều kiện nhiều khó khăn song doanh nghiệp vẫn nỗ lực để không làm đứt gãy chuỗi chuỗi sản xuất, kinh doanh. Theo đó, bình quân mỗi tháng, doanh nghiệp cố gắng sản xuất và tiêu thụ 600 tấn sợi.
Ðể hoàn thành mục tiêu đề ra, đơn vị tiếp tục duy trì ổn định chuỗi sản xuất; đẩy mạnh tìm kiếm khách hàng mới, nhà cung ứng mới, duy trì và phát triển các khách hàng cũ; tiếp tục đầu tư nâng cấp thiết bị, công nghệ nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm; tự động hóa trong dây chuyền sản xuất, nâng cao hiệu quả kinh doanh, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng”.
Ông Phạm Anh Tuấn mong muốn, trong điều kiện phát sinh nhiều chi phí, Vinatex Hồng Lĩnh đề nghị các tổ chức tín dụng trên địa bàn tiếp tục các giải pháp hỗ trợ, đồng hành cùng doanh nghiệp như: nâng hạn mức tín dụng, cơ cấu lại nợ và gia hạn thời gian trả nợ… Từ đó, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phục hồi, phát triển, đảm bảo việc làm cho người lao động cũng như các chế độ an sinh xã hội trên địa bàn.
Thảo Hiền