Ngành chuyên môn cùng bà con nông dân Hương Khê (Hà Tĩnh) đang triển khai các biện pháp để phục hồi vườn cam, bưởi bị ngập lụt.
Nhiều vườn bưởi Phúc Trạch nhuốm màu vàng xám của bùn đất, bắt đầu khô héo.
Chỉ sau trận lũ lụt một vài ngày, hậu quả đã hiện rõ trên nhiều vườn bưởi đặc sản của người dân xã Hương Trạch (Hương Khê). Nhiều cây đã không còn màu xanh mà nay nhuốm màu vàng xám của bùn đất, bắt đầu khô héo. Theo báo cáo của UBND huyện Hương Khê, trận lũ cuối tháng 10, đầu tháng 11 vừa qua khiến 536 ha cây ăn quả bị ngập. Trong đó, 500 ha Bưởi Phúc Trạch và 36 ha cam các loại, tập trung ở các xã Hương Trạch (90ha), Lộc Yên (85ha), Hương Xuân (35ha), Phú Gia (15ha), Hương Thủy (115ha), Gia Phố (30ha), Hương Giang (17ha).
Ông Phạm Dương Lành (thôn Tân Thành, xã Hương Trạch) thất thần nói: “Gia đình tôi có 250 cây bưởi Phúc Trạch thì có hơn 200 cây bị ngập lụt, có cây bị ngập hơn 2m. Khi lũ rút, chúng tôi tập trung dọn dẹp vệ sinh trong nhà, không kịp xử lý cho vườn bưởi, hậu quả là hàng trăm cây bị rụng lá, héo úa.”
Ông Phạm Dương Lành (thôn Tân Thành, xã Hương Trạch) cấp tốc phục hồi vườn bưởi.
Bây giờ chúng tôi đang cấp tốc đi học cách chăm sóc, giải độc cho cây. Cán bộ chuyên môn của huyện, của xã cũng đã về tận vườn để hỗ trợ xử lý. Tuy nhiên, theo nhận định chỉ hi vọng cứu được khoảng 50% diện tích.
Cán bộ chuyên môn triển khai tuyên truyền, hướng dẫn các biện pháp khắc phục vườn bưởi sau lũ.
Hiện nay, Trung tâm Ứng dụng khoa học kỹ thuật và bảo vệ cây trồng, vật nuôi huyện đang gấp rút tập trung tuyên truyền, hướng dẫn các hộ dân trồng bưởi Phúc Trạch nắm được các biện pháp kỹ thuật xử lý, nhằm hạn chế các loại nấm bệnh gây hại và chăm sóc vườn bưởi đúng quy trình kỹ thuật sau mưa lũ.
Kỹ sư Nguyễn Thị Bích Hồng hướng dẫn bà con nông dân các biện pháp khắc phục
Kỹ sư Nguyễn Thị Bích Hồng – cán bộ trung tâm cho biết, khi vườn cây ăn quả bị ngập úng đất sẽ bị thiếu oxy; trong đất chứa nhiều độc tố và các loại nấm bệnh phát sinh mạnh gây hại cho bộ rễ.
Khi bộ rễ bị tổn thương tạo điều kiện cho các loại nấm xâm nhập và gây ra bệnh thối rễ vàng lá, chảy nhựa. Tuy nhiên, về cách xử lý và các loại thuốc bảo vệ thực vật cần sử dụng cho cây ăn quả ở mỗi thời điểm lại khác nhau, đòi hỏi người dân phải nắm chính xác kỹ thuật để thực hiện hiệu quả.
Nguyên nhân hiện tượng rụng lá, héo lá ở nhiều vườn bưởi hiện nay là do ngập phù sa.
Riêng về hiện tượng rụng lá, héo lá ở nhiều vườn bưởi hiện nay, nguyên nhân là do các vườn bưởi bị ngập, phù sa bám vào khiến lá không thể quang hợp, hô hấp. Với những cây bưởi nhỏ tuổi, bị ngập hoàn toàn thì tỷ lệ chết khá cao. Do đó, khi nước rút, người dân cần nhanh chóng tưới nước, rửa trôi phù sa trên lá cũng như tiến hành các biện pháp tăng oxy cho bộ rễ.
Ông Trần Hoài Sơn – Giám đốc Trung tâm Ứng dụng khoa học kỹ thuật và bảo vệ cây trồng, vật nuôi huyện cho biết: “Chúng tôi đang phấn đấu mở 12 lớp tập huấn trên địa bàn 13 xã, thị trấn trong toàn huyện, hướng dẫn các biện pháp kỹ thuật xử lý hạn chế các loại nấm bệnh gây hại và chăm sóc vườn cây ăn quả sau mưa lũ. Trong đó tập trung cao cho cây bưởi Phúc Trạch. Hình thức tập huấn là cầm tay chỉ việc, thực hành ngay tại các vườn hộ với mục tiêu hạn chế thấp nhất thiệt hại mưa lũ gây ra đối với các loại cây ăn quả. Qua các lớp tập huấn đầu tiên, người dân các địa phương đang gấp rút thực hiện các biện pháp để kịp thời “cấp cứu” cây trồng.
Vườn bưởi của gia đình chị Trần Thị Hường (thôn Tân Dừa, xã Hương Trạch) bị ngập sâu hơn 1,7m
Chị Trần Thị Hường (thôn Tân Dừa, xã Hương Trạch) chia sẻ: “Vườn bưởi của gia đình bị ngập sâu hơn 1,7m. Khi nước rút, gia đình đã kịp dọn vệ sinh, khơi thông mương, rãnh nên toàn bộ diện tích 2,5 sào bưởi. Tuy nhiên, theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn, chúng tôi đang gấp rút đào rãnh xung quanh tán cây, phơi rễ và kết hợp bón phân chuồng, vôi bột để tạo độ tơi xốp và tăng độ pH cho đất. Đồng thời sử dụng các loại thuốc để phòng trừ nấm, bệnh.”
Gia đình chị Hường đào rãnh xung quanh tán cây, phơi rễ và kết hợp bón phân.
Biện pháp kỹ thuật xử lý vườn bưởi sau mưa lũ: – Khi vườn cây nước bắt đầu rút: + Sử dụng các vật dụng (thau, chậu) khoát nước rửa bùn và tạo sóng trong vườn cây để tăng cường o xy cho cây. – Sau khi vườn cây nước đã rút hết: + Khơi thông các rãnh thoát nước để rút nước chống úng cục bộ. + Vệ sinh sạch sẽ cành, thân, lá bằng nước sạch, rửa hết lớp bùn bị bám dính lên thân lá nhằm tăng cường khả năng quang hợp cho cây. (Lưu ý: Giai đoạn này đất còn bị nhão, ướt nên hạn chế đi lại nhiều trên vườn, đi lại giữa các hàng cây). – Khi đất bắt đầu se khô: + Tiến hành cắt bớt cành lá, các lộc non để giảm sự thoát hơi nước giảm sự hoạt động của bộ rễ trong khi rễ bị tốn thương. + Xới xáo, phá váng bề mặt đất để tạo sự thông thoáng, tăng khả năng hô hấp trao đổi chất. + Sử dụng vôi bột rải đều trên bề mặt đất của vườn cây hạn chế nấm bệnh. + Sử dụng các loại thuốc phun trực tiếp lên lá, thân, cành để vệ sinh vườn và phòng chống nấm bệnh gây hại đặc biệt bệnh chảy gôm: Như Ridomil Gold 68WG, Aliete Aliette 800WG (pha 100g thuốc trong 40 lít nước hoặc các loại thuốc gốc đồng và phun lại sau 10 ngày). Đối với nấm bệnh gây hại bộ rễ: Sử dụng các loại thuốc Ridomil Gold 68WG hoặc Aliete 800WG để tưới trên toàn vườn cây với liều lượng 100 gam thuốc pha trong 40 – 50 lít nước, dùng doa tưới đều trên bề mặt đất từ gốc ra đến tán cây và tưới lại 2 – 3 lần liên tục, mỗi lần cách nhau 20 – 30 ngày kết hợp với kích thích ra rễ; định kỳ sử dụng nấm Trichomdacma tưới cho vườn cây 45 – 60 ngày một lần hoặc tưới 3 lần liên tục trước, trong và sau mùa mưa. Sử dụng các sản phẩm giàu canxi và kali phun trực tiếp lên thân lá để hạn chế ra lộc đông và các lộc non nhanh già; tăng cường bón phân hữu cơ và lân cho cây để tạo độ tới xốp và kích thích bộ rễ phát triển, hạn chế sử dụng đạm hoặc các sản phẩm giàu đạm trong giai đoạn này. |
Dương Chiến – Ngọc Hà