Hơn 90 mùa thu đã đi qua nhưng những thanh âm của phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh (1930-1931) vẫn còn vang dội trong những trang sử, dòng hồi ký của những người từng là “linh hồn” các cuộc đấu tranh long trời lở đất ấy. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhiều “hạt giống đỏ” đã nảy mầm và phát triển ở Hương Sơn, Đức Thọ, giúp phong trào đấu tranh ở các địa phương bên dòng sông La, sông Phố hiền hòa ngày càng lớn mạnh.
Hơn 90 mùa thu đã đi qua nhưng những thanh âm của phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh (1930-1931) vẫn còn vang dội trong những trang sử, dòng hồi ký của những người từng là “linh hồn” các cuộc đấu tranh long trời lở đất ấy. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhiều “hạt giống đỏ” đã nảy mầm và phát triển ở Hương Sơn, Đức Thọ, giúp phong trào đấu tranh ở các địa phương bên dòng sông La, sông Phố hiền hòa ngày càng lớn mạnh.
“Hôm đó, ở làng Tứ Mỹ đánh một hồi mõ làm hiệu, tức khắc các xã lân cận rồi hầu khắp toàn huyện đâu đâu cũng đánh trống, đánh mõ suốt đêm. Sáng sớm tinh sương, các đồng chí, hội viên nông hội đỏ và đông đảo quần chúng kéo về địa điểm tập trung để mít tinh làm lễ”. Chúng tôi đã bắt gặp tiếng mõ làng Tứ Mỹ (xã Sơn Châu, Hương Sơn) theo cách đặc biệt qua những trang hồi ký cách mạng của đồng chí Trần Chí Tín (1898-1987) – Bí thư Huyện ủy lâm thời Hương Sơn (năm 1930), Bí thư Huyện ủy Hương Sơn (năm 1945) ở Bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh. Và trong những ngày mùa thu cách mạng này, theo những trang hồi ký, chúng tôi về với quê hương cách mạng Sơn Châu để tìm hiểu thêm về những con người đã làm nên âm vang của tiếng mõ ấy trong phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh.
Trong hừng hực khí thế của phong trào xây dựng NTM, Sơn Châu hôm nay vẫn như còn vang vọng dư âm của tiếng mõ những năm 1930-1931. Nối tiếp truyền thống cách mạng của cha ông, mỗi người dân đang nỗ lực hết mình để góp phần xây dựng cuộc sống trong giai đoạn cách mạng mới. Và trong mỗi câu chuyện kể của họ, những bậc anh hùng cách mạng tiền bối đã làm nên tên tuổi của mảnh đất Sơn Châu nói riêng, huyện Hương Sơn nói chung đã được nhắc đến với tất cả niềm vinh dự, tự hào và biết ơn sâu sắc. Ông Đinh Văn Thụy (SN 1938), năm nay tròn 60 năm tuổi Đảng, ở thôn Đình chia sẻ: “Làng chúng tôi từng là cái nôi của cách mạng, nơi tôi luyện bản lĩnh của những người con ưu tú – hạt nhân của phong trào đấu tranh. Tiếng mõ của đình làng đã hiệu triệu, thôi thúc người dân chúng tôi vùng lên giành chính quyền. Và trong chặng đường phát triển mới, tiếng mõ cách mạng đã trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống tinh thần, cổ vũ và tiếp sức cho Đảng bộ và Nhân dân Sơn Châu tiếp tục đoàn kết, phấn đấu giành được những thành tựu mới”.
.
Nhân dân xã Sơn Châu (Hương Sơn) tập trung xây dựng nông thôn mới nâng cao.
Trong câu chuyện của mình, người cán bộ cách mạng ưu tú của làng, được ông Thụy nhắc đến với một lòng tôn kính và khâm phục, đó là cụ Trần Chí Tín – Bí thư Huyện ủy đầu tiên của huyện Hương Sơn và là tác giả của những trang hồi ký đầy xúc động được lưu giữ tại Bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh. Những dòng chữ mộc mạc được viết cẩn thận trên những trang giấy nâu đã tái hiện một cách sinh động và chân thật về quãng đời cách mạng của người thanh niên yêu nước, cũng như bối cảnh của cuộc sống và không khí đấu tranh của làng quê Sơn Châu những năm 1930-1931.
Hồi ký cách mạng của đồng chí Trần Chí Tín.
Đồng chí Trần Chí Tín sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo tại làng Tứ Mỹ (nay là thôn Đình, xã Sơn Châu). Trong thời gian làm giáo viên tại quê nhà những năm đầu 1920, thầy giáo Tín đã đọc được các tài liệu của cụ Phan Bội Châu và 10 điều của cụ Phan Châu Trinh gửi Vua Khải Định; được ủy nhiệm đi quyên tiền trong lớp giáo viên để giúp cụ Phan Bội Châu xây dựng lại Báo “Tiếng dân” do cụ Huỳnh Thúc Kháng làm chủ bút… Những hoạt động đó đã hun đúc trong người thầy giáo trẻ tinh thần yêu nước và nhiệt huyết cách mạng. Tháng 6/1927, thầy giáo Trần Chí Tín gia nhập Đảng Tân Việt ở Hương Sơn; tháng 3/1930, trở thành một trong nhóm 3 người tổ chức thành lập Chi bộ Đảng Cộng sản Trường Tiểu học Sơn Châu – là chi bộ Đảng đầu tiên của huyện Hương Sơn.
Khi phong trào Xô viết bị đàn áp, các cuộc đấu tranh ở Hương Sơn tạm thời lắng xuống. Tháng 10/1930, thầy giáo Trần Chí Tín tìm cách liên lạc với một số đồng chí như Đinh Nho Khoách ở làng Gôi Mỹ (xã Sơn Hà, nay là xã Tân Mỹ Hà); Lê Kinh Phố ở làng Xuân Trì (xã Sơn An, nay là xã An Hòa Thịnh); Tống Trần Diệu ở Bình Hòa (xã Sơn Hòa, nay là xã An Hòa Thịnh)… thành lập Ban Huyện ủy lâm thời, gây dựng lại cơ sở và phong trào cách mạng, đi vào hoạt động bí mật. Tháng 9/1933, đồng chí Trần Chí Tín bị giặc bắt giam ở đồn Phố Châu. “… Mặc dầu bị tra tấn cực hình, tôi không có một lời gì khai báo với địch, quyết tâm bảo vệ Đảng” (trích Hồi ký đồng chí Trần Chí Tín). Tháng 9/1939, đồng chí Trần Chí Tín được thả tự do, trở về quê nhà. Cuối năm 1939, thầy giáo Trần Chí Tín bắt liên lạc được với Đảng và hăng hái gây dựng lại phong trào đấu tranh, cùng các tổ chức lãnh đạo Nhân dân vùng dậy tổng khởi nghĩa giành chính quyền ở Hương Sơn vào ngày 19/8/1945. Tháng 9/1945, đồng chí Trần Chí Tín được tổ chức bầu giữ chức vụ Bí thư Huyện ủy; sau đó chuyển sang quân đội và giữ chức chính ủy một trung đoàn cho đến lúc nghỉ hưu và mất năm 1987 tại quê nhà Sơn Châu.
Đình Tứ Mỹ trở thành địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống cách mạng cho các thế hệ (ảnh 1). Chiếc mõ ở đình làng Tứ Mỹ còn lưu giữ đến hôm nay (ảnh 2). Bàn thờ Bác Hồ tại đình Tứ Mỹ (ảnh 3).
.
Quãng đời hoạt động cách mạng sôi nổi với nhiều cống hiến và phẩm chất, tư cách sáng ngời của cụ Trần Chí Tín là tấm gương tiêu biểu, có sức lan tỏa và tác động mạnh mẽ đến tư tưởng, hành động của con cháu, gia đình cũng như người dân quê hương. Nhiều người thân cũng đã tiếp bước cụ đi làm cách mạng và đóng góp công sức, trí tuệ cho quê hương, đất nước. Trong đó, 3 người em của cụ đều là lão thành cách mạng; đặc biệt, cụ Trần Bình (em trai cụ Tín) giữ nhiều trọng trách như: Phó Bí thư, Chủ tịch UBND huyện Hương Sơn năm 1945; Ủy viên BTV Tỉnh ủy Hà Tĩnh, Hiệu trưởng đầu tiên của Trường Chính trị Trần Phú; Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, Đại biểu Quốc hội khóa I. Người con trai của cụ Tín là ông Trần Thế Lộc (SN 1925) cũng tham gia hoạt động cách mạng từ rất sớm. Năm 1944, ông Lộc đã làm liên lạc cho một số đảng viên mới ra tù trong huyện. Đầu năm 1945, ông được bầu làm lãnh đạo Việt Minh ở làng Tứ Mỹ. Ông được kết nạp vào Đảng đúng dịp kỷ niệm 15 năm ngày Xô viết Nghệ Tĩnh (12/9/1945). Đến nay, trong dòng họ cụ Trần Chí Tín có 31 người là tiến sỹ, 262 người có trình độ đại học và trên đại học; nhiều người đang nắm giữ các vị trí quan trọng trên nhiều lĩnh vực.
Một góc trung tâm xã Tùng Ảnh (Đức Thọ).
Cũng tại huyện Hương Sơn, chúng tôi tìm về hồi ức của một tấm gương cộng sản kiên trung trong phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh ở xã Kim Hoa (xã Sơn Mai cũ). “Thế là từ đây, tôi được kết nạp vào Đảng với sự tin tưởng hiểu biết về làm cách mạng đem lại lợi ích cho Nhân dân, trong đó có bản thân mình” (trích Hồi ký của đồng chí Kiều Liêu).
Đồng chí Kiều Liêu (1905-1988) quê ở làng Đông Thái, xã Tùng Ảnh (huyện Đức Thọ), tuổi còn nhỏ đã chịu cảnh mồ côi và phải đi ở cho nhà giàu, năm 1928, phiêu bạt lên Phố Châu (Hương Sơn) làm thuê. Chính mảnh đất giàu truyền thống cách mạng và phong trào đấu tranh mạnh mẽ của Nhân dân nơi đây đã gieo vào tâm hồn người thanh niên nhiều hoài bão hạt giống cách mạng. Tháng 3/1930, tại hội nghị thành lập Chi bộ Đan Thụy (được ghép từ tên 2 xã Đan Trai và Thụy Mai), người thanh niên yêu nước Kiều Liêu đã vinh dự được đứng vào hàng ngũ của Đảng. Đây là bước ngoặt lớn, mở đầu cho cuộc đời hoạt động sôi nổi của cụ. Điều này đã được cụ ghi lại khá tỉ mỉ trong hồi ký của mình. Để lan tỏa phong trào đấu tranh trên mỗi miền quê, cụ cùng với các đồng chí trong chi bộ đã thực hiện nhiệm vụ gây dựng phong trào tại vùng núi giáp ranh giữa 3 huyện Hương Khê, Đức Thọ và Hương Sơn. Từ tháng 4/1930, chi bộ tập trung tuyên truyền, rải truyền đơn và tổ chức các cuộc biểu tình nhỏ lẻ để chuẩn bị cho cuộc biểu tình có quy mô lớn tại Phố Châu vào ngày 1/8/1930.
Những danh hiệu cao quý mà Đảng và Nhà nước đã trao tặng để tri ân công lao của cụ Kiều Liêu.
Dù trải qua 2 lần tù đày (lần thứ nhất trong ngày biểu tình 1/8 tại Hương Sơn, bị bắt giam hơn 3 năm; lần thứ 2 bị giam từ 1939-1945), bị đánh đập, hành hạ, tra tấn dã man nhưng: “Tôi vẫn kiên tâm với lời dạy của Đảng và hơn nữa noi theo tấm gương các đồng chí mình đã bất khuất chịu đựng…” (trích Hồi ký đồng chí Kiều Liêu). Tháng 3/1945, cụ cùng với nhiều anh em tù chính trị phá nhà lao thành công, ra ngoài tiếp tục hoạt động. Ngày 2/9/1954, sau khi xã Kim Hoa được tách thành 3 xã: Sơn Phúc, Sơn Mai, Sơn Thủy, đồng chí Kiều Liêu được bầu giữ chức vụ Chủ tịch Ủy ban Hành chính xã Sơn Mai. Tuy nhiên, chỉ sau 3 tháng tham gia hoạt động, cụ đã phải nghỉ do sức khỏe giảm sút. Cụ mất vào năm 1988.
Bố con ông Kiều Minh Tân – con trai và cháu nội cụ Kiều Liêu tự hào khi lật dở những trang lịch sử viết về quãng đời hoạt động cách mạng của cha ông mình.
“Suốt cả cuộc đời từ lúc vào Đảng cho tới lúc già yếu, tôi đã cống hiến với tất cả khả năng, sức lực của mình vào sự nghiệp. Suốt cả chặng đường đấu tranh cách mạng gian khổ đã bền gan đi theo Đảng không bao giờ lung lay ý chí, đã rèn luyện được bản thân lập trường vững vàng, tư tưởng kiên định cho đến ngày thắng lợi hoàn toàn sự nghiệp thuộc về toàn Đảng, toàn dân”. Cùng chúng tôi lần giở những trang hồi ký với những kỷ niệm đẹp về người cha thân yêu, ông Kiều Minh Tân (SN 1950) – con trai cụ Kiều Liêu đã không giấu nổi những giọt nước mắt xúc động, tự hào: “Cha tôi đã sống và cống hiến trọn đời cho cách mạng…”.
Là mảnh đất quê hương của những người con đầy chí khí như: Đình nguyên Tiến sỹ Phan Đình Phùng, cố Tổng Bí thư Trần Phú…, phong trào cách mạng ở huyện Đức Thọ diễn ra rất sớm. Sau khi Đảng ra đời vào ngày 3/2/1930, dưới sự lãnh đạo của Đảng, đông đảo quần chúng nhân dân Đức Thọ đã nhanh chóng hưởng ứng phong trào Xô viết, trong đó, vào ngày 1/8/1930, cùng với Can Lộc, Nghi Xuân, Hương Khê, Kỳ Anh… tại các địa phương của Đức Thọ đã diễn ra nhiều cuộc biểu tình phản đối đế quốc và chính quyền tay sai. Ngày 10/9/1930, Nhân dân xã Thái Yên và xã Đức Thủy (nay sáp nhập thành xã Lâm Trung Thủy) tổ chức cuộc biểu tình quy mô lớn trước sự áp bức của thực dân, phong kiến. Tiếng trống biểu tình Thái Yên đã thổi bùng khí thế đấu tranh, lan tỏa khắp các địa phương trong và ngoài huyện, mở đầu cho cao trào Xô viết trên quê hương Đức Thọ.
Dù diễn ra muộn hơn một số địa phương khác nhưng điểm đặc biệt trong cao trào Xô viết ở Đức Thọ là sự mạnh mẽ, quyết liệt; nhiều làng Xô viết, tổ chức bộ máy chính quyền chặt chẽ được thành lập, thực hiện một cách triệt để các quyền lợi cho Nhân dân. Điều này được thuật lại trong các cuốn hồi ký của những chiến sỹ cộng sản đầu tiên trên mảnh đất này như các đồng chí: Đào Kha (1907-1995), nguyên Chủ tịch UBND xã Yên Vượng (nay là xã An Dũng); Nguyễn Em Cầm (1899-1985), nguyên Trung đội trưởng Đội Tự vệ đỏ năm 1930 ở xã Thái Yên; Đậu Khắc Hàm (SN 1909 – ?) đảng viên 1930 ở xã Đức Hòa (nay là xã Hòa Lạc).
Trong hồi ký để lại, các chiến sỹ Xô viết không chỉ khắc họa bức tranh toàn cảnh của phong trào đấu tranh “long trời, lở đất” của Nhân dân Đức Thọ mà còn cho thấy sự giác ngộ lý tưởng cách mạng, sự trung thành tuyệt đối với Đảng, tinh thần hy sinh cao cả của những người cộng sản thế hệ đầu tiên. Trong đó, những trang hồi ký “rực lửa” của đồng chí Đào Kha – nguyên Chủ tịch UBND xã Yên Vượng đã gây ấn tượng mạnh mẽ, bởi trước khi là người đảng viên trung kiên, ông xuất thân trong một gia đình địa chủ.
“Một hôm, cùng đánh cờ, ông Phạm Thừa, ông Hiểu, ông Nguyễn Tô nói chuyện về phong trào cách mạng đang lan tràn khắp nơi, ở Nghệ An và Hà Tĩnh cũng đã có. Tôi hỏi: Mục đích của cộng sản là làm gì? Các đồng chí ấy nói rõ cho tôi biết là đánh đổ đế quốc, chính quyền Nam triều, chống áp bức, bóc lột, đòi lại quyền lợi cho người nghèo, thực hiện bình đẳng cho Nhân dân. Tôi cảm thấy thích lắm, khi đồng chí Hiểu hỏi nếu cách mạng vào đây, anh có theo không? Tôi không ngần ngại trả lời: Tôi muốn theo” (Trích Hồi ký của đồng chí Đào Kha).
Căn nhà cũ nơi cụ Đào Kha sống cùng con cháu trong những năm tháng cuối đời.
Từ một “công tử” nhà địa chủ, sau khi giác ngộ cách mạng, đồng chí Đào Kha đã một lòng theo Đảng, hoạt động tích cực, hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ mà tổ chức giao phó như bí mật rải truyền đơn, vận động Nhân dân tham gia mít tinh biểu tình vào ngày 1/8/1930… Đến tháng 9/1930, đồng chí Đào Kha vinh dự được kết nạp vào Đảng. Từ đây, đồng chí cùng chi bộ lãnh đạo phong trào quần chúng xã Yên Vượng đấu tranh và giành được nhiều thắng lợi, lập nên chính quyền Xô viết. Thời điểm này, đồng chí được bầu làm Đoàn Nông hội kiêm Bí thư của xã Bộ Nông Yên Vượng.
Tháng 7/1931, thực dân Pháp ráo riết khủng bố, cụ Đào Kha và em trai Đào Bá (được cụ giác ngộ), cùng nhiều đồng chí bị bắt giam tại các nhà lao trong tỉnh, sau đó bị đày đi nhà tù ở Đà Lạt (Lâm Đồng). Trải qua đủ cực hình tra tấn rồi đến dụ hàng bằng những hứa hẹn cuộc sống giàu sang từ giặc, cụ Đào Kha vẫn giữ vững lập trường, một lòng kiên trung với lý tưởng.
Gia đình, người thân bên những danh hiệu cao quý mà Đảng và Nhà nước đã trao tặng cho đồng chí Đào Kha.
Ở trong tù, cụ Đào Kha tiếp tục cùng các đồng chí như: Hồ Tùng Mậu, Phan Đăng Lưu… đấu tranh không ngừng nghỉ. Năm 1940, cụ mãn hạn tù nhưng chưa kịp trở về thì địch tiếp tục đày đi nhà tù Li Hy (Thừa Thiên Huế). Ngày 9/3/1945, nhân dịp Nhật – Pháp bắn nhau, cụ cùng 50 đồng chí phá tù, vượt ngục. Trở về địa phương, cụ Đào Kha tiếp tục bắt mối với tổ chức và tham gia thành lập Ban Việt Minh của xã, vận động quần chúng chuẩn bị khởi nghĩa. Ngày 19/8/1945, cùng với các địa phương, cụ Đào Kha cùng các nhà cách mạng đã lãnh đạo quần chúng nhân dân Yên Vượng nổi dậy tiến lên huyện đường Đức Thọ khởi nghĩa giành lại chính quyền. Năm 1945, cụ được bầu làm Chủ tịch lâm thời xã Yên Vượng và cống hiến cho đến mãi sau này.
Hồi ký về những ngày đấu tranh đầy gian khổ mà hào hùng của các nhà cách mạng ở Đức Thọ cũng đã ghi lại một câu chuyện khá đặc biệt của nguyên Trung đội trưởng Đội Tự vệ đỏ năm 1930 ở xã Thái Yên: Trong thời gian bị giam cầm tại nhà lao Buôn Mê Thuột, đồng chí Nguyễn Em Cầm gặp người bạn tù là đồng chí Phạm Văn Đồng (sau này là Thủ tướng Chính phủ). Một hôm sau giờ nghỉ trưa, anh em tù nhân đang tâm sự, trò chuyện, đồng chí Nguyễn Em Cầm nói với đồng chí Phạm Văn Đồng: “Anh em ta ở đây sướng khổ cùng nhau nếm đủ, khi nào cách mạng thành công nếu còn sống thì hãy tìm đến mà hỏi thăm sức khỏe của nhau”. Đồng chí Phạm Văn Đồng cười gật đầu tán thưởng. Năm 1985, trước khi bị bạo bệnh qua đời, cụ Cầm đã viết thư gửi đồng chí Phạm Văn Đồng và được Thủ tướng Chính phủ gửi thư phúc đáp, hiện bức thư vẫn còn được lưu giữ tại Bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh: “Đồng chí Nguyễn Em Cầm thân mến! Tôi đã nhận được bức thư của đồng chí, tôi rất xúc động. Mặc dù xa cách và tuổi đã cao nhưng đồng chí vẫn nhớ đến những người đồng chí một thời oanh liệt ngày trước, đó là điều đáng tự hào. Nó đòi hỏi chúng ta phải tiếp tục phấn đấu cho sự nghiệp cách mạng vĩ đại của chúng ta. Chúc đồng chí khỏe mạnh và làm hết sức mình để góp phần cống hiến vào công việc ở địa phương” (trích thư của Thủ tướng Phạm Văn Đồng gửi cụ Nguyễn Em Cầm, tháng 6/1985).
Diện mạo NTM xã An Dũng (Đức Thọ) hôm nay.
.
Ông Đào Doanh Thịnh (SN 1952), con trai cụ Đào Kha cho biết: “Bố tôi luôn căn dặn, sống phải biết cống hiến cho Đảng, cho quê hương, không tư lợi bản thân. Những lời dạy của bố vẫn đang được con cháu hôm nay khắc ghi và thực hiện”. Và hôm nay, thế hệ cháu con trên vùng đất khoa bảng, hiếu học Đức Thọ đang thực hiện ý nguyện của cha ông, không ngừng rèn đức, luyện tài, giữ vững ý chí, quyết tâm vuợt qua mọi khó khăn, vươn mình trong những trang sử mới, góp phần xây dựng quê hương trở thành ngọn cờ đầu trong phong trào xây dựng NTM của tỉnh nhà.
.
BÀI, ẢNH: NHÓM P.V. CT-XH
THIẾT KẾ – KỸ THUẬT: HUY TÙNG – KHÔI NGUYỄN
(CÒN NỮA)
Bài 1: Âm vang tiếng trống Xô viết trên quê hương anh hùng
Bài 2: Sáng ngời lý tưởng “Còn một giờ cũng làm cách mạng”
0:10:09:2023:09:13