Tranh thủ thời tiết thuận lợi, các nhà thầu đang huy động tối đa nhân lực, máy móc, chia làm nhiều mũi thi công đẩy nhanh dự án cao tốc Bắc – Nam qua Hà Tĩnh. Dù thi công chưa lâu, hình hài tuyến cao tốc qua Hà Tĩnh đang dần hình thành.
Công ty Cổ phần 484 thi công đoạn tuyến Vũng Áng – Bùng
Đang theo dõi sát sao việc thi công đào đắp hạ cấp quả đồi gần quốc lộ (QL) 12C, khi thấy có người tới, kỹ sư Nguyễn Đức Thông (Công ty cổ phần 484 – 1 trong 5 nhà thầu đảm nhận thi công gói thầu xây lắp XL-01 đoạn cao tốc Vũng Áng – Bùng) giơ tay ra hiệu cho chúng tôi tạm chờ.
Công việc đi vào khuôn khổ, kỹ sư Thông tiến lại, cởi khẩu trang, mũ bảo hộ và trò chuyện với chúng tôi. Kỹ sư Thông cho biết, thời tiết hiện nay đang thuận lợi nên đơn vị nỗ lực đẩy nhanh việc hạ cấp quả đồi. Mỗi ngày, các ca làm việc của công nhân, kỹ sư công ty bắt đầu từ 6h sáng tới 19h tối.
Công ty Cổ phần 484 tập trung đào đắp hạ cấp quả đồi gần quốc lộ 12C
Gói thầu xây lắp XL-01 đoạn cao tốc Vũng Áng – Bùng dài 32,5 km (đoạn qua Hà Tĩnh là 12,9 km), trị giá 5.200 tỷ đồng, đơn vị đảm nhận thi công đoạn tuyến dài hơn 3 km. Khu vực thi công là đoạn giao cắt với QL 12C qua xã Kỳ Tân, huyện Kỳ Anh, cũng chính là điểm bắt đầu của đoạn cao tốc Vũng Áng – Bùng.
Ngay từ thời điểm bắt đầu thi công, Công ty cổ phần 484 đã huy động tối đa nhân lực, vật lực triển khai đào hạ nền đường và thi công hệ thống thoát nước tuyến chính cao tốc.
Riêng khu vực thi công hạ quả đồi gần QL 12C hiện có 13 máy xúc, 4 máy ủi, 6 máy khoan đá nổ mìn, 8 lu rung, 50 xe chở vật liệu xây dựng cùng gần 100 nhân công miệt mài làm việc. Tới thời điểm này, đơn vị đã đào hạ cốt ngọn đồi được khoảng 1 triệu m3, đắp nền được 300.000 m3.
“Thời gian qua, việc thi công của đơn vị khá thuận lợi khi mặt bằng được địa phương bàn giao đầy đủ, khu vực thi công chủ yếu là đồi núi nên việc đào, đắp nền đường không bị ảnh hưởng, do tận dụng được nguồn vật liệu tại chỗ” – kỹ sư Thông chia sẻ.
Đoạn cao tốc Hàm Nghi – Vũng Áng qua xã Kỳ Tân, huyện Kỳ Anh đang được nhà thầu tập trung đẩy nhanh tiến độ.
Không khí lao động khẩn trương, nhộn nhịp cũng hiện rõ trên công trường thi công của Tập đoàn Sơn Hải. Trong gói thầu xây lắp XL-01 đoạn cao tốc Vũng Áng – Bùng, nhà thầu này đảm nhận 5 km tuyến chính và hầm đường bộ Đèo Bụt dài gần 1 km.
Hình ảnh cả trăm công nhân, kỹ sư cùng các thiết bị, đầu máy hiện đại miệt mài thi công đã trở nên quen thuộc trên công trường.
Tập đoàn Sơn Hải huy động máy móc, nhân lực thi công hệ thống thoát nước tuyến chính và khoan hầm đường bộ Đèo Bụt
Sau khi đào bóc hữu cơ, đắp đất nền đường tuyến chính, hiện nay, Tập đoàn Sơn Hải đang tập trung cho việc khoan hầm Đèo Bụt và xây dựng hệ thống thoát nước. Đầu tháng 5, nhà thầu đã bắt đầu khoan phá đá nổ mìn thi công tại cửa hầm Đèo Bụt ở phía Bắc và hiện đã khoan được 12/840m ống hầm phải, 20/716m ống hầm trái.
Theo ông Đỗ Quốc Tuấn – Giám đốc Ban Điều hành thi công Tập đoàn Sơn Hải, do đặc điểm của địa hình, khu vực thi công chuẩn bị bước vào mùa mưa, ảnh hưởng tới công việc, nhất là khoan hầm, đơn vị đang tăng thêm nhân lực, máy móc thiết bị để thi công. Đảm bảo về tiến độ nhưng thi công chất lượng, an toàn là tiêu chí luôn được đặt lên trên hết.
Hầm Đèo Bụt được thiết kế 2 ống hầm với chiều dài lần lượt 716m và 840m
Đoạn cao tốc Vũng Áng – Bùng dài 55,34 km với tổng mức đầu tư 12.548 tỷ đồng, đi qua địa phận Hà Tĩnh (12,9 km) và Quảng Bình (42,44 km), được khởi công đồng thời với 12 dự án đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025, vào ngày 1/1/2023. Do phải xử lý mặt bằng và làm công tác chuẩn bị công trường nên phải đến tháng 3, các nhà thầu mới có thể triển khai thi công đồng loạt.
Dù chỉ mới triển khai được 4 tháng nhưng với việc các nhà thầu huy động 728 công nhân, kỹ sư cùng 314 máy móc thiết bị, chia làm 38 mũi thi công, đến nay, khối lượng thi công đáp ứng so với kế hoạch đề ra.
Cụ thể, trên đoạn tuyến này đã đào nền đường 2,5/5,6 triệu m3, đắp nền đường 1.344/2.927 triệu m3, khoan cọc nhồi 338/569 cọc, đúc dầm Super T 29/457 dầm, dầm I 22/45 dầm, cống tròn và cống hộp lắp ghép 2.141/2.509m, hầm chui dân sinh 3.170/5.909 m3…
Cầu Hưng Đức vượt sông Lam nối 2 tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh trên tuyến cao tốc Bắc – Nam đang được triển khai xây dựng.
Cùng với đoạn Vũng Áng – Bùng, trên địa bàn Hà Tĩnh hiện có 2 dự án của tuyến cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025 là Bãi Vọt – Hàm Nghi dài 35,28 km và Hàm Nghi – Vũng Áng dài 54,2 km cũng đang được triển khai thi công.
Tại mũi thi công nút giao kết nối giữa đoạn cao tốc Bãi Vọt – Hàm Nghi thuộc giai đoạn 2021-2025 với đoạn cao tốc Diễn Châu – Bãi Vọt thuộc giai đoạn 2017-2020, do Tổng Công ty CP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex) thi công đang được nhà thầu bám “đường găng” tiến độ chặt chẽ.
Nhà thầu Vinaconex tập trung nhân lực, máy móc thi công nút giao kết nối giữa đoạn cao tốc Diễn Châu – Bãi Vọt với đoạn cao tốc Bãi Vọt – Hàm Nghi, tại khu vực qua xã Thanh Bình Thịnh, huyện Đức Thọ.
Theo kỹ sư Bùi Quốc Hưng – Chỉ huy trưởng công trường mũi thi công nút giao của Công ty Vinaconex, hạng mục nút giao được khởi công vào ngày 1/1/2023 nhưng yêu cầu hoàn thành vào tháng 6/2024 – đúng với thời gian của đoạn cao tốc Diễn Châu – Bãi Vọt, thay vì cuối năm 2025, nên áp lực về tiến độ thi công là khá lớn.
Tuy nhiên, vì mục tiêu chung của dự án, đơn vị đang ngày đêm nỗ lực thi công nhằm đảm bảo tiến độ. Hiện nhà thầu huy động 40 kỹ sư, công nhân cùng 6 lu rung, 3 máy ủi, 2 máy khoan cọc nhồi, 2 giàn thi công đất gia cố xi măng và 40 đầu xe chở đất, cát, chia “3 ca, 4 kíp” thi công.
Các nhà thầu huy động tối đa nhân lực, máy móc, đảm bảo tiến độ thi công.
Ghi nhận cho thấy, không khí trên các công trường rộn ràng, khẩn trương hơn khi nhiều điểm “nghẽn” về mặt bằng, nguồn vật liệu xây dựng được chính quyền địa phương phối hợp với chủ đầu tư, nhà thầu tích cực tháo gỡ.
Những cơn mưa trong những ngày gần đây dù làm chậm nhịp thi công nhưng ngay khi trời tạnh, nền đường khô dần, hàng trăm kỹ sư, công nhân cùng các đầu máy, thiết bị lại tiếp tục công việc với nhịp độ khẩn trương hơn. Từng phần việc được các kỹ sư, công nhân triển khai một cách tỉ mỉ, cẩn thận, làm đến đâu có tư vấn giám sát kiểm tra, đánh giá đến đó.
Các nhà thầu đang ngày đêm nỗ lực thi công, đảm bảo tiến độ đề ra.
Đối với các vị trí là đường găng tiến độ, trong đó có thi công đường công vụ, xử lý nền đất yếu tại hạng mục công trình cầu, cống chui… được chủ đầu tư – Ban QLDA Thăng Long (Bộ GTVT) yêu cầu nhà thầu tập trung thi công, phấn đấu hoàn tất trước mùa mưa.
Với sự nỗ lực của Hà Tĩnh trong công tác giải phóng mặt bằng, tháo gỡ nút thắt về nguồn vật liệu xây dựng và việc nhà thầu quyết liệt trong thi công, hình hài tuyến cao tốc Bắc – Nam qua địa bàn tỉnh đang dần được định hình, mang theo những kỳ vọng, ước ao về sự “cất cánh” cho lĩnh vực giao thông, vận tải hàng hóa của tỉnh, góp phần kết nối giao thương, mở ra nhiều cơ hội phát triển.
Văn Đức