Công tác cải cách hành chính đạt nhiều kết quả quan trọng trên tất cả các lĩnh vực, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả bộ máy chính quyền các cấp ở Hà Tĩnh, có tác động phục hồi, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội, đảm bảo quốc phòng – an ninh.
Sáng 28/11, Đoàn giám sát cải cách hành chính của HĐND tỉnh làm việc với UBND tỉnh về “Công tác cải cách hành chính trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 – 2023”. Chủ tịch UBND tỉnh Võ Trọng Hải và Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Trần Tú Anh chủ trì cuộc làm việc. Dự cuộc làm việc có Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Hồng Lĩnh, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Trần Văn Kỳ cùng lãnh đạo các sở, ban, ngành, thành viên đoàn giám sát. |
Phó Giám đốc Sở Nội vụ Cù Huy Cẩm báo cáo kết quả công tác cải cách hành chính giai đoạn 2021 – 2023
Cải cách hành chính (CCHC), nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của chính quyền các cấp là một trong 3 khâu đột phá chiến lược đã được xác định tại nghị quyết của 2 nhiệm kỳ Đại hội Đảng bộ tỉnh (Đại hội lần thứ XVIII và lần thứ XIX).
Giai đoạn 2021 – 2023 là nửa đầu nhiệm kỳ triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, có ý nghĩa quan trọng trong việc đẩy mạnh thực hiện và phấn đấu hoàn thành các mục tiêu của kế hoạch 5 năm 2021 – 2025.
Công tác chỉ đạo điều hành CCHC được UBND tỉnh quan tâm triển khai quyết liệt, chỉ đạo và yêu cầu các sở, ban, ngành, địa phương tiếp tục có những đổi mới, tập trung, sát sao, cụ thể trong lãnh đạo triển khai nhiệm vụ, giải pháp quan trọng để đẩy mạnh CCHC, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của các cơ quan, đơn vị, chính quyền địa phương các cấp.
Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Trần Văn Kỳ nêu lên một số vấn đề trong CCHC sau quá trình tham gia đoàn giám sát.
Giai đoạn 2021 – 2023, kết quả các chỉ số CCHC, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, chỉ số hài lòng, chỉ số hiệu quả quản trị hành chính công cấp tỉnh của Hà Tĩnh luôn nằm trong nhóm khá của cả nước và trong nhóm dẫn đầu khu vực Bắc Trung bộ.
Công tác kiểm tra việc lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện CCHC được chú trọng. Hằng năm, UBND tỉnh ban hành kế hoạch kiểm tra, thành lập đoàn kiểm tra việc chỉ đạo và tổ chức thực hiện CCHC tại tất cả các cơ quan, đơn vị, địa phương.
Giai đoạn 2021 – 2023, UBND tỉnh đã tổ chức kiểm tra, thẩm định xác định chỉ số CCHC tại các cơ quan, đơn vị, địa phương với hơn 129 lượt; thực hiện 6 cuộc thanh tra công vụ tại 3 sở, ngành cấp tỉnh, 3 UBND cấp huyện và các đơn vị trực thuộc. Ngoài ra, UBND tỉnh tăng cường chỉ đạo kiểm tra kết quả thực hiện Đề án 06 và đẩy mạnh thực hiện thanh tra, kiểm tra công vụ, đảm bảo thực hiện bỏ sổ hộ khẩu, sổ tạm trú bằng giấy trong giải quyết TTHC.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Hồng Lĩnh phát biểu ý kiến tại cuộc làm việc.
Việc xây dựng, phát triển hạ tầng kỹ thuật; phát triển các hệ thống nền tảng tích hợp và chia sẻ dữ liệu được quan tâm đầu tư và từng bước đưa vào khai thác nhằm quản lý đồng bộ, thống nhất, minh bạch, kịp thời và tạo nguồn cơ sở dữ liệu cốt lõi cho phát triển chính quyền số.
100% các đơn vị, địa phương đều có sáng kiến cấp cơ sở về CCHC; lựa chọn 12 sáng kiến CCHC tiêu biểu, đột phá trên địa bàn tỉnh, có tính mới, hiệu quả và khả năng nhân rộng toàn quốc để trình Hội đồng thẩm định CCHC Trung ương và đã được đánh giá điểm tối đa của tiêu chí sáng kiến trong Chỉ số CCHC của tỉnh năm 2021, 2022.
UBND tỉnh Hà Tĩnh chỉ đạo tiếp tục rà soát, đơn giản tối đa các TTHC, đặc biệt là các TTHC liên quan đến người dân, doanh nghiệp; tăng cường trách nhiệm phối hợp giữa các cơ quan có thẩm quyền; trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương trong giải quyết TTHC cho tổ chức và cá nhân, nâng tỷ lệ hài lòng của người dân, doanh nghiệp.
Toàn tỉnh cũng đã thành lập bộ phận một cửa tại 216/216 xã, phường, thị trấn; thành lập Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh và trung tâm hành chính công tại 13/13 huyện, thành phố, thị xã.
Dù đạt được nhiều kết quả nhưng công tác CCHC trên địa bàn tỉnh thời gian qua vẫn còn những tồn tại, hạn chế như: công tác tự kiểm tra định kỳ, đột xuất về CCHC tại một số đơn vị, địa phương chưa kịp thời và chưa thường xuyên; còn hiện tượng cán bộ, công chức làm thay, làm hộ người dân để đảm bảo đạt tỷ lệ hồ sơ trực tuyến theo quy định; một số cơ quan chưa chủ động thực hiện việc lập đề nghị xây dựng dự thảo văn bản; việc rà soát, đơn giản hóa TTHC còn vướng mắc, bất cập để tạo thuận lợi cho cá nhân, tổ chức hiệu quả chưa cao…
Tại cuộc làm việc, các đại biểu đã phân tích nguyên nhân dẫn tới các tồn tại, vướng mắc liên quan đến thực hiện công tác CCHC. Đồng thời, đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp trong công tác chỉ đạo điều hành, cải cách thể chế, cải cách TTHC…
Chủ tịch UBND tỉnh Võ Trọng Hải phát biểu tại cuộc làm việc.
Phát biểu tại cuộc làm việc, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Trọng Hải khẳng định: Hà Tĩnh luôn xem CCHC, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của chính quyền các cấp là nhiệm vụ chính trị, một trong những khâu đột phá trọng tâm nhằm hướng tới hoàn thiện môi trường đầu tư kinh doanh, xây dựng chính quyền số là để đảm bảo phục vụ tốt hơn yêu cầu của người dân, doanh nghiệp và sự phát triển bền vững của tỉnh.
Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị các sở, ngành, địa phương tiếp thu, ghi nhận những ý kiến của thành viên đoàn giám sát, đồng thời, đoàn giám sát có báo cáo đầy đủ, chi tiết, nhất là nêu ra những tồn tại, hạn chế để UBND tỉnh và các cấp, ngành có cái nhìn toàn diện những hạn chế để khắc phục, nâng cao các chỉ số về CCHC.
Để triển khai một cách quyết liệt, trọng tâm và kết quả thực chất các giải pháp về CCHC, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu người đứng đầu các đơn vị, địa phương phải nêu cao gương mẫu, chịu hoàn toàn trách nhiệm trong công tác CCHC của đơn vị, địa phương mình quản lý; tích cực khắc phục các tồn tại, hạn chế trong CCHC, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm trong CCHC; các cấp, ngành phải tăng cường đối thoại, giải đáp các thắc mắc cho người dân, doanh nghiệp, hạn chế khiếu kiện, khiếu nại vượt cấp; rà soát, sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện các quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy của các sở, ngành và địa phương, gắn phân cấp, phân quyền với việc tiếp tục đẩy mạnh CCHC…
Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Trần Tú Anh phát biểu tại cuộc làm việc.
Phát biểu tại cuộc làm việc, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Trần Tú Anh đánh giá: Thời gian qua, UBND tỉnh cùng các sở, ban, ngành, địa phương đã bám sát các chương trình, kế hoạch, chủ động, linh hoạt, lựa chọn nhiệm vụ trọng tâm, tập trung chỉ đạo công tác CCHC phù hợp với diễn biến tình hình và các vấn đề mới phát sinh.
Nhờ đó, công tác CCHC giai đoạn 2021 – 2023 đạt được nhiều kết quả quan trọng trên tất cả các lĩnh vực, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả bộ máy chính quyền các cấp; có tác động phục hồi, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội, đảm bảo quốc phòng – an ninh.
Chỉ ra một số tồn tại, hạn chế, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Trần Tú Anh đề nghị cần nâng cao trách nhiệm của các cấp, ngành đối với công tác CCHC, đặc biệt là trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy địa phương, cơ quan, đơn vị; tích cực hướng dẫn, khuyến khích các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân thực hiện việc giải quyết TTHC qua dịch vụ công trực tuyến.
Xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đảm bảo tiêu chuẩn, chức danh theo quy định; triển khai ứng dụng hiệu quả nền tảng tích hợp, chia sẻ dùng chung cấp tỉnh, kết nối liên thông với nền tảng tích hợp và chia sẻ quốc gia bảo đảm đồng bộ các hệ thống dữ liệu quốc gia; quan tâm giữ vững các chỉ số CCHC đang đứng ở vị trí đầu, những chỉ số chưa cao phải phấn đấu lên cao hơn.
Sau buổi làm việc, đoàn sẽ có tổng hợp, báo cáo đầy đủ về công tác CCHC trên địa bàn tỉnh và gửi cho UBND tỉnh cùng các sở, ngành chủ chốt.
Quỳnh Chi