Đối với sản xuất vụ đông 2023, Hà Tĩnh sẽ linh hoạt trong chỉ đạo điều hành nhằm né tránh, giảm thiểu thấp nhất rủi ro do thiên tai.
Chiều 31/8, Sở NN&PTNT tỉnh Hà Tĩnh tổ chức hội nghị triển khai đề án sản xuất vụ đông năm 2023. |
Các đại biểu tham dự hội nghị.
Vụ đông năm 2022, với sự nỗ lực cao của bà con nông dân, công tác chỉ đạo sâu sát của ngành chuyên môn, diện tích, năng suất, sản lượng, đều đạt và vượt kế hoạch, đặc biệt là sản xuất ngô lấy hạt trà đông muộn – xuân sớm và ngô ngắn ngày lấy bắp tươi, ngô sinh khối. Diện tích gieo trồng các loại cây trồng vụ đông 2022 đạt 12.511 ha/11.524 ha, đạt 106,8% kế hoạch.
Một số mô hình trình diễn cho hiệu quả cao như: sản xuất các giống ngô mới NK6275, CP519, CP512, SSC586, NK7328, HN90, MK399, P4311, P4554 tại các xã Hương Thủy, Hương Đô, Điền Mỹ (Hương Khê); chuyển đổi cơ cấu trên đất trồng lúa sang trồng cây hoa cúc (Cẩm Xuyên);…
Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Nguyễn Quang Thọ trình bày đề án sản xuất vụ đông năm 2023.
Đối với sản xuất vụ đông năm 2023, theo dự báo của Đài Khí tượng thủy văn Hà Tĩnh, mùa mưa năm nay khả năng xuất hiện muộn và kết thúc sớm hơn so với trung bình nhiều năm (TBNN), số các đợt mưa lớn không nhiều và mưa lớn chủ yếu tập trung vào nửa cuối tháng 9 – 10/2023. Nền nhiệt độ mùa đông xuân năm 2023 – 2024 khá cao, số đợt rét đậm, rét hại không nhiều. Đợt rét đậm đầu tiên có khả năng nửa đầu tháng 12/2023 (sớm hơn so với TBNN).
Bên cạnh các điều kiện thuận lợi, sản xuất vụ đông 2023 tiếp tục đối diện với một số khó khăn như: tâm lý của người dân trong việc đầu tư thâm canh và mở rộng diện tích sản xuất vụ đông hạn chế; hiệu quả sản xuất thấp; chưa hình thành được vùng sản xuất quy mô lớn, không có tính thu hút…
Trên cơ sở đó, quan điểm chỉ đạo của ngành nông nghiệp là chủ động, quyết liệt và linh hoạt trong chỉ đạo điều hành, nhất là trong cơ cấu thời vụ nhằm né tránh, giảm thiểu thấp nhất rủi ro do thiên tai; đa dạng hóa các loại cây trồng, đẩy mạnh thâm canh ứng dụng khoa học công nghệ, nâng cao giá trị trên đơn vị diện tích, đáp ứng nhu cầu thị trường đảm bảo nguồn thức ăn, phòng chống đói rét cho vật nuôi trong mùa đông.
Toàn tỉnh phấn đấu tổng diện tích gieo trồng vụ đông 2023 đạt 11.890 ha; trong đó, ngô lấy hạt 4.259 ha, năng suất 42,11 tạ/ha, sản lượng 17.935 tấn; ngô sinh khối 1.649 ha, năng suất 32 tấn/ha, sản lượng 52.782 tấn; rau các loại 4.524 ha, năng suất 65,45 tạ/ha, sản lượng 29.610 tấn; cây khoai lang 1.458 ha, năng suất 66,57 tạ/ha, sản lượng 9.705 tấn…
Phó Chủ tịch UBND huyện Cẩm Xuyên Lê Ngọc Hà: Cẩm Xuyên sẽ có kinh phí hỗ trợ mô hình khả thi, không đầu tư, chỉ đạo dàn trải; kêu gọi thêm doanh nghiệp vừa, nhỏ để cùng tham gia.
Để đạt được mục tiêu đề ra, Hà Tĩnh tiếp tục tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền nâng cao nhận thức, tạo sự quyết tâm cao trong hệ thống chính trị từ tỉnh xuống cơ sở để triển khai, thực hiện tốt đề án sản xuất vụ đông năm 2023 với phương châm khắc phục khó khăn của thời tiết, dịch bệnh, huy động phương tiện và lực lượng tổ chức sản xuất; từng bước liên kết sản xuất, tăng giá trị nông sản; tổ chức tham quan học tập các mô hình hiệu quả trên địa bàn tỉnh để nhân rộng các điển hình.
Cùng với đó, khai thác tối đa, phủ kín diện tích đất màu, đất vườn; cơ cấu trên đất lúa ở những vùng có điều kiện thoát nước tốt để tăng hệ số sử dụng đất.
Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Hà Tĩnh Nguyễn Văn Việt phát biểu tại hội nghị.
Phát biểu tại hội nghị, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Hà Tĩnh Nguyễn Văn Việt đề nghị trên cơ sở khung thời vụ và các giống đề xuất của tỉnh, tùy vào điều kiện cụ thể của địa phương để có kế hoạch gieo trồng sát thực tế. Đối với vùng không bị ngập lụt, chủ động về thời vụ, cơ cấu các loại cây trồng, giống có năng suất, sản lượng và giá trị kinh tế cao để đạt kết quả cao nhất.
Các địa phương, cơ sở sản xuất chủ động hỗ trợ tìm kiếm thị trường trong và ngoài tỉnh nhằm tiêu thụ sản phẩm ở các vùng sản xuất nhỏ lẻ, sản phẩm mang tính thời vụ cho nông dân.
Hướng dẫn, chỉ đạo thiết lập vùng trồng đủ điều kiện cấp mã số và cấp mã vùng trồng khi đáp ứng các điều kiện; căn cứ vào tiềm năng, lợi thế của từng vùng để tổ chức xây dựng các mô hình sản xuất mới, có giá trị kinh tế. Cùng với đó, tập trung thực hiện tốt công tác quản lý cung ứng vật tư nông nghiệp như: giống cây trồng, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật…
Đối với thu hoạch lúa hè thu, các địa phương theo dõi, đôn đốc, chỉ đạo thực hiện phương châm “xanh nhà hơn già đồng”, lúa chín đến đâu tổ chức thu hoạch đến đó, kiên quyết không để lúa chín bị ngập khi mưa lũ xảy ra.
Thái Oanh