Những “nút thắt” cuối trong công tác GPMB dự án cao tốc Bắc – Nam đang được các ban ngành, địa phương ở Hà Tĩnh nỗ lực tháo gỡ nhằm bàn giao cho chủ đầu tư đúng cam kết, tạo thuận lợi nhất cho quá trình thi công.
Cao tốc Bắc – Nam đoạn qua địa bàn Hà Tĩnh đang được đẩy nhanh tiến độ triển khai thi công
Dự án cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2021 – 2025 qua địa bàn Hà Tĩnh có chiều dài 102,38 km với 3 dự án thành phần: Bãi Vọt – Hàm Nghi, Hàm Nghi – Vũng Áng, Vũng Áng – Bùng. Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh còn triển khai xây dựng 3 tuyến đường kết nối cao tốc (đường Ngô Quyền – đường tỉnh 550, đường song hành cao tốc nối đường tỉnh 550 – Hàm Nghi kéo dài và đường Cẩm Quan – quốc lộ 1) dài 12,18 km.
Ông Lê Anh Sơn – Phó Giám đốc Sở GTVT cho hay: Ngay từ thời điểm đầu triển khai dự án, Hà Tĩnh đã tập trung cao cho công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) khi huy động cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc. Tích cực tuyên truyền, vận động người dân hiểu, chấp hành pháp luật liên quan tới các chế độ, chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.
Khu tái định cư dự án cao tốc Bắc – Nam ở xã Kỳ Văn, huyện Kỳ Anh hoàn thành, nhiều hộ dân đã xây dựng nhà ở mới
Nhờ vậy, mặc dù dự án ảnh hưởng tới đất đai, tài sản trên đất của hàng nghìn hộ dân (trong đó, 404 hộ phải tái định cư, 749 hộ bị ảnh hưởng một phần tài sản, vật kiến trúc, cây cối, di dời 800 ngôi mộ) nhưng tới thời điểm này, Hà Tĩnh đã hoàn thành công tác kiểm đếm GPMB; áp giá, phê duyệt phương án bồi thường đạt 99,70% và bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư triển khai dự án đạt 98,33%. Tiến độ giải ngân nguồn vốn GPMB đạt 2.514,5/2.819,66 tỷ đồng (đạt tỷ lệ 89,18%).
Trong 26 khu tái định cư và 4 khu nghĩa trang, Hà Tĩnh đã hoàn thành 22 khu tái định cư và các nghĩa trang. 4 khu tái định cư còn lại cũng đạt khối lượng từ 97 – 99%.
Công tác GPMB cao tốc Bắc – Nam của Hà Tĩnh luôn được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Bộ GTVT ghi nhận, đánh giá rất cao. Điều này góp phần để dự án trọng điểm quốc gia đoạn qua địa bàn tỉnh luôn được đảm bảo tiến độ.
Trang trại chăn nuôi lợn ở xã Việt Tiến, huyện Thạch Hà nằm trong phạm vi ảnh hưởng dự án cao tốc
Phần diện tích còn lại chưa thể bàn giao tuy không lớn nhưng với tinh thần không để ảnh hưởng tới tiến độ chung dự án, Hà Tĩnh yêu cầu các đơn vị, địa phương cùng tiếp tục tập trung cao cho công tác GPMB, phối hợp giải quyết các khó khăn, vướng mắc để có thể bàn giao sớm nhất cho chủ đầu tư, đơn vị thi công.
Theo tìm hiểu, vướng mắc về GPMB tập trung ở phần việc di dời hạ tầng đường điện (gần như ở tất cả các địa phương); trang trại chăn nuôi lợn tại xã Việt Tiến, huyện Thạch Hà; một số hộ dân chưa đồng ý với mức áp giá, bồi thường tái định cư ở xã Cẩm Lạc, huyện Cẩm Xuyên.
Không chỉ dự án cao tốc Bắc – Nam mà với bất kỳ một công trình nào, khi liên quan tới hạ tầng đường điện sẽ luôn là vấn đề phức tạp, khó khăn khi cần phải thực hiện, hoàn thiện đầy đủ hồ sơ theo đúng trình tự pháp luật và việc xét duyệt, chấp thuận phải qua nhiều cấp bộ, ban, ngành ở Trung ương, đặc biệt là với đường dây cao thế 220kV và 500kV.
Hạ tầng đường điện bị ảnh hưởng bởi dự án đang được khẩn trương di dời
Điều quan trọng nữa, các địa phương không có kinh nghiệm trong lĩnh vực này, mà cần phải thuê đơn vị có đủ năng lực để thực hiện. Việc này cũng mất rất nhiều thời gian.
Khó khăn là vậy, song, với sự nỗ lực chung, hiện nay, đường dây 35kV trở xuống, hầu hết các địa phương đã thi công đạt từ 60 – 97%; đường dây 110kV đạt khối lượng từ 10 – 69%; đường dây 220kV và 500k, huyện Đức Thọ đã thi công được 10%, các địa phương còn lại đã lựa chọn nhà thầu, chuẩn bị điều kiện để khởi công.
Đối với trang trại chăn nuôi lợn (lợn nái và lợn nạc) ở xã Việt Tiến, ông Nguyễn Văn Sáu – Phó Chủ tịch UBND huyện Thạch Hà thông tin, chủ trang trại hợp tác, sẵn sàng di dời chuồng trại, nhường đất cho dự án. Tuy nhiên, vì giá thành 600 con lợn nái cao cùng một số hạng mục, thiết bị của trang trại không có trong bộ đơn giá bồi thường của tỉnh nên quá trình làm việc, thỏa thuận và áp giá bồi thường gặp nhiều khó khăn.
Theo ông Nguyễn Văn Sáu, tỉnh đã giao cho Sở NN&PTNT chủ trì, phối hợp với các sở, ngành và huyện Thạch Hà tham mưu phương án xử lý bảo đảm theo đúng quy định. Qua các cuộc làm việc và lấy ý kiến các đơn vị, địa phương, hiện nay, Sở NN&PTNT cũng đã có báo cáo UBND tỉnh về nội dung liên quan tới bồi thường, hỗ trợ GPMB trang trại chăn nuôi lợn ở xã Việt Tiến.
Nhiều hộ dân xã Cẩm Lạc, huyện Cẩm Xuyên đã đồng thuận, xây dựng nhà ở tại khu tái định cư.
Về một số hộ dân chưa đồng ý với mức áp giá, bồi thường tái định cư ở xã Cẩm Lạc, ông Phạm Hoàng Anh – Phó Chủ tịch UBND huyện Cẩm Xuyên cho biết, nguyên nhân xuất phát từ việc họ không đồng ý xác minh nguồn gốc đất, mức áp giá thấp và có hộ xây dựng cơi nới sai quy định nhưng vẫn yêu cầu bồi thường.
Phó Chủ tịch UBND huyện Cẩm Xuyên khẳng định: Các cấp chính quyền đã giải thích, tuyên truyền, vận động nhưng các hộ dân không chấp thuận và buộc địa phương phải lên kế hoạch cưỡng chế.
“Huyện đã ban hành quyết định cưỡng chế và thông tin cho các hộ dân ở xã Cẩm Lạc nắm rõ. Tuy vậy, trước khi phải áp dụng biện pháp cứng rắn, huyện sẽ tiếp tục vận động, tuyên truyền người dân đồng thuận di dời, nhường đất cho dự án” – ông Phạm Hoàng Anh thông tin.
Quá trình kiểm tra tiến độ dự án cao tốc Bắc – Nam, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đánh giá cao nỗ lực của Hà Tĩnh trong công tác GPMB, tạo thuận lợi dự án thi công.
Với chỉ đạo, quan tâm sát sao của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, nỗ lực của các sở, ban, ngành và các địa phương, cùng sự đồng thuận, ủng hộ từ người dân, tin tưởng rằng Hà Tĩnh sẽ bàn giao toàn bộ mặt bằng dự án cao tốc Bắc – Nam đúng kế hoạch, đảm bảo tiến độ dự án luôn được thuận lợi.
Văn Đức – Thăng Long