Các địa phương ở Hà Tĩnh đang tập trung cao cho việc thực hiện mục tiêu trồng 8.600 ha rừng tập trung trong năm 2024.
Công nhân Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp và Dịch vụ Hương Sơn trồng rừng sản xuất.
Những ngày đầu năm mới, các địa phương ở huyện miền núi Hương Sơn tiếp tục duy trì và phát huy phong trào “người người trồng cây, nhà nhà trồng cây” để góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, ổn định sinh kế và tăng thu nhập cho người dân. Theo kế hoạch, ngoài trồng cây phân tán ở khu dân cư, trong dịp tết, các xã, thị trấn ở Hương Sơn đã trồng khoảng 39 ha rừng tập trung (77.800 cây). Đây được xem là giai đoạn “khởi động” cho kế hoạch phát triển rừng trồng năm 2024.
Ông Lê Ngọc Danh – Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Hương Sơn cho biết: “Hạt đang phối hợp đôn đốc, chỉ đạo các địa phương, đơn vị, chủ rừng sớm hoàn thành chỉ tiêu đăng ký trồng cây đầu xuân để tạo tiền đề cho việc hoàn thành kế hoạch phát triển rừng năm 2024. Chúng tôi cũng đang nỗ lực quản lý tốt các vấn đề có liên quan đến công tác phát triển rừng để phấn đấu đến cuối năm toàn huyện sẽ trồng 1.295 ha keo tràm và trồng làm giàu rừng 200 ha bằng các loài cây bản địa như: lim, cồng, de, dổi mỡ…”.
Người dân Sơn Lĩnh (Hương Sơn) trồng các loại cây bản địa để làm giàu diện tích rừng được giao khoanh nuôi, bảo vệ.
Hương Khê cũng là một trong những địa phương có kế hoạch trồng nhiều diện tích rừng tập trung lớn nhất tỉnh trong năm nay. Ngay từ trước tết cổ truyền, các địa phương trong toàn huyện đã bắt đầu “khởi động” trồng cây gây rừng và đồng loạt ra quân Tết trồng cây. Đến thời điểm này, toàn huyện đã trồng được gần 35 nghìn cây dó trầm, keo, sao, sấu, bằng lăng, xoài…
Ông Nguyễn Mạnh Tài – Phó Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Hương Khê thông tin: “Năm nay, toàn huyện sẽ trồng 1.250 ha rừng tập trung nên ngay từ đầu năm, chúng tôi đã tập trung kiểm tra, giám sát quy trình về trồng rừng, khai thác rừng và hướng dẫn các hộ gia đình được giao đất, giao rừng, nhất là được giao rừng tự nhiên nghiêm túc thực hiện công tác bảo vệ, khoanh nuôi, xúc tiến tái sinh, làm giàu rừng theo đúng quy định. Chúng tôi cũng sẽ tăng cường quản lý các dự án liên quan đến rừng và đất lâm nghiệp, chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, các mô hình lâm nghiệp, trồng cây phân tán, sản xuất giống cây lâm nghiệp trên địa bàn…”.
Người dân Hương Long (Hương Khê) mua cây keo giống để trồng rừng vụ xuân.
Năm 2024, toàn tỉnh có kế hoạch trồng 8.600 ha rừng tập trung, trong đó có 8.300 ha rừng sản xuất, 300 ha rừng phòng hộ và đặc dụng (hiện đã trồng được khoảng 20% tổng diện tích). Qua đó, phấn đấu đạt độ che phủ rừng trên 52%, khai thác gỗ nguyên liệu đạt 588 nghìn m3 và hướng tới nhiều mục tiêu quan trọng khác. Các vùng trồng rừng trọng điểm là huyện Kỳ Anh, Hương Khê, Hương Sơn, Vũ Quang…
Người làm rừng Hương Minh (Vũ Quang) hối hả trồng rừng đầu năm.
Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Hà Tĩnh Hoàng Quốc Huấn cho biết: “Chúng tôi đang tập trung khắc phục các yếu tố khó khăn, những vấn đề còn tồn tại để nâng cao hiệu quả sản xuất lâm nghiệp, quyết tâm phủ kín diện tích trồng rừng theo kế hoạch được giao. Để chủ động thực hiện nhiệm vụ, chúng tôi đã xây dựng các nhóm giải pháp về công tác chỉ đạo, điều hành sản xuất, quy trình kỹ thuật, phát triển hạ tầng phục vụ sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm, quản lý Nhà nước…
Đặc biệt, chúng tôi đang tăng cường kiểm tra, kiểm soát nguồn giống gắn với tuyên truyền người dân sử dụng các loại giống chất lượng. Ngành cũng tăng cường chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị sản xuất, cung ứng giống trên địa bàn thực hiện sản xuất đúng quy trình và hỗ trợ, hướng dẫn khách hàng thực hiện, áp dụng các biện pháp kỹ thuật lâm sinh về trồng rừng, chăm sóc rừng, khoanh nuôi xúc tiến tái sinh rừng để đem lại hiệu quả cao trong sản xuất. Ngoài ra, chúng tôi cũng khuyến khích Nhân dân và các chủ rừng khác đẩy mạnh áp dụng kỹ thuật trồng rừng thâm canh, trồng đúng mật độ, lựa chọn thời vụ hợp lý, trồng rừng gỗ lớn thay thế rừng gỗ nhỏ…”.
Tiến Dũng