Đây là những trăn trở được các đại biểu thảo luận sôi nổi tại tổ số 2 trong khuôn khổ Đại hội đaị biểu toàn quốc Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam lần thứ IX diễn ra chiều nay 17.12.
Đầu tư phát triển văn hóa cho thanh niên
Với chủ đề “Thanh niên Việt Nam bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc”, nhiều ý kiến tâm huyết đã được các đại biểu tại chia sẻ.
Theo chị Dương Minh Nguyệt, Chủ tịch Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam tỉnh Tuyên Quang, trong dòng chảy lịch sử hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước, bản sắc văn hóa dân tộc đã trở thành sức mạnh trường tồn, tạo nên bản lĩnh kiên cường và tinh thần tự tôn của con người Việt Nam.
Chị Minh Nguyệt nhìn nhận, trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng, văn hóa Việt Nam đứng trước nhiều cơ hội nhưng cũng đối diện không ít thách thức. Làm thế nào để thế hệ trẻ tiếp nối và làm rạng danh di sản ông cha để lại, đồng thời dung hòa với những giá trị văn hóa mới trong thời đại số? Thanh niên Việt Nam cần làm gì để tham gia bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam giai đoạn 2024 – 2029?
“Là lực lượng trẻ, năng động, sáng tạo và luôn tiên phong trong các lĩnh vực, thanh niên Việt Nam đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Đặc biệt, đây cũng là một trong những đề án trọng điểm được Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam dự kiến triển khai trong nhiệm kỳ 2024 – 2029, hướng tới khơi dậy niềm tự hào dân tộc, tăng cường ý thức trách nhiệm của thanh niên trong việc bảo vệ và phát triển văn hóa Việt Nam trên trường quốc tế”, chị Nguyệt nhấn mạnh.
Thẳng thắn chỉ ra một số sản phẩm văn hóa chưa thực sự gần gũi với thanh niên; một số thanh niên chưa thực sự quan tâm đến văn hóa truyền thống, đại biểu Nguyễn Kiều Tuấn Việt (tỉnh Phú Thọ), cho rằng nguyên nhân nhân dẫn đến hạn chế này là do nhận thức của một bộ phận thanh niên và có sự tác động của văn hóa ngoại lai khiến họ chưa thực sự để tâm đến văn hóa truyền thống.
Vì vậy, việc xây dựng, hoàn thiện các chủ trương, chính sách về xây dựng và phát triển đời sống văn hóa cho thanh niên là nhiệm vụ cấp thiết hơn bao giờ hết.
Anh Việt đề xuất: “Chúng ta cần sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật liên quan phát triển văn hóa, đặc biệt đối với thanh niên; tạo những cơ chế, chính sách ưu đãi khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia vào phát triển văn hóa. Xây dựng mối liên kết chặt chẽ giữa các ban, ngành để cùng triển khai các chương trình, dự án phát triển văn hóa cho thanh niên; tăng cường vai trò của thanh niên trong việc tuyên truyền vận động thanh niên tham gia các hoạt động văn hóa”.
Để thu hút sự tham gia đông đảo của thanh niên, các địa phương cần xây dựng, nâng cấp các nhà văn hóa, thư viện, các câu lạc bộ… nhằm đáp ứng nhu cầu vui chơi lành mạnh của thanh niên, tổ chức các hoạt động văn hóa đa dạng, phong phú. Cùng đó, tăng cường giáo dục văn hóa bằng việc lồng ghép vào các chương trình giảng dạy trong trường học; tổ chức các hoạt động ngoại khóa nhằm nâng cao ý thức trách nhiệm của thanh niên với cộng đồng, tích hợp văn hóa truyền thống vào các hoạt động văn hóa hiện đại.
“Văn hóa là một yếu tố quan trọng không thể thiếu trong quá trình phát triển của mỗi cá nhân và xã hội. Việc đầu tư phát triển văn hóa cho thanh niên không chỉ là trách nhiệm mà còn là cơ hội để xây dựng một thế hệ trẻ tài năng, sáng tạo, góp phần xây dựng đất nước văn minh, giàu mạnh”, anh Việt bày tỏ.
Cổ vũ, tôn vinh người trẻ bảo tồn, phát huy văn hóa dân tộc
Chia sẻ câu chuyện về bảo tồn, phát huy văn hóa dân tộc, nhà báo Trần Việt Hưng, Phó tổng biên tập Báo Thanh Niên, Phó chủ tịch Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam, cho hay với các thế hệ trước, những làn điệu dân ca, hát ru, nghe thưởng thức văn hóa là điều rất bình thường. Còn bây giờ, việc thụ hưởng văn hóa dân tộc trong giới trẻ gần như rất ít. Việc tuyên truyền, cổ vũ những cá nhân, điển hình làm về văn hóa dân tộc cũng chưa nhiều.
“Văn hóa dân tộc chiếm vị trí thế nào trong đời sống, đặc biệt là làm thế nào để thu hút được người trẻ đến với văn hóa truyền thống, là câu hỏi còn rất nhiều trăn trở”, anh Trần Việt Hưng bày tỏ.
Theo anh Trần Việt Hưng, hiện có nhiều cá nhân, nhiều mô hình, nhiều bạn trẻ GenZ đã vận dụng bảo tồn văn hóa dân tộc rất thông minh, đó là những “hạt giống” mà tổ chức Đoàn – Hội cần phát huy, cổ vũ mạnh mẽ hơn nữa.
“Các bạn không làm theo hướng tái tạo, diễn lại vở kịch, vở tuồng cổ, mà đã có sáng kiến vận dụng các khía cạnh văn hóa vào sản xuất kinh doanh như: khôi phục lại họa tiết thổ cẩm, in lên những sản phẩm lưu niệm; có nhiều nhà nghiên cứu trẻ, nhiều bạn trẻ làm công việc bảo tồn văn hóa dân tộc nhưng dựa trên nền tảng nghiên cứu khoa học cơ bản… Những nhân tố này cần được sự chăm lo của xã hội, hệ thống Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam cần phát huy, biểu dương và tôn vinh những nhân tố này”, anh Trần Việt Hưng chia sẻ.
Lấy dẫn chứng từ dân ca ví dặm, đại biểu Trần Văn Sang, nghệ nhân dân gian (Hà Tĩnh), cho biết đến nay dân ca ví dặm được người trẻ phát huy, tiếp nối và lan tỏa không chỉ ở Hà Tĩnh mà còn lan tỏa tới nhiều vùng miền và một số nước trên thế giới.
“Giải pháp của chúng tôi là tổ chức hoạt động các câu lạc bộ, tổ, đội, nhóm thu hút các bạn trẻ tham gia. Những người trẻ có kinh nghiệm sẽ tham gia truyền dạy, thực hành cho lớp trẻ. Bên cạnh đó, tổ chức Đoàn – Hội cũng sẽ tổ chức nhiều hội thi, hội diễn, kỳ liên hoan dân ca ví dặm. Sau các kỳ liên hoan này, dân ca ví dặm được phát triển rầm rộ”, anh Trần Văn Sang nói.
Theo anh Trần Văn Sang, trong tuyên truyền hoạt động Đoàn – Hội, dân ca ví dặm cũng được đưa vào, các bài thuyết trình khô khan đã được thể bằng hình thức dân ca dễ đi vào lòng người, tiếp cận với nhiều đối tượng mang lại hiệu quả tuyên truyền rất cao.
Đề bảo tồn và phát huy di sản văn hóa truyền thống, anh Trần Văn Sang chia sẻ: “Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam cần tiếp tục các giải pháp để đưa di sản văn hóa đến gần hơn với lớp trẻ. Khi giới trẻ tiếp cận sẽ thấy được trách nhiệm gìn giữ văn hóa dân tộc. Tổ chức Đoàn – Hội cần tham mưu với các cấp trong đào tạo bồi dưỡng nghệ sĩ, nghệ nhân trẻ; đồng thời khuyến khích các nghệ nhân trẻ, nghệ sĩ trẻ có những thử nghiệm, sáng tạo kết hợp với âm nhạc truyền thống với hiện đại. Đây cũng là cách đưa văn hóa truyền thống đến gần hơn với giới trẻ”.
Nguồn: https://thanhnien.vn/dua-di-san-van-hoa-dan-toc-den-gan-voi-gioi-tre-185241217160210435.htm