Ngành NN&PTNT Hà Tĩnh dự báo, các đối tượng dịch hại: bệnh đạo ôn, khô vằn, rầy, sâu cuốn lá nhỏ gây hại trên lúa; bệnh héo rũ, lở cổ rễ trên lạc, rau màu… sẽ diễn biến phức tạp trong vụ xuân năm 2024.
Nền nhiệt trong vụ xuân 2024 có xu hướng cao hơn trung bình nhiều năm là điều kiện làm phát sinh nhiều loại đối tượng dịch hại trên cây trồng, nhất là lúa.
Theo kế hoạch, vụ xuân 2024, toàn tỉnh sản xuất 59.107 ha lúa; 6.059 ha ngô; 7.927 ha lạc; hơn 5.000 ha rau các loại. Thời vụ sản xuất các loại cây trồng tập trung chủ yếu từ đầu tháng 1/2024, trong đó, cây trồng chủ lực nhất là lúa sẽ bắt đầu từ ngày 5/1 – 20/2/2024.
Theo dự báo của Đài Khí tượng thủy văn Hà Tĩnh, nền nhiệt độ vụ xuân năm 2024 có xu thế cao hơn trung bình nhiều năm khoảng 1,0 – 1,50C, có xu hướng ấm, ẩm độ cao, các đợt rét xuất hiện muộn. Theo ngành NN&PTNT, trong điều kiện thời tiết này, dự báo nhiều đối tượng dịch hại phát sinh, phát triển và gây hại nặng trên các loại cây trồng. Trong đó, một số loại dịch hại chủ yếu được ngành chuyên môn khuyến cáo như:
1. Trên cây lúa:
– Bọ trĩ, ruồi đục nõn: Gây hại chủ yếu trên những chân ruộng thiếu nước, gieo cấy muộn, cao điểm gây hại từ giai đoạn lúa từ 2-3 lá đến kết thúc đẻ nhánh, thời điểm gây hại từ đầu tháng 2 đến đầu tháng 3.
– Tuyến trùng rễ: Phát sinh gây hại mạnh vào giai đoạn đầu vụ (sau gieo cấy 20-25 ngày) nhất là ruộng lúa thường xuyên bị khô hạn, thiếu nước, đất cát pha hoặc đất nhiễm phèn, giữ nước kém.
– Bệnh đạo ôn: Bệnh thường phát sinh gây hại ngay từ giai đoạn mạ, cao điểm gây hại trên lá xung quanh tiết Vũ thủy – Kinh trập. Đặc biệt lưu ý trên các giống mẫn cảm như: Thiên ưu 8, ADI168, Thái xuyên 111, LP5, Hương Bình, ND502, HN6.
– Rầy nâu – rầy lưng trắng: khả năng phát sinh gây hại từ giai đoạn lúa làm đòng đến chắc xanh. Từ 10/4 trở đi, rầy gây hại với mật độ cao, diện phân bố rộng và có thể gây cháy trên diện rộng, nhất là những vùng không chủ động nước, gieo cấy dày.
– Sâu cuốn lá nhỏ: thường gây hại vào cuối vụ, trên những chân ruộng gieo cấy muộn, ruộng xanh tốt, ruộng ven làng.
– Sâu đục thân hai chấm: Gây hại trong suốt thời kỳ sinh trưởng của lúa (kể cả giai đoạn mạ), thích hợp trong điều kiện ấm, nóng và ẩm độ cao. Vụ xuân, sâu đục thân phát sinh 2 lứa/vụ, trong đó sâu lứa 2 gây hại vào giai đoạn lúa làm đòng – trổ bông, có thể ảnh hưởng trực tiếp đến năng suất cuối vụ.
– Bệnh đốm nâu: Bệnh thường xuất hiện ở những vùng đất nghèo chất dinh dưỡng (đất phèn, đất cát ven chân núi, ngập úng hay khô hạn), cây lúa bị thiếu nước, khả năng hút dinh dưỡng của bộ rễ kém, cây lúa sinh trưởng phát triển chậm, cao điểm gây hại vào giai đoạn lúa đứng cái – làm đòng.
– Bệnh khô vằn: Xuất hiện trong điều kiện thời tiết nóng ẩm, nắng mưa xen kẽ, ẩm độ không khí cao, trên những chân ruộng sâu trũng, bón phân không cân đối, bón thừa đạm, thiếu kali, gieo cấy dày. Cao điểm gây hại của bệnh vào giai đoạn lúa làm đòng – trỗ đến chín sáp.
– Bệnh lùn sọc đen Phương Nam: Là bệnh do virus gây ra, môi giới truyền bệnh là rầy lưng trắng. Bệnh thể hiện triệu chứng điển hình từ giai đoạn phân hóa đòng, tuy nhiên mẫn cảm nhất là từ giai đoạn mạ đến đẻ nhánh rộ.
– Chuột: Chuột gây hại trong suốt thời gian sinh trưởng của cây lúa, hại nặng trên những diện tích gần làng, gò đồi, kênh mương lớn.
2. Cây lạc
– Sâu xanh, sâu khoang: Cao điểm gây hại từ cuối tháng 3 đến hết tháng 4 vào thời kỳ lạc ra hoa, đâm tia – phát triển quả.
– Bệnh héo rũ gốc mốc đen, mốc trắng, mốc xám: Bệnh phát sinh phát triển mạnh trong điều kiện nhiệt độ cao, ẩm ướt, cây sinh trưởng kém, đặc biệt những vùng canh tác độc canh, đất cát thô bệnh gây hại nặng. Bệnh héo rũ gốc mốc đen, mốc trắng thường gây hại từ cuối tháng 2 đến đầu tháng 3, vào giai đoạn lạc 2-3 lá đến phân cành.
3. Cây ngô
– Sâu keo mùa thu: Là đối tượng nguy hiểm gây hại trong suốt quá trình sinh trưởng, phát triển của cây ngô, gây hại nặng vào giai đoạn từ cây con đến xoáy nõn. Sâu cắn phá bộ lá, nõn cây làm giảm khả năng sinh trưởng, giảm năng suất.
– Sâu xám: Gây hại chủ yếu ở giai đoạn cây con (từ lúc mọc đến 4-5 lá), sâu đục vào bên trong ruột cây làm cho cây bị héo lá đọt và chết. Sâu thường gây hại từ tháng 10 đến tháng 4 năm sau, cao điểm gây hại từ tháng 12 đến tháng 2 năm sau.
– Sâu đục thân, đục bắp: Gây hại từ giai đoạn ngô có từ 7 – 9 lá đến khi ngô thu hoạch, cao điểm gây hại vào giai đoạn trổ cờ đến khi hình thành bắp.
– Rệp cờ: Rệp tích lũy số lượng từ giai đoạn 7-9 lá, cao điểm gây hại từ giai đoạn trỗ cờ – phun râu trở đi, rệp hút nhựa ở nõn, bẹ lá, bông cờ, … làm cây ngô sinh trưởng, phát triển kém, thân nhỏ, bắp bé.
4. Trên cây ăn quả:
– Sâu vẽ bùa, sâu nhớt, sâu xanh bướm phượng: Sâu gây hại quanh năm, tuy nhiên tập trung gây hại mạnh vào các đợt lộc.
– Bệnh loét: Trong điều kiện thời tiết mưa ẩm, ẩm độ cao, nhiệt độ 26 – 350C bệnh phát triển mạnh. Tuổi cây càng non càng dễ bị nhiễm bệnh nặng, nhất là ở vườn ươm cây giống.
– Bệnh nứt thân xì mủ, vàng lá thối rễ: gây hại trên những vườn canh tác lâu năm, thường xuyên bị ngập úng, mật độ trồng dày, ít được bón phân hữu cơ. Bệnh có xu hướng phát triển mạnh hơn trong điều kiện thời tiết mưa nhiều, khoảng nhiệt độ từ 16 – 320C, ẩm độ không khí cao.
– Nhóm nhện: phát sinh gây hại mạnh trong điều kiện thời tiết nóng và ẩm.
T.A