Nhận thấy loài cà cuống ở vùng quê dần biến mất, chị Lê Thị Thơ (xã Mai Phụ, Lộc Hà, Hà Tĩnh) đã tìm hiểu và nuôi thành công loại côn trùng đặc biệt này.
Video: Mô hình nuôi cà cuống ở xã Mai Phụ
Chia sẻ về cơ duyên đến với nghề nuôi cà cuống, chị Lê Thị Thơ (SN 1995, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất và đầu tư HT) cho biết: “Tôi sinh ra và lớn lên vùng cửa biển Lộc Hà, thế nên trước đây thường được thưởng thức món ăn cà cuống. Cà cuống được chế biến thành nhiều món ngon nhưng có giá trị cao và bổ dưỡng nhất vẫn là tinh dầu. Tinh dầu cà cuống thì không có một loại tinh dầu hay hương vị nào có thể trộn lẫn, thay thế được.
Thời gian qua, môi trường sống có nhiều thay đổi, cà cuống hoang dã cũng dần biến mất trong tự nhiên. Người nào đã từng thưởng thức món ăn này giờ muốn tìm lại hương vị thì không phải dễ. Với lợi thế về sản xuất nước mắm, tôi đã trằn trọc nhiều đêm không ngủ, để rồi đi đến quyết định: nuôi cà cuống để sản xuất ra loại nước mắm mang hương vị đặc sắc vùng cửa biển”.
Chị Lê Thị Thơ – người mạnh dạn đầu tư nuôi loài côn trùng đặc biệt này.
Nghĩ là làm, chị Lê Thị Thơ đã cũng chồng nhiều tháng liền ra Bắc vào Nam để tham quan, học hỏi các mô hình, nghiên cứu các kỹ thuật để nuôi cà cuống.
Đến tháng 8/2022, chị Thơ và chồng bắt tay vào việc nuôi loài côn trùng đặc biệt này, thế nhưng những kiến thức học được chưa đủ để áp dụng nuôi thành công cà cuống. Liên tiếp 3 lần thất bại khiến gia đình chị mất đi khoản kinh tế khá lớn. “Đã có lúc tôi nghĩ, có lẽ mảnh đất quê mình nắng gió khắc nghiệt nên không thể nuôi được loài cà cuống…”, chị Thơ chia sẻ.
Loài cà cuống thích hợp khí hậu ở vùng đất Hà Tĩnh, nên sinh trưởng rất tốt.
Nhưng với quyết tâm cao, không lùi bước trước thất bại, vợ chồng chị Thơ lại tiếp tục mày mò, học hỏi để tiếp tục nuôi loài cà cuống. Đúc rút kinh nghiệm từ những lần thất bại trước, đến lần nuôi thứ 4 thì thành công đã đến với gia đình chị Thơ.
Đầu năm 2023, chị Thơ đã bắt đầu bán lứa cà cuống đầu tiên và được người tiêu dùng tiếp nhận tích cực; giá thành cao, vượt ngoài mong đợi, với 1 ổ trứng cà cuống có giá bán 200 nghìn đồng; 1 con cà cuống thương phẩm có giá từ 40-60 nghìn đồng và 200-250 nghìn đồng/cặp cà cuống giống…
Được biết, lúc đầu cà cuống được gia đình chị Thơ dùng để chế biến nước mắm truyền thống nhằm tạo ra loại nước mắm có hương vị đặc sắc. Nhưng, sau đó chị chuyển sang chủ yếu bán cà cuống giống và cà cuống thương phẩm cho người dân nhiều tỉnh thành khác nhau: Nghệ An, Hưng Yên, Quảng Nam…
Mô hình nuôi cà cuống của chị Thơ có diện tích 400m2.
Theo chị Thơ, cà cuống là loài sinh sản nhanh với số lượng lớn và đẻ trứng quanh năm. Mỗi tháng có thể sinh sản 1 đến 2 lần, tỷ lệ nở con thành công đạt gần 100%.
Từ khi nở đến khi xuất bán cà cuống thương phẩm chỉ mất khoảng 40 ngày, còn nuôi để sinh sản mất khoảng 1 năm. Hiện nay, cơ sở của chị Thơ có diện tích 400m2, với 200 cặp giống, hàng trăm ổ trứng, hàng nghìn con cà cuống con và cà cuống thương phẩm.
Từ tháng 8/2022 đến tháng 8/2023, tổng doanh thu từ việc bán nước mắm, con giống và cà cuống thương phẩm của doanh nghiệp chị Thơ làm chủ là khoảng 1 tỷ đồng; tạo việc làm cho 7 lao động chính và thời vụ với mức lương từ 3-6 triệu đồng/tháng.
Nuôi cà cuống có thể thu lợi ngay từ những ổ trứng có giá trị kinh tế rất cao.
Chị Thơ cho biết: “Cà cuống là loài côn trùng dưới nước, đặc biệt rất thích hợp với thời tiết nắng nóng, thức ăn dễ tìm như các loài cá nhỏ, ếch nhái còn sống. Chỉ cần để ý tránh xa các loại thuốc trừ sâu và nguồn nước không bị ô nhiễm, điều chỉnh lượng chức ăn theo chu kỳ sinh trưởng là cà cuống có thể phát triển nhanh chóng.”
Cũng theo chị Thơ, để tiếp tục phát triển, mở rộng nghề nuôi cà cuống, thời gian tới rất mong các cấp chính quyền, đoàn thể hỗ trợ, giúp đỡ để mở rộng diện tích trang trại và khu chế xuất nước mắm cà cuống của gia đình. Có như vậy mới ổn định được nguồn cung, hướng tới mở rộng thị trường tiêu thụ trong nước và xuất khẩu ra nước ngoài; tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động địa phương.
Nước mắm được chế biến từ tinh dầu cà cuống có giá trị cao, với giá 1 lít 400 nghìn đồng.
Anh Đặng Thái Sơn – Bí thư Huyện đoàn Lộc Hà cho biết: “Cơ sở nuôi cà cuống, kết hợp sản xuất nước mắm truyền thống của chị Lê Thị Thơ là mô hình tiêu biểu của Huyện đoàn. Hiện, chúng tôi đang cùng với chị Thơ làm hồ sơ tham gia cuộc thi “Ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo thanh niên tỉnh Hà Tĩnh năm 2023”. Đây là mô hình thực chất, có hiệu quả kinh tế cao, rất thích hợp khí hậu và địa hình của địa phương nên dễ nhân rộng và phát triển tốt”.
Vũ Huyền