Sau nhiều vụ nuôi thất bại, anh Nguyễn Viết Khánh (SN 1976, ở xã Đan Trường, Nghi Xuân, Hà Tĩnh) đã mạnh dạn đầu tư gần 4 tỷ đồng nuôi tôm công nghệ khép kín trong nhà màng, bước đầu cho thấy nhiều triển vọng.
Mô hình nuôi tôm công nghệ khép kín trong nhà màng của anh Khánh có diện tích gần 5ha.
Trước khi biết đến công nghệ nuôi tôm mới này, anh Nguyễn Viết Khánh đã có hơn chục năm gắn bó với nghề nuôi tôm công nghệ cao trên cát. Anh Khánh chia sẻ: “Trước đây, nuôi tôm không mang lại hiệu quả cao do không quản lý được môi trường ao nuôi. Vào mùa mưa bão, gặp những trận mưa lớn, tôm bị “sốc” nhiệt chết hàng loạt, thiệt hại nặng nề. Sau khi tham quan, học hỏi, tháng 9/2022, tôi mạnh dạn đầu tư số tiền gần 4 tỷ đồng nuôi tôm công nghệ khép kín trong nhà màng để hạn chế rủi ro do thời tiết, dịch bệnh cũng như chủ động được thời vụ”.
Mô hình có tổng diện tích gần 5 ha, trong đó chia thành 7 bể tròn nổi khung thép có mái che, mỗi bể rộng chừng 700m2. Phía trong nhà nuôi tôm được đầu tư hệ thống sục khí nhằm cung cấp đủ ôxy trong quá trình nuôi cùng hệ thống lọc nước tuần hoàn.
Tôm nuôi đạt kích cỡ 40 – 50 con/kg thì tiến hành thu hoạch.
Tháng 12/2022, anh Khánh tiến hành nuôi thử nghiệm vụ đầu tiên trong nhà. Vụ này anh thận trọng thả giống với số lượng ít để theo dõi quá trình phát triển của tôm. Tuy nhiên, do còn thiếu kinh nghiệm cùng nhiều yếu tố khác, vụ tôm này, mô hình bị thiệt hại hơn 300 triệu đồng.
Rút kinh nghiệm, anh tiếp tục thả gần 1 triệu con tôm giống trong vụ hè thu năm 2023. Nhờ nuôi với mật độ thấp, từ 10 – 15 vạn/bể, cộng với tuân thủ các yếu tố về quy trình kỹ thuật nên vụ nuôi này anh thắng lớn. Với sản lượng đạt 14 tấn, doanh thu hơn 1 tỷ đồng, trừ chi phí, anh lãi gần 700 triệu đồng (sau gần 4 tháng thả nuôi).
Theo anh Khánh, tôm là loài nhạy cảm với thời tiết, dễ dịch bệnh, nhất là giai đoạn đầu nên việc nuôi trong nhà kín đảm bảo “sức khỏe” trong giai đoạn này là yếu tố quyết định thắng lợi của vụ nuôi. Thời tiết Hà Tĩnh khá khắc nghiệt nên nuôi tôm trong nhà có mái che giúp ổn định nguồn nước vào mùa đông, còn mùa hè có lưới lan đảm bảo độ thoáng khí.
Thời điểm này, anh Khánh đang tập trung chăm sóc tôm nuôi vụ đông. Đây là vụ nuôi khó nhưng mang lại giá trị kinh tế cao. Sau những trận mưa lớn vừa qua, nhờ có mái che nên vụ nuôi này không bị ảnh hưởng, tôm đã đạt kích cỡ 80 – 90 con/kg, dự kiến gần 2 tháng sau sẽ cho thu hoạch.
“Để nuôi tôm thành công, ngoài đầu tư cơ sở hạ tầng, ứng dụng công nghệ tiên tiến thì chất lượng con giống, tuân thủy quy trình phòng ngừa dịch bệnh, kỹ thuật chăm sóc là yếu tố quan trọng nhất. Đặc biệt, nuôi tôm trong nhà màng có ưu thế hơn hẳn so với nuôi ngoài trời nhờ việc xử lý nguồn nước, khống chế được yếu tố bất lợi của thời tiết, giảm thiểu dịch bệnh, đảm bảo khâu thu gom chất thải” – anh Nguyễn Viết Khánh chia sẻ thêm.
Anh Lê Bá Thuận ở huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế tham quan mô hình.
Mô hình nuôi tôm trong nhà của anh Nguyễn Viết Khánh đang thu hút người dân trong và ngoài tỉnh đến tham quan, học hỏi. Anh Lê Bá Thuận ở huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết: “Tôi đang nuôi 4 ha tôm theo phương pháp ngoài trời nhưng rất bấp bênh, mất nhiều hơn được. Biết được mô hình của anh Nguyễn Viết Khánh, tôi đã đến tìm hiểu để đầu tư nuôi tôm trong nhà màng. Qua quan sát cho thấy, mô hình này phù hợp điều kiện thời tiết tại một số tỉnh Bắc miền Trung để hạn chế đến mức thấp nhất tác động xấu của yếu tố bên ngoài đến tôm nuôi”.
Mô hình nuôi tôm công nghệ khép kín trong nhà màng của anh Nguyễn Việt Khánh là giải pháp công nghệ mới, giúp người nuôi ứng phó phần nào trước sự biển đổi khó lường của thời tiết, đồng thời nâng cao hiệu quả trên một diện tích. Tuy nhiên, các doanh nghiệp và người nuôi tôm cần nghiên cứu kỹ quy trình, kỹ thuật nuôi khi áp dụng mô hình này một cách phù hợp nhằm tránh rủi ro trong sản xuất.
Ông Lê Anh Đức
Phó Trưởng phòng NN&PTNT huyện Nghi Xuân
Hữu Trung