Trên hành trình xây dựng nền nông nghiệp hữu cơ của Hà Tĩnh, Công ty CP Tập đoàn Quế Lâm đã đồng hành cùng bà con triển khai các mô hình liên kết sản xuất và bước đầu cho hiệu quả.
Vụ hè thu 2023, Tổ hợp tác sản xuất gạo hữu cơ thôn Vân Cửu (xã Khánh Vĩnh Yên) liên kết với Tập đoàn Quế Lâm thử nghiệm sản xuất lúa theo hướng hữu cơ trên diện tích 2 ha.
Thời gian qua, trên địa bàn Hà Tĩnh đã hình thành nhiều mô hình sản xuất hữu cơ và theo hướng hữu cơ, trong đó Công ty CP Tập đoàn Quế Lâm (Tập đoàn Quế Lâm – Thừa Thiên Huế) là đơn vị tiên phong, đồng hành chia sẻ kinh nghiệm, kỹ thuật và liên kết sản xuất chăn nuôi, trồng trọt cùng người dân.
Hiện nay, Tập đoàn Quế Lâm đã triển khai mô hình gieo cấy hữu cơ và theo hướng hữu cơ tại 6 huyện: Vũ Quang, Can Lộc, Hương Sơn, Cẩm Xuyên, Kỳ Anh với tổng diện tích 500 ha (sử dụng phân hữu cơ Quế Lâm), trong đó diện tích gieo cấy 100% phân giống và quy trình Quế Lâm là 70 ha.
Bà Nguyễn Thị Hiếu – thành viên trực tiếp thành lập mô hình tổ hợp tác sản xuất gạo hữu cơ thôn Vân Cửu, xã Khánh Vĩnh Yên (Can Lộc) cho biết: “Với mục đích sản xuất lúa an toàn, chất lượng cao, Tổ hợp tác sản xuất gạo hữu cơ thôn Vân Cửu được thành lập năm 2022 và chúng tôi đã được Hội LHPN huyện Can Lộc tổ chức cho đi tham quan, học tập tại các mô hình sản xuất hữu cơ của Tập đoàn Quế Lâm. Vụ hè thu 2023, tổ hợp tác thực hiện thử nghiệm sản xuất lúa hữu cơ liên kết với Tập đoàn Quế Lâm trên diện tích 2 ha. Đến vụ xuân 2024, tổ hợp tác đã nhân rộng ra 5 ha sản xuất hữu cơ và 15 ha theo hướng hữu cơ. Ngoài ra, trên địa bàn huyện có thêm 3 xã khác cũng đã vận động bà con sản xuất theo mô hình này”.
Toàn tỉnh hiện có 12 hộ liên kết với Tập đoàn Quế Lâm chăn nuôi lợn hữu cơ an toàn sinh học.
Cùng đó, đến nay có 12 hộ chăn nuôi lợn hữu cơ an toàn sinh học trên địa bàn tỉnh đang liên kết với Tập đoàn Quế Lâm với tổng 65 con nái và 1.300 con lợn thịt. Theo đánh giá, đàn lợn phát triển tốt, các hộ chăn nuôi đều có vườn rau, chuối, gắn kết chăn nuôi với trồng trọt, tạo ra các mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ tuần hoàn, chấp hành nghiêm túc quy trình sản xuất, không xảy ra sự cố rủi ro. Gắn sản xuất với tiêu thụ nông sản, đến này nhiều của hàng tiêu thụ nông sản hữu cơ Quế Lâm đã được hình thành tại Hà Tĩnh, góp phần mang đến cho người tiêu dùng các sản phẩm nông sản an toàn.
Ông Trương Xuân Hà – chủ cửa hàng nông sản an toàn tại TP Hà Tĩnh cho biết: “Cùng với liên kết chăn nuôi lợn với Tập đoàn Quế Lâm, mới đây, chúng tôi đã khai trương cửa hàng nông nghiệp thực phẩm an toàn, giới thiệu và cung cấp cho người tiêu dùng các sản phẩm sạch, đặc biệt là thịt lợn hữu cơ Quế Lâm, các sản phẩm chế biến từ nguyên liệu và công nghệ của Tập đoàn Quế Lâm như: ram cuốn, xúc xích, chả cây…”.
Khách hàng tìm hiểu mua thịt lợn hữu cơ Quế Lâm tại cửa hàng nông nghiệp thực phẩm an toàn Ngân Hà.
Kế hoạch năm 2024, Tập đoàn Quế Lâm tiếp tục phát triển các mô hình sản xuất hữu cơ, trong đó, mở rộng thêm 203 ha lúa sản xuất hữu cơ và hướng hữu cơ tại 6 huyện, nhân rộng mô hình mạ khay máy cấy và xử lý ruộng bằng men vi sinh hữu hiệu, tăng cường các dịch vụ bảo quản xay xát chế biến lúa gạo tại xã Cẩm Vịnh (Cẩm Xuyên); mở rộng thêm gần 100 ha trồng dưa hấu, cam, ổi và 8,5 ha trồng ngô, đậu tương; hình thành vùng nguyên liệu sản xuất thức ăn gia súc hữu cơ.
Trên lĩnh vực chăn nuôi, công ty phấn đấu đến năm 2025 nâng số lượng lợn nái tại Hà Tĩnh lên 162 con, hằng năm cung cấp hơn 2.000 con lợn thịt. Cùng đó, nâng cao chất lượng giống của đàn lợn nái, ứng dụng bột nhộng ruồi lính đen thay thế hoàn toàn bột cá để giảm tiêu tốn thức ăn và ứng dụng công nghệ vi sinh cho các phương thức chăn nuôi thông thường hiện nay…
UBND huyện Lộc Hà và Công ty CP Tập đoàn Quế Lâm tkết chương trình hợp tác về xây dựng và phát triển nông nghiệp hữu cơ vào tháng 5/2023.
Ông Nguyễn Hồng Lam – Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Quế Lâm khẳng định: “Tập đoàn Quế Lâm sẽ tiếp tục đồng hành tuyên truyền vận động nâng cao nhận thức cho cán bộ và Nhân dân trong sản xuất và tiêu dùng nông sản hữu cơ; hướng dẫn, đào tạo về kỹ thuật trong trồng trọt và chăn nuôi hữu cơ cho người dân; nhân rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ theo chuỗi liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm”.
Theo ông Nguyễn Quang Thọ – Phó Giám đốc Sở NN&PTNT: “Phát triển nông nghiệp hữu cơ là xu hướng tất yếu của nền nông nghiệp. Hiện nay, Hà Tĩnh đã có nhiều mô hình sản xuất hữu cơ và theo hướng hữu cơ, trong đó Tập đoàn Quế Lâm có các mô hình sản xuất lúa, cây ăn quả, chăn nuôi lợn. Các mô hình đều duy trì và phát triển, đây là kết quả đáng mừng đối với ngành nông nghiệp của tỉnh. Hà Tĩnh cũng đang xây dựng Đề án Nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2023 – 2030, sắp tới, đề nghị các địa phương quan tâm triển khai đề án, chỉ đạo hình thành các cửa hàng giới thiệu sản phẩm nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ; tuyên truyền nâng cao nhận thức cho các cấp, ngành, người sản xuất và nông dân trong sản xuất và sử dụng các sản phẩm hữu cơ”.
Trên địa bàn Hà Tĩnh hiện đã hình thành 60 mô hình sản xuất theo hướng hữu cơ tại các địa phương, trong đó có 47 mô hình sản xuất lúa, rau củ quả trên địa bàn 10 huyện, thị xã, thành phố với tổng diện tích là 421,13 ha (gồm sản xuất hữu cơ và theo hướng hữu cơ) và 13 mô hình chăn nuôi lợn theo hướng hữu cơ. |
Khánh Ngọc