Thời điểm này, các doanh nghiệp Hà Tĩnh đang đẩy mạnh hoạt động sản xuất – kinh doanh nhằm hoàn thành kế hoạch của năm 2023.
Video: Hoạt động sản xuất – kinh doanh của doanh nghiệp Hà Tĩnh
Hơn 8 tháng năm 2023, Công ty CP Dược Hà Tĩnh (TP Hà Tĩnh) mới chỉ sản xuất đạt doanh thu 270 tỷ đồng, bằng 80% so với cùng kỳ năm 2022 và bằng 60% kế hoạch cả năm 2023 (kế hoạch doanh thu năm 2023 của công ty là 450 tỷ đồng). Đối mặt với khó khăn về thị trường tiêu thụ, sức mua giảm, đầu tháng 9/2023, Công ty CP Dược Hà Tĩnh đã họp bàn triển khai nhiều giải pháp để tăng tốc sản xuất – kinh doanh chặng nước rút.
Ông Võ Đức Nhân – Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Dược Hà Tĩnh cho biết: “Lãnh đạo công ty nhận định sang quý IV, thời tiết thay đổi nên dịch bệnh sẽ gia tăng. Vì thế, chúng tôi đang tập trung đẩy mạnh sản xuất các sản phẩm mùa vụ như: giảm đau, chống viêm, trị cảm cúm… Song song với việc phấn đấu hoàn thành kế hoạch năm 2023, công ty cũng đang chạy đà để chuẩn bị cho kế hoạch sản xuất – kinh doanh của năm sau”.
Công ty CP Dược Hà Tĩnh đẩy mạnh sản xuất những tháng cuối năm
Theo đó, Công ty CP Dược Hà Tĩnh vừa chốt hợp đồng đầu tư dây chuyền thuốc nhỏ mắt, mũi, tai trị giá 15 tỷ đồng và nâng cấp một số dây chuyền với tổng trị giá hơn 15 tỷ đồng để cải tiến kỹ thuật, nâng cao chất lượng sản phẩm. Năm 2023, Công ty CP Dược Hà Tĩnh cũng nghiên cứu, cho ra 20 sản phẩm mới; trong đó có nhiều sản phẩm được cải tiến dựa trên nền sản phẩm cũ để khắc phục nhược điểm và thu hút khách hàng.
Trong những tháng còn lại của năm, Công ty CP Dược Hà Tĩnh sẽ tiếp tục đầu tư cho khoa học kỹ thuật, nghiên cứu sản phẩm, đẩy mạnh chuyển đổi số để nâng cấp quy trình sản xuất và quản lý nhằm tăng tốc chặng cuối năm đạt hiệu quả cao nhất.
Cũng đang đẩy mạnh hoạt động trong những tháng cuối năm, thời điểm này, Công ty CP Tập đoàn bia rượu và nước giải khát Sao Vàng – SAVABECO (TX Hồng Lĩnh) đang triển khai 3 ca sản xuất/ngày để đảm bảo cung cấp nguồn hàng cho các đại lý.
Năm đầu tiên ra thị trường, Sao Vàng – SAVABECO gặp rất nhiều khó khăn khi phải chịu sự cạnh tranh gay gắt của các thương hiệu lớn. Trong khi đó, công ty chủ yếu nhập khẩu nguyên liệu sản xuất từ Ukraine – nơi đang xảy ra xung đột vũ trang nên giá nguyên liệu tăng cao.
SAVABECO chủ động nguồn hàng để phục vụ thị trường những tháng cuối năm
Ông Phạm Xuân Lộc – Phó Giám đốc SAVABECO cho biết: “Chúng tôi tập trung đẩy mạnh quảng cáo thông qua nhiều kênh để tiếp cận thị trường rộng rãi hơn. Công ty cũng đang hoàn thiện dây chuyền để nâng công suất sản xuất của nhà máy lên 100 triệu lít/năm và nâng cao chất lượng sản phẩm. Để giảm chi phí, giảm giá thành, công ty tận dụng nguồn nước thiên nhiên và nguồn năng lượng mặt trời tái tạo. Còn ít tháng nữa là đến tết, công ty cũng đang xây dựng kế hoạch sản xuất vì đây là thời điểm tăng tiêu thụ hàng tiêu dùng”.
Với doanh nghiệp sản xuất hàng dệt may, 4 tháng cuối năm là thời điểm hết sức khó khăn khi đơn hàng đến “nhỏ giọt”. Tại Công ty CP Sản xuất đầu tư và thương mại TAAD Hà Tĩnh (TP Hà Tĩnh), đến thời điểm này, công ty mới chỉ sản xuất được 80% so với kế hoạch cả năm.
“Kết quả sản xuất kinh doanh thấp nên chúng tôi đang nỗ lực mở rộng thị trường, tìm kiếm đơn hàng. Ngoài đơn hàng xuất khẩu, lãnh đạo công ty đang xúc tiến hợp tác với một số nhà máy trong nước để nhận hàng gia công, giúp công nhân có thêm việc làm và cũng để hoàn thành kế hoạch sản xuất của năm 2023”, ông Hồ Văn Cát – Phó Giám đốc Công ty CP Sản xuất đầu tư và thương mại TAAD Hà Tĩnh chia sẻ.
Dây chuyền sản xuất của Công ty CP Sản xuất đầu tư và thương mại TAAD Hà Tĩnh
Không chỉ tăng tốc sản xuất để hoàn thành kế hoạch của năm 2023, hiện nay, các doanh nghiệp trên địa bàn Hà Tĩnh cũng đang nỗ lực tiếp cận thị trường, tìm kiếm đối tác nhằm “chạy đà” cho sản xuất năm 2024. Theo các doanh nghiệp, kinh tế thế giới và trong nước đang có sự phục hồi mạnh mẽ trong những tháng cuối năm. Đây sẽ là động lực để doanh nghiệp Hà Tĩnh đẩy mạnh sản xuất – kinh doanh.
Phan Trâm – Lê Tuấn