Chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch, Tài chính và Kiểm toán của Quốc hội nước CHDCND Lào và đoàn công tác ấn tượng trước những dự án đầu tư quy mô tại Hà Tĩnh và đặc biệt phấn khởi khi hệ thống bến cảng của Công ty CP Cảng quốc tế Lào – Việt được quy hoạch hiện đại, đầu tư bài bản.
Tiếp tục chương trình làm việc tại Hà Tĩnh, sáng 26/1, đoàn công tác Ủy ban Kế hoạch, Tài chính và Kiểm toán của Quốc hội nước CHDCND Lào do đồng chí Leeber Leebouapao – Chủ nhiệm Ủy ban làm trưởng đoàn đi dâng hương tại Khu di tích Cố Tổng Bí thư Hà Huy Tập (huyện Cẩm Xuyên) và tham quan Khu Kinh tế Vũng Áng (thị xã Kỳ Anh). Tiếp đoàn, về phía Quốc hội Việt Nam có đồng chí Vũ Tuấn Anh – Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội; về phía Hà Tĩnh có Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Trần Đình Gia, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Trần Văn Kỳ. |
Đoàn dâng hương tại Khu lưu niệm Tổng Bí thư Hà Huy Tập.
Đặt vòng hoa, dâng hương tại Khu di tích Cố Tổng Bí thư Hà Huy Tập, đồng chí Leeber Leebouapao và đoàn công tác nguyện quyết tâm phát triển tình hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện Lào – Việt Nam mãi mãi xanh tươi, đời đời bền vững.
Tiếp đó, đoàn đến tham quan Công ty TNHH gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh, Nhà máy Pin VinES Hà Tĩnh và Công ty cổ phần Cảng quốc tế Lào – Việt.
Tại các điểm đến, đoàn được nghe đại diện các đơn vị thông tin về tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh, an sinh xã hội, bảo vệ môi trường, đóng góp ngân sách…
Tại Công ty TNHH gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh, đoàn đến tham quan khu sinh thái…
Công ty TNHH gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh có 3 hạng mục chính: Nhà máy gang thép khép kín, cảng Sơn Dương và nhà máy điện trên tổng diện tích 3.318 ha. Tổng số vốn đầu tư gần 12.8 tỷ USD. Toàn bộ hạng mục công trình giai đoạn I với 2 lò cao sản lượng 7 triệu tấn phôi thép/năm đều đã hoàn thành vào năm 2020.
Hiện tại số lượng cán bộ, công nhân viên khoảng 6.400 người (nhân viên người Việt khoảng 5.900 người), công nhân nhà thầu khoảng 5.100 người, trực tiếp tạo cơ hội việc làm cho trên 11.000 người.
Năm 2023, sản lượng phôi thép đạt hơn 5,7 triệu tấn, lượng tiêu thụ sản phẩm thép hơn 6,1 triệu tấn, doanh thu hơn 3.9 tỷ USD. Công ty đã đóng nộp thuế khoảng 330 triệu USD.
Đoàn tham quan cảng Sơn Dương.
Cảng Sơn Dương đã đón 941 lượt tàu ra vào cảng, lượng bốc dỡ hơn 24 triệu tấn. Từ khi xây dựng nhà máy đến nay, tổng kinh phí thực hiện các hoạt động công ích xã hội gần 158 tỷ đồng.
Đoàn đến tham quan Nhà máy sản xuất Pin VinES.
Nhà máy sản xuất Pin VinES có tổng vốn đăng ký trên 3.784 tỷ đồng, khởi công xây dựng từ tháng 12/2021 và chính thức đi vào hoạt động từ tháng 7/2023; đến nay đã sản xuất thương mại hơn 1.300 pack pin hoàn chỉnh. Nhà máy sử dụng công nghệ tiên tiến theo tiêu chuẩn của Mỹ và châu Âu, tự động cao trên 80%, là nhà máy sản xuất pin hiện đại nhất Việt Nam, công suất 100.000 pack pin/năm. Nhà máy đang tạo việc làm cho 150 lao động.
Video: Hệ thống robot tự hành vận chuyển hàng hóa trong Nhà máy sản xuất Pin VinES.
Ngày 24/5/2011, Công ty CP Cảng Vũng Áng Việt – Lào được thành lập với 4 cổ đông, trong đó, Công ty liên hợp Lào phát triển cảng Vũng Áng (CHDCND Lào) chiếm 20% vốn điều lệ. Ngày 15/12/2017, Công ty CP Cảng Vũng Áng Việt – Lào được đổi tên thành Công ty CP Cảng quốc tế Lào – Việt. Để hỗ trợ Lào phát triển lâu dài, Việt Nam đã tạo điều kiện để nước bạn sử dụng bến cảng Vũng Áng 1, 2, 3.
Đoàn đến tham quan Công ty CP Cảng Vũng Áng Việt – Lào.
Trong đó, bến cảng số 1 đã đi vào hoạt động từ năm 2001, bến cảng 2 từ năm 2008 với sản lượng hàng hóa thông qua 2 bến cảng đạt 3,5 triệu tấn/năm. Bến cảng 3 với tổng mức đầu tư gần 1.000 tỷ đồng, được thiết kế với công suất hàng hóa thông qua khoảng gần 2 triệu tấn/năm, năng lực đón tàu đến 45.000 DWT đang được tập trung xây dựng, hoàn thiện và dự kiến đi vào hoạt động trong năm 2024.
Năm 2023, tổng lượng hàng hóa qua các bến cảng đạt khoảng 4 triệu tấn gồm hàng hóa xuất khẩu, xuất khẩu; đặc biệt hàng hóa quá cảnh của nước Lào chiếm từ 30-40%.
Qua tham quan, đồng chí Leeber Leebouapao và đoàn công tác ấn tượng trước những dự án đầu tư quy mô tại Hà Tĩnh và đặc biệt phấn khởi khi hệ thống bến cảng của Công ty CP Cảng quốc tế Lào – Việt được quy hoạch hiện đại, đầu tư bài bản. Qua đó, vừa góp phần nâng cao giá trị kinh tế, thương mại, vừa có ý nghĩa quan trọng về mặt chính trị, vun đắp mối quan hệ hữu nghị đặc biệt giữa 2 nước Lào và Việt Nam.
Dương Chiến