Nhằm nâng cao dịch vụ chăm sóc khách hàng và gia tăng hiệu quả trong sản xuất, kinh doanh, Công ty Điện lực Hà Tĩnh đầu tư số hóa từ hồ sơ đến lưới điện.
Lắp đặt công tơ điện tử có gắn thiết bị đo xa là một giải pháp nâng cao độ chính xác trong đo đếm điện năng. Công ty Điện lực Hà Tĩnh hiện quản lý 473.382 công tơ, trong đó có 424.873 công tơ điện tử (chiếm 89,6%/tổng số công tơ toàn công ty).
Đặc biệt, trong số công tơ điện tử có 372.154 công tơ điện tử đã được lắp thiết bị đo xa. Việc sử dụng công tơ điện tử có chức năng đo xa, chỉ số điện năng hằng tháng của khách hàng sẽ tự động chuyển về phần mềm quản lý của các điện lực, vì thế, các chỉ số đảm bảo độ chính xác cao.
12 trạm biến áp 110kV vận hành theo chế độ không người trực là bước chuyển đổi số mạnh mẽ trong công tác điều hành của ngành điện Hà Tĩnh.
Ở lĩnh vực kinh doanh và dịch vụ khách hàng, Công ty Điện lực Hà Tĩnh còn tập trung số hóa trong cung cấp dịch vụ điện bằng phương thức điện tử. Lũy kế đến nay, công ty cung cấp 10.893 dịch vụ điện trực tuyến đạt cấp độ 4 (đạt tỷ lệ thực hiện 100% tổng số yêu cầu cung cấp dịch vụ), hướng đến việc cung cấp các dịch vụ điện ngày càng công khai, minh bạch.
Ngoài ra, doanh nghiệp đã thực hiện số hóa 100% hợp đồng mua bán điện, triển khai hóa đơn điện tử đối với 100% khách hàng, giúp khách hàng tiện tham gia, theo dõi, giám sát.
Trong lĩnh vực quản lý kỹ thuật – vận hành, ngành điện chú trọng xây dựng hạ tầng lưới điện thông minh vận hành trên nền tảng số. Đến nay, 12 trạm biến áp 110kV trên địa bàn vận hành theo chế độ không người trực là bước chuyển đổi số mạnh mẽ trong công tác điều hành của Công ty Điện lực Hà Tĩnh.
Cán bộ Trung điều khiển xa (Điện lực Hà Tĩnh) theo dõi các thông số trên lưới điện qua phần mềm.
Thời gian qua, ngành điện cũng đã triển khai các phần mềm chuyển đổi số hỗ trợ tốt trong công tác kỹ thuật – an toàn như: hệ thống GIS quản lý lưới điện định vị trên bản đồ, phần mềm PMIS quản lý khối lượng đường dây, trạm biến áp và thiết bị trên lưới điện, phần mềm NEMO giúp tính toán tổn thất điện năng trên lưới điện, giám sát an toàn lao động bằng phần mềm ECP… Qua đó, giúp nâng cao năng suất lao động, thuận tiện trong quản lý lưới, giảm tổn thất và nâng cao độ tin cậy cấp điện.
Cụ thể, các chỉ số cung cấp điện như: chỉ số SAIDI (thời gian mất điện trung bình trên 5 phút), SAIFI (số lần mất điện trung bình trên 5 phút), MAIFI (số lần mất điện trung bình dưới 5 phút) của đơn vị hiện giảm nhiều so với trước.
Theo đánh giá, nhờ chú trọng đầu tư số hóa trong mọi lĩnh vực nên hoạt động sản xuất – kinh doanh của Công ty Điện lực Hà Tĩnh ngày càng chuyên nghiệp hóa, đạt hiệu quả; dịch vụ chăm sóc ngày càng nâng cao, đáp ứng sự hài lòng của khách hàng.
Thảo Hiền