Dịch tả lợn châu Phi tại Hà Tĩnh đang diễn biến phức tạp, nguy cơ bùng phát trên diện rộng. Ngành chuyên môn đang tập trung chỉ đạo các địa phương vào cuộc khống chế kịp thời.
Ngành chuyên môn khuyến cáo tất cả các địa phương cần kiểm tra, rà soát lại tình hình dịch bệnh trên địa bàn, tổng đàn nguy cơ, khống chế nhập đàn tại các ổ dịch.
Theo Chi cục Chăn nuôi – Thú y tỉnh, từ ngày 10/11 cho đến 16/11, trên địa bàn tỉnh xuất hiện dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) tại 4 xã trên địa bàn 3 huyện Cẩm Xuyên, Nghi Xuân và Đức Thọ, làm chết và buộc phải tiêu hủy 38 con lợn mắc bệnh.
Với diễn biến phức tạp, mầm bệnh DTLCP tồn tại lâu trong môi trường chăn nuôi có nguy cơ khiến dịch bệnh lây lan trên diện rộng. Trước thực trạng đó, ngành chuyên môn đang chỉ đạo các địa phương tập trung quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch bệnh.
Ông Nguyễn Hữu Thọ – Chủ tịch UBND xã Lâm Trung Thủy, huyện Đức Thọ cho biết: Từ ngày 13 – 16/11, trên địa bàn xuất hiện DTLCP tại 3 hộ chăn nuôi ở các thôn Trung Bắc, Trung Khánh, Trung Đông làm chết và buộc phải tiêu hủy 13 con lợn mắc bệnh.
Hộ chăn nuôi ở xã Lâm Trung Thủy rắc vôi bột để khử trùng chuồng trại
Sau khi phát hiện dịch bệnh, chính quyền địa phương cùng các cơ quan chức năng đã tiến hành lập 4 chốt kiểm soát; cấp 300 lít hóa chất, 2 tấn vôi bột để tiến hành phun tiêu độc khử trùng tại 12 thôn trên địa bàn xã nhằm khống chế, không để dịch lan ra diện rộng…
Sau khi xuất hiện DTLCP tại thôn Thống Nhất, xã Xuân Phổ (buộc phải tiêu hủy 8 con lợn của hộ ông Nguyễn Văn Thế), huyện Nghi Xuân đã công bố dịch trên địa bàn, đồng thời ban hành Công điện số 5026 /CĐ-UBND, ngày 16 tháng 11 năm 2023 về việc tăng cường phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm.
Phun hóa chất tiêu độc khử trùng khu vực chăn nuôi ở xã Xuân Phổ
“Mặc dù dịch bệnh xảy ra tại một hộ chăn nuôi nằm cách biệt ngoài cánh đồng, tuy nhiên, không thể chủ quan lơ là, Trung tâm Ứng dụng khoa học kỹ thuật và bảo vệ cây trồng, vật nuôi huyện đã bố trí cán bộ bám sát cơ sở để hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các biện pháp chủ động phòng, chống dịch bệnh tại các địa phương. Đặc biệt, khoanh vùng các khu vực có nguy cơ dịch bùng phát cao gồm: xã Xuân Hải, xã Đan Trường để phát hiện sớm các ổ dịch và bao vây dập tắt dịch ngay khi còn ở diện hẹp”, ông Phạm Anh Tuấn – Giám đốc Trung tâm cho hay.
Hiện tại các địa phương trên địa bàn huyện Nghi Xuân đang tăng cường công tác tuyên truyền về tình hình, diễn biến dịch bệnh; nâng cao ý thức, trách nhiệm của mỗi hộ, cơ sở chăn nuôi, người hành nghề buôn bán, giết mổ để chủ động thực hiện các giải pháp phòng, chống dịch bệnh; đồng thời hướng dẫn, khuyến cáo người chăn nuôi không tăng đàn, tái đàn khi chưa đảm bảo các điều kiện an toàn dịch bệnh để tránh thiệt hại.
Treo bảng thông báo điểm xuất hiện bệnh dịch tả lợn châu Phi để người dân được biết
Để bảo vệ tổng đàn lợn gần 60.000 con trên địa bàn, huyện Cẩm Xuyên đã thông báo rộng rãi để người dân biết tình hình DTLCP đang xảy ra tại 5 hộ chăn nuôi ở 2 xã Cẩm Dương và Cẩm Quan và chủ động thực hiện các giải pháp phòng, chống ngay tại hộ gia đình; khi có lợn bị bệnh, bị chết cần phải báo với cơ quan thú y hoặc UBND xã, không tự ý bán chạy, không vứt lợn chết ra môi trường; khi nhập đàn cần chọn lợn có nguồn gốc rõ ràng, lợn khỏe mạnh…
Bà Hoàng Thị Ngọc Diệp – Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi – Thú y tỉnh cho rằng: Qua kiểm tra các ổ dịch DTLCP trên địa bàn tỉnh chủ yếu phát sinh tại các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, không đảm bảo an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh… Trong khi đó, do ảnh hưởng của các đợt mưa lớn kéo dài, nhiều địa phương bị ngập lụt; môi trường chăn nuôi ô nhiễm; thời tiết chuyển mùa mầm bệnh nguy hiểm lưu trữ trong môi trường phát tán; sức đề kháng của vật nuôi bị giảm, nguy cơ dịch bệnh phát sinh và lây lan là rất cao.
Lãnh đạo Chi cục Thú y vùng III, Chi cục Chăn nuôi – Thú y tỉnh kiểm tra công tác phòng, chống DTLCP ở huyện Cẩm Xuyên.
Để chủ động phòng ngừa, hạn chế dịch bệnh phát tán lây lan, ngành chuyên môn khuyến cáo tất cả các địa phương cần kiểm tra, rà soát lại tình hình dịch bệnh trên địa bàn, tổng đàn nguy cơ, khống chế nhập đàn tại các ổ dịch.
Đặc biệt, bám sát nội dung chỉ đạo tại Công điện số 1097/CĐ-TTg ngày 16/11/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống DTLCP, quyết tâm không để dịch lan rộng trên địa bàn, nhất là vào thời điểm cuối năm.
Hữu Trung