Phó Trưởng đoàn ĐBQH Hà Tĩnh Trần Đình Gia đề xuất nhiều nội dung quan trọng liên quan đến dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi).
Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 6, sáng 26/10, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội tiến hành thảo luận dự thảo luật Tài nguyên nước (sửa đổi). Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành nội dung phiên họp. |
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải phát biểu tại phiên họp ngày 25/10/2023.
Bày tỏ đồng tình cao các ý kiến góp ý đã được tiếp thu, giải trình và điều chỉnh trong dự thảo luật lần này, Phó Trưởng đoàn ĐBQH Đoàn Hà Tĩnh Trần Đình Gia đề xuất bổ sung trách nhiệm bảo vệ nguồn nước theo pháp luật chuyên ngành; quy định dòng chảy tối thiểu chỉ áp dụng đối với các dự án công trình hồ, đập được sửa chữa nâng cấp và xây dựng mới; xây dựng quy chế phối hợp vận hành giữa các đập, hồ chứa bậc thang trên sông, suối.
Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi).
Thảo luận về hành lang bảo vệ nguồn nước tại Điều 23, Phó Trưởng đoàn ĐBQH Hà Tĩnh Trần Đình Gia đề nghị bổ sung quy định trách nhiệm “Cơ quan nhà nước các cấp theo thẩm quyền xử lý, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho tổ chức, cá nhân trong hành lang bảo vệ nguồn nước theo pháp luật chuyên ngành đảm bảo không vi phạm điều cấm theo quy định tại Điều 8 Luật này”.
Phó Trưởng đoàn ĐBQH Hà Tĩnh Trần Đình Gia phát biểu.
Vì liên quan đến hành lang bảo vệ nguồn nước cần đảm bảo quyền lợi và nghĩa vụ của tổ chức, cộng đồng, hộ gia đình, cá nhân trong hành lang bảo vệ nguồn nước theo quy định của pháp luật chuyên ngành. Đại biểu nêu ví dụ như chủ sở hữu các đối tượng nằm trong diện tích đất thuộc hành lang bảo nguồn nước và có trước thời điểm thiết lập hành lang bảo vệ nguồn nước được đảm bảo quyền lợi, nghĩa vụ theo quy định của pháp luật chuyên ngành.
Về dòng chảy tối thiểu tại Điều 24, Phó Trưởng đoàn ĐBQH Hà Tĩnh đề nghị bổ sung quy định dòng chảy tối thiểu chỉ áp dụng đối với các dự án công trình hồ, đập được sửa chữa nâng cấp và xây dựng mới. Đối với các hồ, đập đang khai thác sử dụng không có công trình để xả dòng chảy môi trường thì khi công trình được nâng cấp, sửa chữa phải bổ sung công trình để đảm bảo dòng chảy tối thiểu.
Thảo luận về quy trình vận hành hồ chứa, liên hồ chứa, tại khoản 8, Điều 38, đại biểu Trần Đình Gia đề nghị cân nhắc quy định giao UBND cấp tỉnh tổ chức xây dựng quy chế phối hợp vận hành giữa các đập, hồ chứa bậc thang trên sông, suối. Vì thực tế, điều kiện nhân lực, nguồn lực quản lý về tài nguyên nước tại địa phương hiện nay còn thiếu và yếu, chưa đảm bảo để thực hiện nội dung này. Đồng thời, để quy chế phối hợp vận hành giữa các đập, hồ chứa bậc thang trên sông, suối phù hợp với điều kiện thực tế thì chủ công trình/đơn vị quản lý vận hành lập, cơ quan có thẩm quyển xem xét, phê duyệt.
Bộ trưởng Bộ TN&MT Đặng Quốc Khánh phát biểu tiếp thu, làm rõ ý kiến các vị ĐBQH nêu tại phiên thảo luận.
Về kê khai, đăng ký, cấp phép thăm dò, khai thác, sử dụng tài nguyên nước (Điều 52), Phó Trưởng đoàn đề nghị làm rõ các khái niệm “quy mô vừa”, “quy mô nhỏ” để cơ quan, đơn vị có cơ sở tổ chức thực hiện.
Quang Đức – Thuý An