Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Võ Trọng Hải yêu cầu các đơn vị, địa phương đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn chương trình NTM năm 2022, 2023, đặc biệt là hoàn thành thủ tục khởi công các công trình nước sạch tập trung…
Sáng 26/8, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Trọng Hải, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Hồng Lĩnh chủ trì hội nghị Ban Chỉ đạo các chường trình mục tiêu quốc gia và xây dựng đô thị văn minh đánh giá công tác xây dựng NTM 8 tháng đầu năm 2023; nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm 4 tháng cuối năm. |
Ông Nguyễn Văn Việt – Giám đốc Sở NN&PTNT, Chánh Văn phòng Điều phối NTM tỉnh báo cáo kết quả xây dựng NTM 8 tháng đầu năm.
Trong 8 tháng năm 2023, toàn tỉnh làm được 218,278 km đường giao thông, trong đó theo cơ chế hỗ trợ xi măng 177,47/270,52km (đạt 64,5%); 18,62/74,17km rãnh thoát nước (đạt 27%); phục hồi hồi nâng cấp mặt đường bê tông xi măng 39,05/147,78km (đạt 26,4%); 14,97 km kênh mương nội đồng theo cơ chế hỗ trợ xi măng (đạt 24%).
Cùng đó, nâng cấp 26 nhà văn hóa xã, 66 nhà văn hóa thôn, ra mắt 14 mô hình “Nhà văn hóa cộng đồng – Ngôi nhà trí tuệ” tại các địa phương, tiếp tục phát huy hiệu quả và thu hút đông đảo người dân tham gia các hoạt động; nâng cấp, xây mới 79 trường học…
Ông Nguyễn Thanh Điện – Bí thư Huyện ủy Hương Khê: Mặc dù gặp nhiều khó khăn nhưng huyện đang tập trung cao, phấn đấu đến cuối năm 2023 có 100% số xã đạt chuẩn NTM theo lộ trình.
Đến nay có thêm 2 xã trình đề nghị thẩm định, xét, công nhận đạt chuẩn NTM; có 22 xã đề nghị công nhận đạt chuẩn NTM nâng cao; có 6 xã đề nghị công nhận đạt chuẩn NTM kiểu mẫu.
Toàn tỉnh có 8/13 huyện, thành phố, thị xã đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM; các huyện Lộc Hà, Kỳ Anh, TX Hồng Lĩnh và thị xã Kỳ Anh có 100% số xã đạt chuẩn NTM.
13/13 huyện, thành phố, thị xã đã rà soát, đánh giá mức độ đạt chuẩn theo các bộ tiêu chí mới. Theo báo cáo của các huyện, việc cập nhật để đảm bảo đạt chuẩn xã NTM giai đoạn 2022-2025 có nhiều nội dung khó cần phải tập trung cao mới có thể hoàn thành các tiêu chí như: giao thông, nghèo đa chiều, thu nhập, tổ chức sản xuất và phát triển kinh tế, môi trường và an toàn thực phẩm, y tế…
Về thực hiện tiêu chí cấp tỉnh, theo đánh giá của các sở, ngành đến nay có 2 tiêu chí cơ bản đạt, 3 tiêu chí có khả năng hoàn thành, 5 tiêu chí khó có khả năng hoàn thành.
Đã có 11 địa phương tổ chức đánh giá, phân hạng OCOP đợt 1 với 48 sản phẩm đưa vào đánh giá, trong đó có 41 sản phẩm đủ điều kiện công nhận đạt chuẩn OCOP 3 sao.
Ông Lê Ngọc Huấn – Giám đốc Sở TN&MT: Để đảm bảo tỷ lệ hộ sử dụng nước sạch từ công trình cấp nước tập trung theo yêu cầu bộ tiêu chí mới rất khó khăn, không chỉ về nguồn vốn đầu tư còn thiếu mà thủ tục cũng đòi hỏi nhiều bước, nhiều thời gian…
Đối với việc xây dựng xã NTM nâng cao, ngoài việc cập nhật để đáp ứng yêu cầu đạt chuẩn giai đoạn mới thì việc thực hiện các tiêu chí nâng cao có một số chỉ tiêu còn khó khăn như: nước sạch từ công trình tập trung, khám chữa bệnh từ xa, có sản phẩm OCOP đạt chuẩn từ 3 sao trở lên hoặc tương đương, tỷ lệ hỏa táng tối thiểu 5%…
Toàn tỉnh hiện có 34 đơn vị hành chính cơ sở thuộc đô thị, trong đó có 21 phường và 13 trị trấn. Đến nay, bình quân phường, thị trấn đạt 4,8/9 tiêu chí, tỉ lệ 53,2%.
Các đơn vị được giao đỡ đầu, tài trợ đã chủ động triển khai các hoạt động thiết thực; tổng kinh phí huy động được trong 8 tháng là 38,534 tỷ đồng, trong đó các tổ chức đơn vị UBND tỉnh giao, chấp thuận đã đỡ đầu, tài trợ là 2,409 tỷ đồng.
Tuy nhiên, công tác triển khai xây dựng NTM vẫn còn một số khó khăn, hạn chế. Trong đó, công tác lãnh đạo, chỉ đạo ở một số địa phương chưa quyết liệt; các xã, huyện sau khi được công nhận đạt chuẩn có biểu hiện chùng xuống, nhất là những xã, huyện chưa phấn đấu xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu. Yêu cầu của một số nội dung, tiêu chí của Bộ tiêu chí xã, huyện đạt chuẩn giai đoạn 2022- 2025 ở mức cao hơn, nên trong quá trình thực hiện gặp khó khăn, cần thời gian và nguồn lực…
Những tháng cuối năm, toàn tỉnh tiếp tục nâng cao hơn nữa nhận thức, vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền các cấp và cả hệ thống chính trị, nhất là vai trò của người đứng đầu trong xây dựng NTM, gắn trách nhiệm với người đứng đầu cơ quan, đơn vị, lấy kết quả xây dựng NTM làm thước đo đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ. Địa phương, đơn vị nào thiếu tập trung, không hoàn thành phải kiểm điểm làm rõ trách nhiệm; tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát, đánh giá việc thực hiện chương trình ở các cấp, các ngành.
Thảo luận tại hội nghị, đại biểu báo cáo, phân tích thêm một số khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện; lộ trình, giải pháp tập trung cao hoàn thành các chỉ tiêu, kế hoạch năm 2023…
Chủ tịch UBND tỉnh Võ Trọng Hải phát biểu chỉ đạo tại hội nghị.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Trọng Hải đánh giá cao nỗ lực của các cấp, ngành, cơ sở, MTTQ, các tổ chức đoàn thể… trong thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM thời gian qua. Mặc dù trong điều kiện nhiều khó khăn nhưng toàn tỉnh đã đạt nhiều kết quả khả quan. Công tác tích tụ ruộng đất (liên quan đến tiêu chí kinh tế và tổ chức sản xuất) của các địa phương đạt khá; văn hóa – xã hội đạt kết quả khá toàn diện; giáo dục đạt thành tích nổi bật; an sinh xã hội được quan tâm, chăm lo; quốc phòng, an ninh được tăng cường, giữ vững ổn định…
Cùng đó, toàn tỉnh tiếp tục thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, nhiều hoạt động mang lại hiệu quả khá tích cực.
Bên cạnh đó, Chủ tịch UBND tỉnh cũng cho rằng, kết quả 8 tháng đầu năm một số địa phương đạt thấp; các xã chưa đạt chuẩn thuộc huyện Hương Khê tiến độ triển khai thực hiện chậm, khối lượng công việc còn lớn; các xã trình thẩm định đợt 1 mức độ đạt chuẩn các tiêu chí chưa cao, một số tiêu chí còn nhiều hạn chế; tiến độ huyện đạt chuẩn NTM, NTM nâng cao còn chậm; thực hiện một số nội dung, tiêu chí Đề án tỉnh NTM đang gặp nhiều khó khăn; xây dựng đô thị văn minh ở một số địa phương chưa được tập trung cao, kết quả thực hiện còn thấp…
Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị các cấp, ngành tiếp tục xác định xây dựng NTM, thực hiện Đề án tỉnh đạt chuẩn NTM là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, xuyên suốt; đẩy mạnh tuyên truyền vận động, tạo sự đồng thuận cao của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở.
Tiếp tục tập trung phát triển kinh tế nông thôn; xây dựng đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ; đánh giá, nhân rộng mô hình nông nghiệp theo hướng hữu cơ; lựa chọn, nâng cấp, phát triển một số sản phẩm OCOP thực sự có hiệu quả kinh tế. Chú trọng nâng cao chất lượng môi trường sống, cảnh quan, môi trường nông thôn; tạo chuyển biến tích cực trong công tác bảo vệ môi trường nông thôn.
Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh, trong những tháng cuối năm, các xã chưa đạt chuẩn (Điền Mỹ, Hà Linh) cần tập trung phấn đấu đạt chuẩn trong năm 2023. Với các xã, huyện đã đạt chuẩn cần nâng cấp, cập nhật các nội dung, tiêu chí theo Bộ tiêu chí 2022-2025, đảm bảo đạt chuẩn trong năm 2023.
Với các xã phấn đấu đạt chuẩn NTM nâng cao, kiểu mẫu cần tiếp tục tập trung cao hoàn thiện các tiêu chí chưa đạt yêu cầu, các tiêu chí cần phải lưu ý sau thẩm định.
Chủ tịch UBND tỉnh cũng đề nghị các sở ngành theo tiêu chí phụ trách tăng cường công tác kiểm tra, hướng dẫn, nêu cao tinh thần trách nhiệm. Các địa phương thực hiện hiệu quả Nghị quyết của HĐND tỉnh về chính sách nông nghiệp, NTM. Các sở ngành theo chức năng nhiệm vụ kịp thời hướng dẫn, thẩm định thực hiện chính sách. Đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn Chương trình NTM năm 2022, 2023; khẩn trương hoàn thành thủ tục khởi công xây dựng các công trình nước sạch tập trung.
Đề nghị Ủy ban MTTQ tỉnh và các tổ chức đoàn thể chỉ đạo tiếp tục thực hiện tốt phong trào; tăng cường công tác truyên truyền, vận động; thực hiện tốt chức năng giám sát, phản biện. Các đoàn công tác của Ban Thường vụ Tỉnh ủy làm việc với cơ sở, nắm bắt tình hình, các khó khăn vướng mắc để có chỉ đạo, kiến nghị xử lý kịp thời
Dương Chiến – Lê Tuấn