Tham gia thảo luận tổ về dự án Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp, Trung tướng Hà Thọ Bình – Tư Lệnh Quân khu 4, đại biểu Quốc hội Đoàn Hà Tĩnh đã có những ý kiến góp ý tâm huyết và sâu sắc.
Trung tướng Hà Thọ Bình khẳng định, việc ban hành Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp là cần thiết nhằm xây dựng tiềm lực công nghiệp quốc phòng, an ninh tự lực, tự cường, hiện đại, lưỡng dụng, phù hợp với thế trận phòng thủ chiến lược; đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ củng cố quốc phòng, bảo vệ an ninh Tổ quốc từ sớm, từ xa; nâng cao hiệu quả hoạt động công nghiệp quốc phòng trong tình hình mới.
Trung tướng Hà Thọ Bình – Tư lệnh Quân khu 4, ĐBQH Hà Tĩnh phát biểu.
Nhấn mạnh đây là dự án luật đặc thù, phạm vị rộng, đại biểu đề nghị tiếp tục rà soát, thể chế hóa đầy đủ, toàn diện quan điểm chỉ đạo của Đảng về công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp; làm rõ mối quan hệ gắn kết giữa công nghiệp quốc phòng, an ninh với công nghiệp quốc gia và đặt trong tổng thể nền kinh tế xã hội.
Trung tướng Hà Thọ Bình tán thành việc quy định cụ thể các nguồn lực, nhất là vốn đầu tư cho công nghiệp quốc phòng, an ninh tại Điều 16. Tuy vậy, cần làm rõ nguyên tắc ưu tiên ngân sách nhà nước cho công nghiệp quốc phòng, an ninh; các cơ chế huy động vốn từ các nguồn khác bằng nhiều phương thức: Đối tác công tư, liên doanh, liên kết.
Cho rằng, thực tiễn mô hình doanh nghiệp quốc phòng và các doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp quốc phòng còn nhiều hạn chế về cách thức vận hành, Tư lệnh Quân khu 4 đề nghị cần làm rõ các quy định liên quan đến hệ thống doanh nghiệp phục vụ công nghiệp quốc phòng, công nghiệp an ninh để làm nòng cốt cho công nghiệp quốc phòng.
Theo đại biểu, cần quy định cụ thể việc xác định hệ thống công nghiệp quốc phòng và công nghiệp an ninh; mô hình của công nghiệp quốc phòng; nội hàm khái niệm Tổ hợp công nghiệp quốc phòng; mô hình tổ hợp; không quy định về tái cơ cấu trong luật.
Cùng với đó, đại biểu đề nghị rà soát, đánh giá lại cách thức, mô hình hoạt động động viên công nghiệp đảm bảo hiệu quả, nhất là khâu rà soát, quản lý các cơ sở động viên công nghiệp.
Tiếp tục phân cấp, phân quyền cho các địa phương, quân khu trong việc thực hiện động viên công nghiệp; rà soát các nội dung liên quan đến ngân sách, khoa học công nghệ, sở hữu trí tuệ; chế độ chính sách tiền lương cho người lao động cho phù hợp với tính chất đặc thù trong cơ sở công nghiệp quốc phòng nòng cốt, cơ sở công nghiệp an ninh và với pháp luật liên quan.
Quang Đức – Trần Nhung