Nguyễn Thiếp (1723 – 1804) sinh ra trong một gia đình có truyền thống văn học và khoa bảng tại làng Mật, xã Nguyệt Ao, tổng Lai Thạch, huyện La Sơn, xứ Nghệ An nay thuộc xã Kim Song Trường (Can Lộc, Hà Tĩnh). Ông có tên húy Minh, tự Quang Thiếp, hiệu La Sơn phu tử, người đời gọi là Hạnh Am tiên sinh, Nguyệt Ao tiên sinh, Lục Niên tiên sinh.
Thủa thiếu niên, ông là người “thiên tư sáng suốt, học rộng, hiểu sâu”. Năm Quý Hợi (1743), ông thi đỗ Hương giải. Năm Mậu Thìn (1748), ông thi Hội đỗ Tam trường, rồi làm Huấn đạo Anh Đô, Tri huyện Thanh Chương. Năm Mậu Tý (1767), ông treo ấn từ quan.
La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp 3 lần được Quang Trung Nguyễn Huệ mời ra giúp nước, hiến kế sách đánh giặc. Tuy nhiên phải đến lần thứ 3, vào cuối năm 1788, khi Nguyễn Huệ ra Bắc Hà đánh quân Thanh, Nguyễn Thiếp mới nhận lời hiến kế giúp vua Quang Trung đánh tan 29 vạn quân Thanh xâm lược. Sau ngày chiến thắng, ông phụ trách trông coi việc thi cử, chọn đất lập đô và làm Viện trưởng Viện Sùng Chính.
Nguyễn Thiếp là một nhà hiền triết có nhiều đóng góp đối với nhà Tây Sơn. Đức hạnh thanh cao, trí tuệ uyên bác và yêu nước nồng nàn, ông góp công giúp vua Quang Trung giải phóng đất nước và chấn hưng dân tộc.
Đào Tấn (1845 – 1907) tên đầy đủ là Đào Tăng Tấn, tự là Chỉ Thúc, hiệu là Tô Giang, Mai Tăng, Mộng Mai. Ông là người làng Vinh Thạnh (nay thuộc xã Phước Lộc), huyện Tuy Phước (Bình Định). Năm 1867 (năm Tự Đức thứ 20), Đào Tấn đỗ cử nhân.
Trong cuộc đời làm quan, Đào Tấn 2 lần được bổ nhiệm làm Tổng đốc An Tĩnh (Nghệ An – Hà Tĩnh) năm 1889 và 1898.
Đào Tấn là một tấm gương liêm chính, mẫu mực. Ông được vua Tự Đức ban tặng các danh hiệu “thanh, thận, cần” (trong sạch, thận trọng, chuyên cần) và “bất úy cường ngự” (không sợ uy vua).
Năm 1904, Đào Tấn về hưu, lúc đó ông vừa tròn 60 tuổi. Sau khi nghỉ hưu, Đào Tấn dốc toàn tâm toàn ý cho nghệ thuật hát bội, nuôi đoàn hát; lập “Học bộ đình Vinh Thạnh”, đào tạo, bồi dưỡng lớp học trò tài năng làm rạng danh nghệ thuật hát bội tại quê hương Tuy Phước, Bình Định.