Đã 100 tuổi đời và 75 năm tuổi Đảng nhưng ông Phan Đình Tiệp ở xã Tùng Lộc (Can Lộc, Hà Tĩnh) vẫn còn bồi hồi, rạo rực và tự hào, khi ôn lại những ngày mùa thu Cách mạng tháng Tám rực lửa trên quê hương mình.
Dù năm nay đã 100 tuổi nhưng ông Phan Đình Tiệp vẫn có thói quen đọc báo mỗi ngày
Ông Phan Đình Tiệp sinh năm 1923, tại thôn Tân Tùng Sơn (xã Tùng Lộc) trong một gia đình giàu truyền thống cách mạng. Bố ông là cụ Phan Đình Đẩu (1904-1948) hay còn có tên là Phan Liễu (Liệu), bí danh Trần Bì, đảng viên hoạt động trong thời kỳ Xô viết Nghệ Tĩnh 1930-1931, từng bị địch bắt giam, tù đày.
Giữa tháng 7/1945, sau khi Mặt trận Việt Minh liên tỉnh Nghệ – Tĩnh ra đời (19/5/1945), đồng chí Lê Hồng Cơ trở về bắt mối liên lạc thành lập Mặt trận Việt Minh huyện Can Lộc, tập hợp lực lượng chuẩn bị khởi nghĩa. Vốn là người quen từng hoạt động chung, ông Cơ đã đến gặp cụ Phan Đình Đẩu bàn cách liên lạc với các đồng chí.
Ông Tiệp kể chuyện lịch sử đấu tranh cách mạng trên quê hương Tùng Lộc cho các ĐVTN.
Ông Phan Đình Tiệp kể: “Tôi còn nhớ rất rõ, một đêm mùa hè năm 1945, anh Lê Hồng Cơ bí mật trở về gặp bố tôi. Gặp lại bố tôi, anh kể về chuyện Nhật – Pháp bắn nhau. Đây là thời cơ để chúng ta khởi nghĩa nên anh về để tìm cách liên lạc, kết nối với các đồng chí chuẩn bị cho đại sự”.
Lần đó, đồng chí Lê Hồng Cơ đã bắt mối với một số cán bộ đã mãn hạn tù trở về như: Đặng Nghiệm, Đặng Kiều, Đặng Thao, Đặng Trưng, Nguyễn Ngụ, Nguyễn Đức Kiểm… tổ chức nhóm họp tại cầu Hầm (xã Thuần Thiện, Can Lộc) để nghe chỉ thị thành lập Ban lãnh đạo Việt Minh xã và vận động quần chúng chờ thời cơ nổi dậy giành chính quyền. Hội nghị cũng thống nhất chuyển hóa một số đoàn viên của tổ chức Phan Anh tham gia phong trào…
Đồng chí Lê Hồng Cơ – nguyên Bí thư Huyện ủy lâm thời Can Lộc năm 1931 và khóa 1. Ảnh: Tư liệu.
Ông Tiệp được bố là cụ Đẩu chỉ dặn tích cực tham gia vào đội thanh niên tự vệ để sẵn sàng bảo vệ tổ chức khi khởi nghĩa nổ ra. Tối 16/8/1945, tại huyện đường Can Lộc, Ủy ban Khởi nghĩa huyện Can Lộc đã tiến hành lãnh đạo Nhân dân khởi nghĩa lật đổ chính quyền tay sai thành công. Rạng sáng 17/8, đoàn biểu tình tỏa ra khắp các xã trong huyện. Các tổ chức và Nhân dân trong xã Tùng Lộc đồng loạt hưởng ứng.
Ông Tiệp nhớ lại: “Suốt đêm 16/8/1945, cả làng, cả xã, tiếng trống nổi lên giục giã, dồn dập liên hồi. Là thành viên đội tự vệ, chúng tôi nhận nhiệm vụ đi rải truyền đơn, cắm cờ từ bến đò Thuần Chân đến Hòa Lộc, ai nấy đều cầm gậy gộc, giáo mác để sẵn sàng bảo vệ các cuộc khởi nghĩa. Rạng sáng, từ khắp các ngả đường, Nhân dân Tùng Lộc đổ ra giương cao cờ đỏ sao vàng, biểu ngữ rợp trời… kéo đến nhà lý trưởng các thôn, bắt chúng giao ấn triện, sổ sách cho cách mạng. Trước sức mạnh của Nhân dân, bọn tay sai khúm núm, sợ sệt, nhanh chóng giao ấn tín đầu hàng. Chính quyền về tay Nhân dân trong niềm phấn khởi rạo rực”.
Cuộc mít tinh tại quảng trường Nhà hát Lớn Hà Nội, ngày 19/8/1945. Ảnh tư liệu
Thành công ở Can Lộc, phong trào khởi nghĩa lan rộng toàn tỉnh, giành được thắng lợi hoàn toàn chỉ một ngày sau đó. Ngày 19/8, khởi nghĩa toàn quốc giành thắng lợi. Ngày 2/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn Độc lập tuyên bố thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa trong niềm hân hoan của hàng triệu người dân Việt Nam.
Cùng với cả nước, ông Tiệp và người dân Tùng Lộc vô cùng phấn khởi trước một mùa thu mới – mùa thu đầu tiên toàn dân tộc giành được độc lập. “Không thể tả xiết không khí của ngày 2/9/1945, niềm hân hoan hiện rõ trên khuôn mặt mỗi người dân Tùng Lộc. Hơn 80 năm nô lệ bởi thực dân Pháp và chính quyền phong kiến, gần nửa tháng (từ ngày 17/8 – 2/9), trong làng, xã không còn sự áp bức, hách dịch của bọn lý trưởng, cường hào, nay chúng tôi lại được nghe Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn Độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Đó là hạnh phúc không có gì sánh được” – ông Phan Đình Tiệp nhớ lại.
Ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình, Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, mở ra kỷ nguyên mới cho lịch sử dân tộc. Ảnh tư liệu
Sau khi Cách mạng tháng Tám thành công, cụ Phan Đình Đẩu được tổ chức phân công làm Chủ tịch lâm thời làng Hạ Yến, đại biểu HĐND xã Sơn Thủy (nay là xã Tùng Lộc); còn ông Tiệp vào đội dân quân tự vệ của xã, đồng thời tích cực tham gia giảng dạy các lớp bình dân học vụ. Sau nhiều nỗ lực cống hiến, tháng 5/1949, ông vinh dự được kết nạp Đảng.
Từ năm 1949-1951, ông Tiệp là Thư ký Ủy ban Kháng chiến xã Ích Hòa (bao gồm xã Tùng Lộc và Ích Hậu ngày nay); từ năm 1952-1953 là cán bộ kho nông nghiệp huyện Can Lộc. Sau thời gian bị quy sai thành phần, năm 1956, ông Tiệp được minh oan và tiếp tục được bầu làm Tổ trưởng Tổ Sản xuất nông nghiệp, sau đó là Chủ nhiệm HTX Nông nghiệp Tùng Sơn (xã Tùng Lộc). Từ năm 1963-1981, ông trải qua nhiều vị trí cán bộ tại Ty Nông nghiệp tỉnh thực hiện các nhiệm vụ như: xây dựng Xí nghiệp Gạch ngói Thuận Lộc, Xí nghiệp Thủy sản Kẻ Gỗ… sau đó nghỉ hưu, trở về địa phương.
Ôg Phan Đình Tiệp cùng con trai cả là ông Phan Đình Tý (bên phải, giáo viên về hưu) và con trai thứ 2 là Đại tá quân đội Phan Tiến Sỹ.
Ông Phan Đình Tiệp có vợ là bà Phạm Thị Sáu (SN 1925, đã mất) từng là cán bộ Hội LHPN xã Tùng Lộc từ những năm 1950 cho đến sau này. Vợ chồng ông có 4 người con (2 trai, 2 gái), trong đó, 2 người là giáo viên, 1 người là đại tá quân đội, hiện đã nghỉ hưu. Tiếp nối truyền thống gia đình, các con cháu ông bà đều luôn nỗ lực phấn đấu, cống hiến và có những vai trò, vị trí trong xã hội.
Với những đóng góp của mình, ông Phan Đình Tiệp đã được Nhà nước tặng nhiều huân, huy chương, trong đó có Huân chương Kháng chiến chống Mỹ cứu nước hạng Ba. Dù năm nay đã 100 tuổi đời, 75 năm tuổi Đảng nhưng ông Tiệp vẫn còn minh mẫn, vẫn có thể đọc báo mỗi ngày. Sống lạc quan yêu đời, ông luôn truyền đến thế hệ trẻ những câu chuyện về lịch sử cách mạng trên quê hương.
Ông Phan Đình Tiệp phấn khởi khi quê hương ngày càng đổi mới phát triển.
Phát huy truyền thống quê hương, ngày nay, cùng với nhiều địa phương khác trên địa bàn huyện Can Lộc, Đảng bộ và Nhân dân xã Tùng Lộc không ngừng phấn đấu vươn lên xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp. Theo đó, cùng với hệ thống cơ sở hạ tầng của xã ngày càng khang trang, thu nhập bình quân đầu người năm 2022 của Tùng Lộc đạt 45 triệu đồng. Xã đang phấn đấu hoàn thành các tiêu chí để về đích xã NTM nâng cao.
Ông Phan Đình Tiệp bày tỏ: “Tôi rất phấn khởi khi thấy quê hương, đất nước ngày càng phát triển. So với những năm khi đất nước còn lầm than nô lệ, cuộc sống bây giờ không gì có thể so sánh được. Có được điều đó là nhờ cách mạng, sự hy sinh của cha ông, đã không tiếc máu xương để giành lại độc lập, hòa bình cho đất nước”.
Một góc quê hương Tùng Lộc (Can Lộc) hôm nay.
Thiên Vỹ