L.T.S: PGS-TS Hoàng Trọng Canh (Khoa Ngữ văn – Trường Đại học Vinh) là người đã có nhiều công trình nghiên cứu về phương ngữ các vùng trong cả nước, đặc biệt là từ địa phương Nghệ Tĩnh. Báo Hà Tĩnh xin giới thiệu cuộc trò chuyện cùng ông.
PGS-TS Hoàng Trọng Canh.
P.V: Xin ông cho biết một số nét khái quát về đặc điểm văn hóa ứng xử, tính cách con người và vùng dân cư thể hiện qua những nét khác nhau về xưng hô giữa các vùng, nhất là Nghệ Tĩnh.
PGS-TS Hoàng Trọng Canh: Các vùng phương ngữ tuy đều dùng chung các yếu tố xưng gọi nhưng mức độ dùng và sắc thái biểu cảm, thái độ ứng xử không như nhau. Điều này được thể hiện trước hết ở việc dùng từ “con” trong xưng gọi. Trong gia đình, họ hàng bên nội cũng như bên ngoại ở Nghệ Tĩnh, mọi người thường gọi “cháu”, “chắt” bằng con. Cho nên ta sẽ gặp rất phổ biến các vai khác nhau nhưng có cùng một kiểu xưng gọi: cố (cụ) (và anh, em trong họ ngang vai với “cụ”) – con, ôông (ông), bà (và những người trong họ nội, ngoại ngang vai với ông, bà) – con, bác, chú, mự (mợ, thím), o (cô), cụ (cậu), dì, dượng – con. Cách gọi này là không đúng vai, hay nói cách khác, cách xưng gọi đúng theo vai của người Nghệ Tĩnh thường không triệt để, thường xuyên như người Bắc Bộ. Ngay cả khi con cháu đã trưởng thành hoặc đã có gia đình, trong tình huống giao tiếp đòi hỏi nghi thức, xã giao, người Nghệ vẫn gọi con cháu mình bằng con chứ không gọi bằng anh, chị như người Bắc Bộ. Nếu mình “bị” gọi bằng “anh”, “chị” thì người đó sẽ cảm nhận được một cách rất tự nhiên rằng, mình đang bị đối xử lạnh nhạt, khách sáo, xã giao như với người ngoài.
Bình thường người Nghệ cũng không dùng đại từ xưng hô tôi (mang sắc thái trung tính) để xưng với con cháu, ngay cả khi con cháu đã trưởng thành. Trong phương ngữ Nghệ Tĩnh, tui là từ biến thể ngữ âm, tương ứng với tôi. Nhưng trong cách dùng của người Nghệ Tĩnh cũng như sắc thái biểu cảm của từ, tui khác tôi rất rõ. Con cái có thể dùng tui để xưng với cha, mẹ, ông bà và những người lớn tuổi hơn mình với sắc thái biểu cảm không mang tính trung tính như tôi. Đối với người Nghệ Tĩnh, dùng tui là khiêm nhường và thân mật, còn dùng tôi trong trường hợp xưng với người lớn tuổi là có phần xấc xược, hỗn láo.
Nếu người Bắc Bộ dùng tôi để xưng với con cái (đã trưởng thành) là bình thường, là lịch sự, tôn trọng thì ngược lại, người Nghệ Tĩnh lại cho đó là thiếu tình cảm, là xa lạ. Người Nam Bộ cũng dùng tui để xưng hô như người Nghệ Tĩnh, tạo ra sắc thái dân dã, mộc mạc, người nghe sẽ cảm thấy thân mật, gần gũi hơn so với tôi. Nhưng người Nam Bộ thường dùng tui để tiếp chuyện với những đối tượng ngang bằng, hoặc nhỏ hơn mà không dùng để xưng với cha mẹ, người cao tuổi như người Nghệ.
Nếu nói rộng hơn về xưng hô thì phải nói đến cả lời (câu), chào hỏi (các thành phần của câu, đầy đủ hay không đầy đủ (cộc lốc), các yếu tố tình thái đi kèm, các quán ngữ đi kèm để đưa đẩy cho uyển chuyển…). Những điều đó Nghệ Tĩnh cũng có nét riêng. Nhiều khi mộc mạc đến mức cộc lốc, khác Bắc và Nam (người Bắc nói: “Con chào bố, cháu chào ông”; người Nam nói: “Con chào thầy, em chào anh”… nhưng người Nghệ chỉ: “chào bố”, “chào thầy”, “chào ông”…) – nét này nên học người Bắc và Nam.
Nghệ ngữ được sử dụng phong phú trong đời sống.
P.V: Ông có thể nói rõ hơn về nét riêng trong văn hóa xưng gọi của phương ngữ Nghệ Tĩnh khác với các vùng?
PGS-TS Hoàng Trọng Canh: Một nét riêng về văn hóa xưng gọi truyền thống trong gia đình (cũng như ngoài xã hội) được thể hiện rõ trong phương ngữ Nghệ Tĩnh là người Nghệ thường dùng yếu tố chỉ giới (trai/gái). Điều đó thể hiện ở việc dùng các yếu tố cu, đị (đĩ) trong xưng gọi ở lối giao tiếp bình dân. Khi có con, thường tên của cha mẹ được gọi thay bằng tên của đứa con đầu lòng nhưng trước đây, ở Nghệ Tĩnh, trong tên gọi về cha mẹ có thêm yếu tố cu hoặc đị đi kèm.
Cụ thể, nếu vợ chồng sinh con trai đầu lòng thì từ đó tên gọi của cha, mẹ của đứa bé sẽ được gọi theo tên con đầu lòng và có thêm yếu tố cu đi trước tên riêng (cu Lan, cu Hòa)…; nếu sinh con gái đầu lòng thì tên gọi của bố mẹ cũng gọi bằng tên con gái và kèm yếu tố đị đi trước: đị Lan, đị Hòa…
Cách gọi như thế cho thấy tư tưởng phân biệt giới (nam, nữ) ăn sâu vào tâm thức, ứng xử của người Nghệ. Ở nhiều vùng nông thôn, người phụ nữ có chồng thì không còn được gọi theo tên riêng của mình trước khi lấy chồng nữa mà gọi theo tên chồng (ví dụ, chồng tên Hòa nên vợ cũng được mọi người gọi là ả (chị), mự (mợ)… Hòa).
Thái độ ứng xử thể hiện thái độ về giới, trai – gái cũng như về nội – ngoại cũng được thể hiện rõ trong việc gọi tên các đối tượng là anh chị em ruột của bố/ mẹ. Ở Bắc Bộ, người con trai sinh trước bố thì gọi bằng bác, sinh sau thì gọi chú, nữ sinh trước bố thì gọi là bác, sinh sau thì gọi là cô. Về bên mẹ, người con trai sinh trước mẹ thì gọi bằng bác, sinh sau thì gọi cậu, nữ sinh trước mẹ thì gọi là bác, sinh sau thì gọi là dì. Ở Nghệ Tĩnh, là trai, sinh trước/ sau bố thì gọi như Bắc Bộ nhưng nữ thì sinh trước hay sau đều gọi là o. Về bên mẹ, khác Bắc Bộ, nếu là trai, sinh trước hay sau mẹ đều gọi bằng cụ (cậu), nếu là gái, sinh trước hay sau mẹ đều gọi là dì.
Như thế, ta thấy người Bắc Bộ luôn ý thức, đề cao yếu tố tôn ti, trên dưới; người hàng trên luôn được đề cao, không có sự phân biệt nam hay nữ, nội hay ngoại. Sự phân biệt giới chỉ đặt ra ở hàng dưới với người sinh sau bố, mẹ. Sự không phân biệt nội hay ngoại về tình cảm đối với người Bắc Bộ còn được thể hiện ở chỗ, chồng của chị gái bố và chồng của chị gái mẹ đều gọi bằng bác như gọi anh trai bố; chồng của cô và chồng của dì đều được gọi là chú như gọi em trai của bố. Trong khi đó, với người Nghệ Tĩnh, chồng của o (sinh trước hay sinh sau bố) hay dì (sinh trước hay sinh sau mẹ) đều gọi là dượng.
Rõ ràng, quan niệm, tình cảm, thái độ ứng xử của người Nghệ Tĩnh theo giới cũng như với nội, ngoại là có sự khác với người Bắc Bộ.
Cách xưng gọi ngoài xã hội ở phương ngữ Nghệ Tĩnh mang sắc thái địa phương khá đậm nét. (Ảnh minh họa).
P.V: Vậy cách xưng hô ngoài xã hội ở phương ngữ Nghệ Tĩnh như thế nào, thưa ông?
PGS-TS Hoàng Trọng Canh: Nét khác biệt dễ thấy nhất so với các phương ngữ khác là số lượng từ xưng gọi ngoài xã hội ở phương ngữ Nghệ Tĩnh rất phong phú. Cùng với các yếu tố của ngôn ngữ toàn dân và với các kết hợp khác nhau, phương ngữ Nghệ Tĩnh đã tạo nên hệ thống từ xưng gọi vừa phong phú, vừa độc đáo.
Có thể liệt kê ra đây các từ ngữ được dùng trong xưng gọi ngoài xã hội ở Nghệ Tĩnh như: tui, tau, choa, miềng, mềnh, ni, đằng ni, bầy choa, bầy tui, bì choa, nậu tui, nậu choa, mì choa, nậu ni, bọn ni, bọn choa, bọn tau, bọn tui, nhà tui, nhà choa, nhà miềng, tụi tui, tụi tau, tụi choa, tụi miềng, tụi mềnh, quân choa, quân tau… (dùng để chỉ ngôi thứ nhất, số ít và số nhiều). Các từ ngữ: mày, mi, nghỉ, ôông, ung, cu, đị, chắt, enh, êênh, ả, mụ, cố, cố chắt, ôông chắt, bà chắt, êênh chắt, ả chắt, ả cháu, êênh cháu, ôông cháu, bà cháu, ôông cu, bà cu, êênh cu, ả cu, ả đị, êênh đị, ôông đị, bà đị, bà hoe, êênh hoe, ôông hoe, ả hoe, ả nhiêu, êênh nhiêu, êênh học, ả học, ả nho, mệ nho, êênh nho… (dùng chỉ ngôi hai, số ít). Các từ ngữ: bay, bây, bọn bây, tụi bây, nậu bây, bọn mi, tụi mi, nậu mi, tụi mày, bọn mày, nậu mày, quân bay, các nghỉ, các họ… (dùng chỉ ngôi hai số nhiều). Các từ ngữ: hấn, nghỉ, ôông nứ (nớ), bà nứ (nớ), mụ nứ (nớ), mệ nớ (nứ), o nớ (nứ), ả nớ (nứ), êênh nớ (nứ), cố nớ (nứ), cu nớ, đị nớ, học nớ… (dùng để chỉ ngôi thứ ba, số ít). Các từ ngữ: Họ, chúng nó, bọn nó, chúng hấn, bọn hấn, nậu hấn, tụi hấn, quân hấn, bọn nghỉ, nậu nớ, nậu nứ, bọn nớ, bọn nứ, quân nớ, quân nứ… (dùng đề chỉ ngôi ba, số nhiều).
Với số lượng từ ngữ xưng gọi phong phú như vậy, sắc thái biểu cảm của từ trong xưng gọi cũng được phân biệt tinh tế. Đặc biệt, số lượng các từ dùng trong giao tiếp không mang tính nghi thức chiếm tỷ lệ cao, vì thế, cách xưng gọi ngoài xã hội ở phương ngữ Nghệ Tĩnh mang sắc thái địa phương khá đậm nét. Có cách gọi mộc mạc bình dân, thô ráp, lại có cách gọi trân trọng nghi thức mang tính văn hóa cao. Những cách xưng gọi như vậy không chỉ dùng phổ biến rộng rãi trong giao tiếp hằng ngày mà còn được dùng một cách tự nhiên cả trong sáng tác thơ ca dân gian.
Dấu ấn về một thói quen trong xưng gọi chú ý nhiều đến yếu tố giới tính, đề cao tính tiếp nối, đề cao gia đình lớn có nhiều thế hệ và quan hệ gắn bó giữa các thế hệ trong gia đình, duy trì yếu tố truyền thống trong xưng gọi – đó là những nét sắc thái văn hóa riêng về giao tiếp của người dân xứ Nghệ trong cộng đồng người Việt.
P.V: Xin cảm ơn ông!
Minh Huệ
(thực hiện)