Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Trung Dũng yêu cầu thời gian tới, các địa phương, đơn vị, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp ở Hà Tĩnh cần tiếp tục tập trung đổi mới phương thức lãnh đạo, chỉ đạo công tác dân vận; cụ thể hóa kịp thời, hiệu quả các chủ trương, nghị quyết của Đảng về công tác dân vận sát yêu cầu thực hiện nhiệm vụ chính trị trên địa bàn.
Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Trung Dũng và các đại biểu dự hội nghị.
Chiều 25/8, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Hà Tĩnh tổ chức hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 25-NQ/TW ngày 3/6/2013 của BCH Trung ương Đảng khoá XI về “Tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới”; sơ kết 5 năm thực hiện Kết luận số 43-KL/TW của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 25-NQ/TW; sơ kết 5 năm thực hiện Quyết định 657-QĐ/TU ngày 4/4/2018 của BTV Tỉnh ủy về ban hành Quy chế tiếp xúc, đối thoại trực tiếp của người đứng đầu cấp ủy đảng, chính quyền các cấp với Nhân dân. Dự hội nghị có Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Trung Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Trọng Hải; Vụ phó Vụ Dân vận các cơ quan Nhà nước (Ban Dân vận Trung ương) – Nguyễn Minh Đức; các đồng chí Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh; lãnh đạo các ban, ngành, địa phương, đơn vị. Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Trần Thế Dũng và Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy Trương Thanh Huyền chủ trì hội nghị. |
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Trần Thế Dũng và Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy Trương Thanh Huyền chủ trì hội nghị.
Công tác dân vận góp phần tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân
Thời gian qua, Hà Tĩnh đã tập trung triển khai hiệu quả các nội dung Nghị quyết 25-NQ/TW và Kết luận số 43-KL/TW. Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Chương trình hành động số 961-CTr/TU ngày 19/8/2013 nhằm triển khai thực hiện; đồng thời, chỉ đạo các cấp ủy đảng, chính quyền kịp thời ban hành đồng bộ các văn bản cụ thể hóa, thể chế hóa các quan điểm chỉ đạo của Đảng về công tác dân vận.
Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy Trương Thanh Huyền báo cáo kết quả thực hiện nghị quyết của Trung ương về công tác dân vận.
Sau 10 năm triển khai Nghị quyết 25-NQ/TW, công tác dân vận của hệ thống chính trị tỉnh nhà có bước chuyển biến cơ bản. Nhận thức về vai trò, vị trí và trách nhiệm đối với công tác dân vận của các tổ chức trong hệ thống chính trị được nâng lên.
Nội dung công tác dân vận đã bám sát yêu cầu, nhiệm vụ thực tiễn phát triển kinh tế – xã hội, giữ vững ổn định chính trị, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân, đảm bảo quốc phòng, an ninh. Phương thức vận động quần chúng có nhiều đổi mới, sát thực, hiệu quả; gắn tuyên truyền, vận động với chăm lo lợi ích thiết thực của Nhân dân. Toàn tỉnh đã xây dựng và nhân rộng thành công 19.340 mô hình, điển hình “Dân vận khéo” trên các lĩnh vực của đời sống xã hội.
Công tác dân vận chính quyền được quan tâm; công tác cải cách hành chính được tăng cường, từng bước chuyển nhận thức từ mệnh lệnh, hành chính sang chính quyền hỗ trợ, phục vụ Nhân dân. Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể đã đổi mới nội dung và phương thức hoạt động, tập trung hướng về cơ sở; chăm lo quyền, lợi ích chính đáng của đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân.
Thông qua thực hiện nghị quyết, kết luận đã góp phần quan trọng củng cố vững chắc lòng tin của Nhân dân đối với Đảng, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân và mối quan hệ máu thịt giữa Đảng với Nhân dân.
Về thực hiện Quyết định số 657-QĐ/TU của BTV Tỉnh ủy về “Ban hành Quy chế tiếp xúc, đối thoại trực tiếp của người đứng đầu cấp ủy đảng, chính quyền các cấp với Nhân dân trên địa bàn tỉnh”, 5 năm qua, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp từ tỉnh đến cơ sở đã tổ chức 2.015 cuộc đối thoại trực tiếp với Nhân dân. Từ các hội nghị đối thoại, toàn tỉnh đã tiếp nhận được 18.087 ý kiến đề xuất, kiến nghị của Nhân dân.
Đồng chí Võ Mai – Bí thư Đảng ủy xã Cẩm Lộc (Cẩm Xuyên) chia sẻ về phát huy dân chủ trong Nhân dân.
Các hội nghị tiếp xúc, đối thoại đã góp phần tích cực trong việc mở rộng và phát huy dân chủ trong hệ thống chính trị và toàn xã hội; giúp cấp ủy, chính quyền các cấp nắm chắc tình hình, tâm tư, nguyện vọng và xử lý, giải quyết kịp thời các kiến nghị, vấn đề còn vướng mắc, gây bức xúc trong Nhân dân. Qua đó, đã phát huy được dân chủ và sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân để tỉnh nhà vượt qua những khó khăn, thách thức, duy trì được sự ổn định và phát triển; lòng tin của Nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng, quản lý, điều hành của chính quyền được nâng lên.
Tại hội nghị, đại biểu đã phân tích bài học kinh nghiệm, chia sẻ những tồn tại, vướng mắc trong quá trình thực hiện các nghị quyết, kết luật, quyết định của Trung ương và tỉnh; đồng thời, đề xuất giải pháp, cách làm tiếp tục thực hiện hiệu quả công tác dân vận, đối thoại trong tình hình mới.
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Trần Thế Dũng chia sẻ một số cách làm, giải pháp trong công tác dân vận, công tác đối thoại trong tình hình mới.
Tập trung đổi mới phương thức lãnh đạo, chỉ đạo đối với công tác dân vận
Phát biểu tại hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Trung Dũng đánh giá công tác dân vận của cả hệ thống chính trị, công tác đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp thời gian qua đã có nhiều chuyển biến tích cực, ngày càng đi vào chiều sâu, thực chất, góp phần quan trọng giữ vững sự ổn định, phát triển của tỉnh nhà.
Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Trung Dũng phát biểu tại hội nghị.
Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu, thời gian tới, các địa phương, đơn vị, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp tiếp tục tập trung đổi mới phương thức lãnh đạo, chỉ đạo đối với công tác dân vận; cụ thể hóa kịp thời, hiệu quả các chủ trương, nghị quyết của Đảng về công tác dân vận sát với yêu cầu thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương. Đồng thời, phát huy tốt hơn vai trò, trách nhiệm của các tổ chức trong hệ thống chính trị, đưa công tác dân vận đi vào chiều sâu, giải quyết hiệu quả các vấn đề nảy sinh do thực tiễn đặt ra.
Tăng cường hiệu quả phối hợp của các tổ chức trong hệ thống chính trị về công tác dân vận; đặc biệt là vai trò phối hợp giữa ban dân vận, MTTQ, các đoàn thể với chính quyền các cấp trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội, đảm bảo quốc phòng – an ninh.
Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh: Đối với công tác đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp với Nhân dân, cần xem đây là nhiệm vụ ưu tiên, phải được thực hiện thường xuyên, nền nếp. Đối thoại là diễn đàn quan trọng để Nhân dân thể hiện chính kiến; đây cũng là phương thức quan trọng của công tác dân vận nhằm phát huy tối đa quyền làm chủ của Nhân dân. Bên cạnh đó, cần tăng cường giám sát việc giải quyết các kiến nghị, đề xuất của Nhân dân sau đối thoại và những vấn đề phát sinh.
Để công tác dân vận, công tác đối thoại đạt hiệu quả, đề nghị cán bộ, nhất là người đứng đầu phải nêu gương, đi đầu trong thực hiện nhiệm vụ; cấp ủy đảng, chính quyền các cấp, cán bộ, đảng viên phải chú trọng làm việc thực chất, lấy hiệu quả công việc làm thước đo, tránh bệnh thành tích; chú trọng phát huy dân chủ cơ sở, dân chủ đi liền với thực hiện kỷ cương; chú trọng phân cấp, phân quyền để cán bộ các cấp phát huy vai trò, trách nhiệm…
Thu Hà