Người Việt nói chung và Hà Tĩnh nói riêng, du xuân đến các đền chùa cũng là dịp để phát nguyện cúng dường mong tích góp công đức, cầu mong may mắn. Tuy nhiên, lâu nay, nhiều người vẫn chưa hiểu đúng việc này, dẫn đến công đức không đúng chỗ.
Du khách nô nức trẩy hội chùa Hương Tích trong ngày khai hội Xuân Giáp Thìn 2024.
Nhiều lần cùng bạn bè, người thân đến các đền, chùa trong mùa lễ hội, tôi thường băn khoăn khi thấy một số du khách tùy tiện “nhét” tiền vào miệng các linh vật hay để tiền lên mâm làm lễ và xem đó là việc làm công đức. Tiền đặt vào những nơi linh thiêng còn là tiền lẻ đã nhầu nhĩ. Chủ nhân còn lộ vẻ mặt căng thẳng vì sợ số tiền cúng kia sẽ bị ai lấy mất không đến được với Phật, với thần trong quá trình làm lễ…
Khi đem việc này hỏi một vị đại đức ở ngôi chùa nổi tiếng, tôi được ông giải đáp: Việc bố thí hay cúng dường theo kiểu như vậy là chưa đúng “sự” và “lý” của chính pháp Phật giáo. Sự là hành vi, việc làm; lý là bản chất ý nghĩa. Việc cúng dường hay bố thí như vậy không đưa đến công đức đúng nghĩa cho các du khách hay phật tử. Bởi, bản chất của bố thí hay cúng dường là mang đến cho một đối tượng cụ thể nhằm làm sáng lên các giá trị tốt đẹp.
Việc dùng tiền thật đặt cúng tùy tiện nơi linh thiêng vẫn còn tồn tại ở một số đền, chùa.
Ví dụ như nếu xem ngôi chùa là một trường học mà ở đó, mỗi người đến thành kính dâng hương, lắng nghe đạo pháp để sống thiện lương hơn, làm những việc tốt đẹp cho đời, cho mình thì việc cúng dường nhằm tôn tạo ngôi chùa – ngôi trường đó ngày càng khang trang, để toàn thể Nhân dân được đến chiêm bái, học tập. Hoặc cúng dường cho một vị sư đức cao vọng trọng là để thông qua hiểu biết của họ, nhờ họ làm những việc lợi ích cho chúng sinh. Vậy thì việc đặt tiền vào các linh vật hoàn toàn không có ý nghĩa, khi bản thân các con vật đó là gỗ, đá; hay đặt lên bàn thờ thần, Phật cũng vậy, đó là hình tượng bằng kim loại hoặc gỗ, xi măng.
Tiền bạc có giá trị quy đổi nhưng xét về vật chất, đó là vật bất tịnh khi trong quá trình lưu thông lại được đặt ở nhiều nơi, khi trong túi quần, khi dính mùi cá, thịt hoặc rơi xuống đất… Vậy thì dùng những tờ tiền này để cúng liệu có sạch sẽ, trong khi theo truyền thống văn hóa của người Việt, đồ thờ cúng phải là những thứ tinh sạch nhất.
Vị sư dạy tôi, bố thí hay cúng dường tuy hai từ nhưng ý nghĩa giống nhau. Cúng Phật, cúng thần là để tâm mình hướng tới điều thiện và biết cách làm điều phúc thiện, tôn trọng, cúng dường tăng ni cũng là ý nghĩa đó… Thay vì cúng dường để nhờ các bậc tu học làm phước thiện thay mình thì tự bản thân mỗi phật tử hay người dân hãy tự mình làm điều đó cho bản thân và gia đình bằng nhiều cách.
Nếu có điều kiện hãy giúp đỡ những người yếu thế hơn mình, bố thí hay giúp đỡ một người gặp hoàn cảnh éo le, giúp họ vượt qua hoạn nạn, đó cũng chính là cúng dường chư Phật, thánh, thần. Hơn nữa, một người giàu lòng từ bi hay chia sẻ giúp đỡ người khác thì tự nhiên đã tạo công đức cho mình, đồng tâm với chư Phật, bồ tát, thánh thần, thì sá gì Phật, thần không hộ vệ cho họ.
Việc đi chùa, đền làm công đức có ý nghĩa khi du khách, phật tử chọn đúng nơi, phát tâm đúng việc.
Việc đi chùa, đền làm công đức chỉ có ý nghĩa khi du khách, phật tử chọn đúng nơi, phát tâm đúng việc. Ngày nay, nhiều đền, chùa đều có hòm công đức, hay có người quản lý ghi sổ công đức, du khách, người dân đều có thể thông qua đó để cúng dường. Các ban quản lý, sư trụ trì sẽ có phương án để vận dụng số tiền đó đúng việc, đúng chỗ… Đó cũng là giúp quý phật tử, du khách tích công đức và được Phật, thánh cũng như mọi người chứng minh.
Song Tử