Tin nghệ nhân Nhân dân Nguyễn Hồng Oanh (SN 1955, quê xã Thạch Liên, Thạch Hà, Hà Tĩnh) ra đi đột ngột đã xao động tâm tư của biết bao người dân, đặc biệt là giới văn nghệ sĩ.
Vì thương câu hát cha ông
Không ai muốn tin rằng, người chị cả Nguyễn Hồng Oanh (Hồng Vanh) với gương mặt phúc hậu, nụ cười tươi tắn, phong thái gần gũi đậm chất Nghệ quê nhà, đặc biệt là giọng hát dân ca đẹp như dòng suối ban mai làm mát dịu bao tâm hồn đã ra đi mãi mãi.
Mới cách đây không lâu chị còn vội vã bay về Hà Tĩnh trong cuộc gặp mặt cuối năm giữa Hội viên Hội Kiều học Việt Nam tại Hà Tĩnh và các học giả, trí thức trong ngoài tỉnh. Vẫn gương mặt ngời sáng, nụ cười tươi tắn, hồn hậu và giọng hát trời phú không già đi theo năm tháng, ai cũng vui mừng vì gặp chị. Điều đặc biệt ở chị là xuất hiện trước khán giả, dù đông người hay ít người, chị đều vận áo dài và trang điểm chỉn chu.
Nghệ nhân Nhân dân Hồng Oanh (thứ 6 từ trái qua) trong một lần về Hà Tĩnh ghi hình cho phóng sự “Đi tìm kho báu dân gian ví giặm Nghệ Tĩnh”
Sau những cái bắt tay nồng ấm và giọng nói quê nhà “o – cụ” thân thiết, mọi người lại được nghe chị hát, giảng giải, tâm sự. Tôi lại có dịp được thấu hiểu thêm những loại hình phái sinh mới của diễn xướng Truyện Kiều ngoài lẩy Kiều, ngâm thơ Kiều như: ví Kiều, giặm Kiều, ca Huế Kiều, bài chòi Kiều, ca trù Kiều… Vừa giảng giải, chị vừa cất giọng theo các cung bậc khác nhau của thổ âm các vùng miền trong cả nước và phân biệt giữa ngâm Kiều, lẩy Kiều với hát ví giặm Kiều… Nhờ chị, văn phòng Hội Kiều học Hà Tĩnh có thêm nhiều hoạt động thiết thực và bổ ích.
Nghệ nhân Nhân dân Hồng Oanh và tác giả trong Ngày thơ Việt Nam năm 2023 tại Hà Tĩnh
Mới chỉ quen biết chị 7 năm nay nhưng tôi với chị đã trở nên thân thiết. Khi tôi vào TP Hồ Chí Minh viết bài về chị cho số báo xuân năm 2017, tôi hiểu hơn được tâm nguyện, khát khao cháy bỏng của chị trong việc giữ gìn dân ca ví, giặm – câu hát của ông cha. Nhiều lần chị thổ lộ gan ruột của mình: “Không truyền dạy, để mai một câu hát dân ca là có lỗi với ông cha nhiều lắm em ạ!”.
Khi vào nhà thăm mẹ tôi vào mùa hè 2017, chị đã hát cho mẹ tôi nghe, bà đang già yếu bỗng minh mẫn hẳn lên và suốt ngày nhắc đến chị. Mỗi lần chị có chương trình biểu diễn ở đâu đều nhắn tin, gửi ảnh cho tôi. Ngược lại, mỗi khi xem ti vi, có các chương trình nói về chị, tôi đều theo dõi và gửi tin nhắn chúc mừng chị. Có lần tôi gửi đường link báo Hà Tĩnh và chụp ảnh báo xuân gửi chị, chị nhắn tin trả lời: “Chị đọc bài báo hay quá em ạ. Càng thấy yêu quê hương da diết khi hành trình đến các miền đất thiêng trên quê mình”. Khi tôi xem xong phóng sự 2 tập “Đi tìm kho báu dân gian ví, giặm Nghệ Tĩnh” do Đài Truyền hình TP Hồ Chí Minh thực hiện và nhắn tin chúc mừng, chị trả lời: “Vì thương câu hát cha ông, ý tưởng của chị được Đài Truyền hình TP Hồ Chí Minh đồng ý, thế là chị cùng các bạn lên đường ra Hà Tĩnh. Còn nhiều việc cần làm cho Hà Tĩnh em ạ. Phải đi tất cả các huyện nữa. Không làm thì có tội với tổ tiên cha mẹ. Những di sản như vậy phục vụ cho du lịch chứ đâu phải bỏ không”.
Nghệ nhân Nhân dân Hồng Oanh truyền dạy các thể loại diễn xướng Truyện Kiều tại Văn phòng Hội Kiều học Hà Tĩnh.
Lan tỏa ví, giặm ở đất phương Nam
Coi dân ca ví, giặm là kho báu dân gian nên chị cùng các văn nghệ sĩ, trí thức các tầng lớp, lứa tuổi bằng nhiều hình thức chung tay giữ gìn di sản. Không thể kể hết các lớp truyền dạy của chị cho các câu lạc bộ (CLB) văn nghệ ở các địa phương, sân khấu lớn nhỏ, đặc biệt là các trường đại học, cao đẳng, THPT ở TP Hồ Chí Minh, TP Thủ Đức, nơi gia đình chị sinh sống. Nghĩa là ở đâu có người yêu thích ví, giặm là ở đó chị cùng các nghệ nhân đến biểu diễn, truyền dạy.
Nghệ nhân Nhân dân Hồng Oanh và các thành viên CLB dân ca ví giặm phía Nam trong một chương trình biểu diễn
Sau hàng chục năm bền bỉ gây dựng, năm 2016, được sự ủng hộ của Hội đồng hương Nghệ Tĩnh ở TP Hồ Chí Minh, CLB dân ca ví giặm Nghệ Tĩnh phía Nam do chị làm chủ nhiệm ra đời và 6 năm qua vẫn duy trì đều đặn mỗi tuần 1 lần với 35 thành viên. Ngoài biểu diễn, truyền dạy dân ca ví, giặm, chị còn sáng tạo nhiều cách hát mới của các loại hình nghệ thuật dân gian của các vùng miền, sáng tác thơ, nghiên cứu về ví, giặm, Truyện Kiều…
Nghệ nhân Nhân dân Hồng Oanh cùng văn nghệ sĩ, trí thức Hà Tĩnh dâng hương tại bàn thờ đại thi hào Nguyễn Du trong lần cuối cùng về Hà Tĩnh (tháng 12/2023)
Như ngọn lửa luôn cháy sáng niềm đam mê bất tận, chị đã thổi vào tâm hồn hàng vạn người tình yêu với câu hát ông cha. Không chỉ ở thành phố Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, địa phương nào mời chị về biểu diễn, truyền dạy, chị sẵn sàng lên đường. Đặc biệt là với quê nhà Hà Tĩnh.
Với những nỗ lực không mệt mỏi và niềm đam mê bất tận của chị, ngày 4/3/2022, Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Hồng Oanh đã được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Nhân dân. Mới đây thôi, ngày 23/1/2024, chị vừa gửi tôi bức ảnh được thành phố Thủ Đức vinh danh là công dân tiêu biểu.
Giờ thì chị đã ngủ yên rồi, với giấc mơ cánh cò, câu ví, dòng sông… Khúc dân ca sẽ vỗ về, ru giấc ngủ ngàn thu của chị. Chỉ người còn sống tiếc nuối, nhớ thương giọng ca vàng ngọt lịm như suối nguồn, như sữa mẹ của chị. Khép lại bài viết này, bên tai tôi vẫn còn văng vẳng dư âm giọng hát của chị, tâm tưởng tôi vẫn còn lưu ảnh gương mặt rạng ngời phúc hậu của chị. Và lời chị dặn vẫn còn nhắc nhở biết bao người: “Đừng để mai một câu hát dân ca ví, giặm, thế là có tội với cha ông”. Yên lòng nhé chị ơi, người nghệ nhân của Nhân dân, người chị yêu quý của tất cả chúng em!
Bùi Minh Huệ