PV: “Tình thương” có một số phận đặc biệt bởi sau 7 năm, nó được nhiều người biết hơn, được những bạn bè nước ngoài của anh dịch sang tiếng Anh, tiếng Italia, đến với Vatican và được Giáo hoàng đón nhận. Anh có thể chia sẻ về cơ duyên đặc biệt này?
Hà Huy Thanh: Khi ra nước ngoài làm việc, tôi rất tự hào về Việt Nam. Anh Mario – một cộng sự của tôi – đã đọc cuốn sách này bằng tiếng Anh (tôi dịch cho các nhân viên của mình đọc) và bảo với tôi rằng, cuốn sách của cậu đặc biệt lắm, tư tưởng của cuốn sách nói lên được bản chất của người Việt, giúp anh giải thích được về Việt Nam. Đây là một giá trị mà người châu Âu đang rất coi trọng. Vì thế, anh đã kết nối dịch sang tiếng Italia và tổ chức ra mắt sách tại Rome.
Tôi nghĩ, mình có số phận “đặc biệt” nên cuốn sách cũng đặc biệt theo. Số phận đã cho tôi trải qua nhiều hoàn cảnh, như một chuyến du hành để mình thực hiện tâm nguyện của mình. Bằng tình thương, tôi có thể nói chuyện với bất kỳ ai, từ Giáo hoàng, tổng thống hay một người vô gia cư và tôi biết tình thương là giải pháp cho họ; dù họ gặp bất cứ vấn đề gì, dù họ là ai. Có một bệnh nhân ung thư viết thư cho tôi rằng, bà đang điều trị trong bệnh viện và con gái lần đầu tiên thể hiện tình thương với bà sau khi đọc cuốn sách tôi viết. Cháu đã mua tặng mẹ cuốn sách của tôi. Bà cảm ơn tôi đã giúp con gái bà diễn đạt tình yêu thương với mẹ.
Nhân loại sẽ ra sao nếu thiếu tình thương?
PV: Nhìn lại, có thể thấy “Tình thương” có một hành trình kỳ diệu khi kết nối và lan tỏa ra bạn bè quốc tế, được Giáo hoàng chia sẻ và xem tình thương là một di sản văn hóa của Việt Nam và nhân loại. Còn anh, anh quan niệm về tình thương như thế nào và anh đã truyền thông điệp về tình thương đến mọi người như thế nào?
Hà Huy Thanh: Đối với tôi, tình thương là một di sản của Việt Nam và chúng ta đã sống cùng nó trong suốt chiều dài của lịch sử dân tộc. Chúng ta chiến thắng trong các cuộc chiến tranh bằng hòa hiếu, yêu thương. Yêu thương vượt lên thù hận, xóa nhòa mọi khác biệt, để triệu người kết thành một khối, tạo nên sức mạnh. Việt Nam là một quốc gia của tình thương. Nếu nhìn Việt Nam bằng một lát cắt lịch sử sẽ thấy rất đau thương, nhưng nếu nhìn theo chiều dài lịch sử, ta sẽ thấy tình thương xuyên suốt như một sợi chỉ đỏ.
Bản chất của tình thương rất kỳ diệu và cuộc sống là một hành trình của tình thương, tự nó sẽ lan tỏa. Bố tôi 7 năm trước không đọc cuốn sách này, nhưng mới đây ông đã đọc và chia sẻ rằng, ông đã giác ngộ được tình thương và sống hạnh phúc, ý nghĩa hơn. Trong một hội thảo sách quốc tế, có một diễn giả hỏi ông rằng, tình thương ông dạy cho con khác tình thương con viết trong sách là gì. Ông trả lời: “Tôi dạy con bằng tình yêu thương truyền thống, bằng bản năng, cảm xúc, còn con trai tôi viết tình thương của trí tuệ”.
PV: Hành trình tình thương là hành trình tìm về cội nguồn văn hóa của mỗi dân tộc. Điểm chung của mỗi dân tộc, mỗi tôn giáo, mỗi con người là “Tình thương”. Nếu chúng ta thức tỉnh nguồn năng lượng tình thương trong mỗi con người thì chúng ta sẽ có một nhân loại của “Tình thương”. Vậy, theo anh, làm thế nào để “thức tỉnh” tình thương trong mỗi con người?
Hà Huy Thanh: “Chúng ta không phải là những con người có trải nghiệm tâm linh, mà chúng ta là những thực thể tâm linh có trải nghiệm về con người” – Pierre Teilhard de Chardin đã nói như vậy. Được đến với cuộc sống này, tôi vô cùng biết ơn những người mà mình có cơ hội gặp gỡ, những hoàn cảnh cuộc sống mang lại và trân trọng cuộc đời như đã có. Khi có tình thương, nghĩa là có “Thấu hiểu-Chia sẻ-Kiến tạo-Giải pháp”, tôi lại càng biết ơn cuộc đời, khi nhận ra mỗi chúng ta là một thành tố trong vũ trụ và là một nhân tố trong cuộc hành trình không ngừng nghỉ tìm về Chân-Thiện-Mỹ của nhân loại. Mỗi chúng ta từ khi sinh ra đã đối mặt với vô vàn câu hỏi từ những truân chuyên của cuộc sống, những công việc phải làm, những vai trò phải hoàn thành… khiến ta dường như quên trả lời câu hỏi: “Chúng ta từ đâu tới và chúng ta sẽ đi về đâu?”. Tôi mạnh dạn gieo lên một cánh đồng và hy vọng tự cánh đồng sẽ tỏa hương.
Mỗi con người đều phải thở. Khi thở, chúng ta đã kết nối với năng lượng vũ trụ. Tuy nhiên, chúng ta cần có một sự kết nối mạnh mẽ hơn cùng với những quy luật của vũ trụ. Do đó, chúng ta cần phải nhận thức lại chúng ta là ai, bên cạnh cái mà chúng ta đã được sinh ra như vậy. Vì vậy, thức tỉnh tình thương chính là hành trình tìm ra bản thể của mình.
PV: Anh nghĩ sao khi viết cuốn sách này anh từng mất đi nhiều người bạn, vì họ không đồng cảm với anh? Tình thương cũng gây ra mất mát đấy chứ?
Hà Huy Thanh: Tình thương là một nguồn năng lượng, nếu chỉ dừng ở mức tình cảm, từ thiện, ban ơn, mọi người sẽ thấy gần gũi, đồng cảm. Còn tình thương đến mức trí tuệ thì họ thấy tình thương như một gánh nặng, họ không dám đối mặt với nó.
Tôi nghĩ, đó là những sự mất mát tạm thời nhưng cũng là quy luật trên hành trình tìm kiếm con đường của mình. Những người đó không cho rằng tình thương là một mã gen và đặc tính phải có trong mỗi hành động. Họ cũng không nghĩ Việt Nam là một quốc gia của tình thương. Nhưng tôi tin, một ngày nào đó, mọi người sẽ nhận ra bởi khởi nguyên trong mỗi chúng ta đều có tình thương. Để thực hành tình thương, đôi khi phải bỏ thói quen cũ để “thấu hiểu, chia sẻ và kiến tạo giải pháp”.
PV: Khi cái ác còn tồn tại thì giá trị của tình thương là vĩnh cửu. Nhân loại sẽ ra sao nếu thiếu tình thương? Nhưng, khi thế giới tràn ngập tình thương thì tình thương lúc đó liệu có còn giá trị?
Hà Huy Thanh: Tự nhiên và con người giống nhau ở chỗ đều sinh ra từ những vụn vỡ. Cảm giác về sự bình yên trong bào thai của mẹ là sự bình yên tuyệt đối, đó là thế giới của tình yêu thương tràn đầy. Nhiều người bảo không có tình thương tuyệt đối, nhưng rõ ràng chúng ta sinh ra từ tình thương tuyệt đối. Tuy nhiên, vì nhiều lẽ mà chúng ta quên mất cái nguồn gốc ấy mà thôi. Khởi thủy của mỗi chúng ta là từ tình yêu thương tuyệt đối.
Trong cuốn sách vừa ra mắt bạn đọc, phát triển từ cuốn tình thương, tôi viết thêm một phần quan trọng: “Ứng dụng tình thương trong cuộc sống” sau 7 năm thực hành tình thương với sự biết ơn. Ứng dụng tình thương sẽ mang đến những vẻ đẹp nhiệm mầu trong cuộc sống. Nó là nguồn gốc của mọi tôn giáo. Đối với tôi, tình thương thuộc về thiên nhiên, tôi đi khám phá thiên nhiên và phát hiện ra một số quy luật của nó để quay trở về giải quyết vấn đề của con người.
PV: Nếu có ý kiến cho rằng, cuốn sách của anh đối với nhiều người không được thực tế lắm, đặc biệt khi anh bàn về cách giải quyết vấn đề toàn cầu thông qua tình thương. Nó quá chung chung. Anh nghĩ sao về nhận định này?
Hà Huy Thanh: Tôi nghĩ rằng, tôi đã tìm ra nội hàm của tình thương có trí tuệ là “Thấu hiểu-Chia sẻ-Kiến tạo-Giải pháp” thì cứ bám vào nội dung này, sẽ giúp chúng ta nhận diện và giải quyết các vấn đề rõ hơn. Tôi viết cuốn sách này bằng trực giác nên có yếu tố cảm tính của trực giác. Tôi đã kiểm nghiệm cảm tính trực giác đó bằng thực tiễn.
Để giải quyết các vấn đề toàn cầu, tôi cho rằng phải đi tìm nguồn gốc của vấn đề toàn cầu đó. Và, nguồn gốc của vấn đề toàn cầu chính là vấn đề nhận thức từ cá nhân đến cộng đồng. Vậy nên, nếu mỗi chúng ta giải quyết các vấn đề của cá nhân, đặc biệt là những người lãnh đạo, tạo ra sự đồng thuận chung, văn hóa chung thì chúng ta mới có căn cứ để giải quyết các vấn đề toàn cầu. Điểm mấu chốt mà tôi gọi là chìa khóa cho vấn đề toàn cầu – đó chính là “Tình thương”.
Các diễn giả trong hôi thảo về tình thương.
PV: Tôi còn nhớ, những năm 2000, khi còn là sinh viên, anh là người tiên phong đưa “Sơ đồ tư duy” của Tony Buzan về Việt Nam. Vì sao?
Hà Huy Thanh: Tôi là một người nghiện kiến thức, nghiện tư duy. Thời học sinh, tôi cũng học giỏi theo kiểu truyền thống. Lên đại học, tôi tò mò về não bộ. Tôi chỉ có phương tiện duy nhất để giỏi là bộ não và tôi phải dùng nó tối ưu phương tiện đó: phải thấu hiểu nó. Tôi đi dạy miễn phí cho sinh viên, cho các công ty giáo dục về sơ đồ tư duy. Ra trường, tôi làm kinh doanh và nhận ra, có một bộ não khác quan trọng hơn, bộ não đó giúp tôi phát hiện ra “chìa khóa” tình thương.
Tôi hiểu tình thương là chìa khóa và hiểu chìa khóa đang ở đâu. Tôi sống thức tỉnh bằng tình thương, nhờ tình thương mà mình thức tỉnh. Tôi chỉ là phương tiện và sẽ tiếp tục hành trình của mình, nhiệm vụ của mình là chứng minh với mọi người rằng: Việt Nam là quốc gia của tình thương. Tôi sẽ đi vào các vấn đề tình thương với AI (trí tuệ nhân tạo), với các vấn đề toàn cầu và muốn xây dựng cộng đồng văn hóa về tình thương.
PV: Là hậu duệ của cố Tổng Bí thư Hà Huy Tập, với anh là may mắn hay áp lực?
Hà Huy Thanh: Tôi nghĩ đó là động lực thì đúng hơn dù tôi ở một thế hệ cách biệt với cụ. Sứ mệnh của cụ là làm cho đất nước độc lập. Còn sứ mệnh của thế hệ tôi là làm cho dân tộc vẻ vang. Tôi có động lực, trong khó khăn, các cụ làm được như thế. Vậy, thế hệ mình có nhiều thuận lợi, tại sao không dám dấn thân? Tôi thấy mình may mắn được sinh ra ở Hà Tĩnh, mảnh đất có truyền thống ham học, ham hiểu biết.
PV: Sinh ra trong một gia đình truyền thống, hiếu học, anh có ký ức gì về cố nội của mình? Câu chuyện về Tổng Bí thư Hà Huy Tập được kể lại như thế nào?
Hà Huy Thanh: Trong ký ức, tôi được xem nhiều ảnh cụ Hà Huy Tập khi làm giáo viên ở Trường Quốc học Huế, dạy chương trình dân tộc và bị cho nghỉ dạy. Sau đó, như một cơ duyên, tôi lại là đứa chắt trong dòng họ tiếp nối nhiệm vụ đi tìm mộ cụ, đó là hành trình của quá khứ được kết nối với hiện tại. Tôi thấy mình được tham gia vào một phần trong lịch sử của cụ, cảm giác đó đẹp và lãng mạn vô cùng. 19 tuổi, tôi đã được tham dự chương trình tìm hài cốt cụ Hà Huy Tập và 8 năm sau, tôi vinh dự được đọc diễn văn truy điệu cụ. Tôi nghĩ, sự hiện diện hôm nay có kết nối từ quá khứ.
PV: Khi còn khá trẻ, anh đã được dòng họ và gia tộc đề cử làm “Chủ nhiệm chương trình”, trực tiếp thay mặt gia đình và dòng tộc đọc lời diễn văn đáp từ trong lễ truy điệu cố Tổng Bí thư Hà Huy Tập được tổ chức theo nghi thức quốc gia. Có bao giờ anh tự hỏi nguyên cớ nào mà anh được giao trọng trách này?
Hà Huy Thanh: Việc tìm kiếm hài cốt để đưa cụ Hà Huy Tập về với quê hương Hà Tĩnh là trăn trở của cả dòng họ. Qua nhiều thế hệ, việc này vẫn đau đáu trong suốt 68 năm kể từ ngày cụ bị xử tử và chặt đầu sau cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ. Dòng họ Hà chúng tôi có nhiều người con rất giỏi như GS. Hà Văn Tấn, GS. Hà Học Trạc và các chú bác trong dòng họ đã dành 8 năm ròng rã đi tìm, bằng nhiều cách thức, nhiều phương pháp. Lúc đó, tôi còn trẻ, lại là con út trong gia đình, không phải cháu đích tôn. Tuy nhiên, gia tộc và dòng họ lựa chọn tôi để thực hiện nhiệm vụ thiêng liêng đó, vì các ông, các bác cho rằng tôi có sứ mệnh đó. Sứ mệnh mà tôi được dạy là “sứ mệnh với tổ tiên, sứ mệnh với các vị tiền bối”. Khi biết mình là người được chọn, với vai trò là một người con của dòng họ, tôi chấp hành. Tôi mất 8 năm đi tìm hài cốt của cụ và đưa cụ trở về quê hương. Với tôi, quê hương là một hiện thực đẹp.
Tác giả Hà Huy Thanh trò chuyện với phóng viên.
PV: Gốc gác và nền tảng của một gia đình truyền thống có ảnh hưởng như thế nào đến con đường phát triển của anh? Anh đã kế thừa di sản cụ Hà Huy Tập để lại như thế nào?
Hà Huy Thanh: Cụ là một lãnh tụ đi tìm đường giải phóng dân tộc. Tôi học được tinh thần dấn thân của cụ, những tư tưởng lớn mà cụ để lại. Làm thanh niên vừa phải thích nghi nhưng cũng phải biết hóa giải, giải quyết vấn đề. Vậy, hôm nay, sao chúng ta không dám dấn thân, đi tìm sự vĩ đại của một dân tộc là hành trình gian khổ, nhưng không có nghĩa là không thể?
PV: Cảm ơn cuộc trò chuyện của anh.
Nội dung: NHƯ BÌNH – BẢO NHIÊN
Trình bày: PHI NGUYÊN
Ảnh: ĐẶNG GIANG
Nhandan.vn
Nguồn: https://special.nhandan.vn/co-mot-bo-nao-khac-quan-trong-hon-do-la-tinh-thuong/index.html