Ích Hậu (Lộc Hà, Hà Tĩnh) dẫu là vùng đất nhỏ những có bề dày lịch sử , như một “từ trường” sản sinh ra nhiều người con ưu tú làm rạng danh quê hương đất nước, trong đó có những người con của dòng họ Trần Quốc.
Vang danh miền quê anh hùng
Một góc xã Ích Hậu hôm nay.
Xã Ích Hậu trước năm 2007 thuộc huyện Can Lộc, nay thuộc huyện Lộc Hà. Đây là mảnh đất có khí thiêng núi sông tụ nghĩa, sản sinh ra nhiều nhà hoạt động cách mạng và danh nhân văn hóa nổi tiếng như: Nguyễn Hằng Chi – người lãnh đạo xuất sắc nhất trong phong trào chống thuế năm Mậu Thân (1908) ở Hà Tĩnh; Nguyễn Đổng Chi – một trong những nhà văn hóa dân gian hàng đầu của đất nước thế kỷ 20; Nguyễn Từ Chi – nhà dân tộc học hàng đầu của Việt Nam; Lê Viết Lượng – nhà cách mạng và chính khách Việt Nam, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước sau cách mạng 1954, một trong những người thầy đầu tiên của ngành Ngân hàng; Trần Quốc Thại – nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy, nguyên Chủ tịch HĐND tỉnh Nghệ Tĩnh, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh, từng là đặc phái viên của Ban Bí thư Trung ương Đảng; Đại tá Nguyễn Đức Hùng (tức Tư Chu) – Anh hùng Lực lượng vũ trang, vị Chỉ huy trưởng Biệt động Sài Gòn lừng lẫy một thời; Đại tá Lê Xi – Anh hùng Lực lượng vũ trang, Chính ủy Binh đoàn 559; Trần Đình Đàn – nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, nguyên Bí thư Tỉnh ủy, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh…
Những người đảng viên của xã Ích Hậu giai đoạn năm 1930 – 1931. (Ảnh tư liệu).
Từ khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời (3/2/1930), nhiều người con quê hương đã đi theo cách mạng và có đóng góp lớn trong thời kỳ cách mạng 1930 – 1931, tiền khởi nghĩa, Cách mạng Tháng Tám và trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Trong phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh năm 1930 – 1931, 8 thôn trên địa bàn xã đều xây dựng được những chi bộ Đảng Cộng sản hoạt động bí mật. Toàn xã có 7 Bà mẹ Việt Nam anh hùng, 33 cán bộ lão thành cách mạng, cán bộ tiền khởi nghĩa, 7 liệt sĩ thời kỳ 1930 – 1931, 114 liệt sĩ, 101 thương, bệnh binh và hơn 1.000 người có công với cách mạng…
Bến đò Thượng Trụ – nơi đánh dấu sự ra đời của Đảng bộ tỉnh cách đây 94 năm.
Ích Hậu cũng là nơi có tổ chức đảng ra đời từ sớm và hoạt động khá mạnh. Từ năm 1927, tổ đảng Hồng Kinh ra đời; đến đầu năm 1930, tổ đảng được phát triển và thành lập nên Chi bộ Cải Lương (nay là Chi bộ Bắc Kinh). Đó cũng là tiền đề để tháng 9/1930, Xã bộ Ba Xã (tên gọi cũ của Đảng bộ xã Ích Hậu) được ra đời. Đáng chú ý, Chi bộ Cải Lương là một trong những chi bộ được ra đời từ sớm trực thuộc Đông Dương Cộng sản Liên đoàn (1 trong 2 tổ chức đảng hợp nhất nên Đảng bộ lâm thời Đảng cộng sản Việt Nam tỉnh Hà Tĩnh vào tháng 3/1930). Thành viên Chi bộ Cải Lương đã tham gia hội nghị tại Bến Đò Thượng Trụ – nơi đánh dấu sự ra đời của Đảng bộ tỉnh cách đây 94 năm.
Giáo viên và học sinh Trường THPT Nguyễn Đổng Chi tham quan, tìm hiểu về các giá trị văn hóa, lịch sử của đền Cả.
Ngoài ra, trên địa bàn có 9 di tích lịch sử văn hóa được xếp hạng cấp tỉnh và quốc gia. Trong đó, Đền Cả – nơi thờ thần Tam Lang long vương với thần tích linh thiêng, đây cũng là nơi hội họp bí mật của tổ chức đảng vùng hạ Can trong thời kỳ 1930 – 1931, được công nhận di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia năm 1992. Đền thờ Nguyễn Văn Giai, người từng làm đến chức Tể tướng thời Lê – Trịnh, nơi đang lưu giữ tấm bia đá và bản sắc phong cổ bằng lụa dài bậc nhất Việt Nam. Bên cạnh đó, nhà thờ họ Nguyễn Đức Lục Chi, đền Cồn Khái và nhà thờ họ Trần Quốc cũng là những di tích tiêu biểu.
Từng là vùng quê nghèo, đồng chua chiêm trũng nhưng với truyền thống cách mạng, hiếu học, Ích Hậu đã nuôi dưỡng bao bậc hiền tài của đất nước và không ngừng vươn lên xây dựng đời sống hôm nay. Trong thời kỳ đổi mới và hội nhập, xã Ích Hậu đã có nhiều đóng góp và đạt nhiều thành tựu, được công nhận là đơn vị Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân năm 2004; đạt chuẩn xã nông thôn mới 2015 và đang phấn đấu xây dựng xã nông thôn mới kiểu mẫu vào năm 2025.
Sáng mãi dòng họ cách mạng
Dường như truyền thống quê hương cách mạng Ích Hậu đã trở thành mạch nguồn nuôi lớn, dưỡng dục nên những người con có chí lớn, nhân tài cho đất nước Việt Nam, trong đó có dòng họ Trần Quốc – dòng họ lớn ở thôn Bắc Kinh.
Thôn Bắc Kinh – mảnh đất bao chứa những người con dòng họ Trần Quốc là cái nôi của phong trào cách mạng, thành lập và phát triển tổ chức Đảng từ rất sớm.
Họ Trần Quốc thôn Bắc Kinh xuất xứ từ gốc tổ Trần Kinh phát tích ở huyện Đông Triều (Quảng Ninh). Cuối thế kỷ XVII, đầu thế kỷ XVIII, sơ tổ Trần Quốc Sở, đời thứ 27 đã thiên di vào thôn Bắc Kinh để gây dựng cơ nghiệp và hình thành nên dòng họ Trần Quốc. Kế nghiệp tiền nhân, ở đời nào dòng họ cũng có những người con đóng góp xứng đáng đối với lịch sử đất nước.
Cụ Trần Quốc Chân – hậu Duệ đời thứ 30, là cụ tổ dòng họ Trần Quốc được triều Lê Trung Hưng phong giữ chức Thỉ tướng Thị lang Hoàng Long điện. Cụ Trần Quốc Liêu (con trưởng cụ tổ Trần Quốc Chân) là tướng giỏi phò giúp Vua Quang Trung đánh tan 29 vạn quân Thanh xâm lược cuối thế kỷ XVIII và được phong chức Điện tiền Chỉ huy sứ Hộ quân.
Từ hai cuộc kháng chiến, đến thời kỳ xây dựng đất nước, dòng họ Trần Quốc đã có tới 16 người con làm rạng danh lịch sử Hà Tĩnh, trở thành tấm gương sáng cho các bậc hậu duệ noi theo.
Đến nay, họ Trần thôn Bắc Kinh đã trải qua hơn 230 năm với 10 đời con cháu nối tiếp nhau định cư trên vùng đất này. Đồng hành cùng với sự thăng trầm của lịch sử dân tộc, các thế hệ con cháu dòng họ Trần Quốc có nhiều công lao đóng góp cho quê hương, đất nước. Từ hai cuộc kháng chiến, đến thời kỳ xây dựng đất nước, dòng họ Trần Quốc đã có tới 16 người con làm rạng danh lịch sử Hà Tĩnh, trở thành tấm gương sáng cho các bậc hậu duệ noi theo.
Nhiều người trong kháng chiến bị địch bắt và tù đày nhưng vẫn một lòng trung kiên với Đảng và cách mạng, được tặng các danh hiệu cao quý của Đảng và Nhà nước như: ông Trần Quốc Châu, từng là Tỉnh ủy viên, Bí thư đầu tiên của Huyện ủy Can Lộc năm 1930 – 1931; ông Trần Quốc Kính, Bí thư – Chủ tịch UBND huyện Can Lộc (1964 – 1978), là người cùng quân và dân cả nước làm nên kỳ tích huyền thoại Ngã ba Đồng Lộc; ông Trần Quốc Tiệm là đảng viên Đảng Tân Việt từ năm 1927; ông Trần Quốc Ninh, Trần Quốc Nhứ là các đảng viên lão thành cách mạng…
Đặc biệt, trong một gia đình có 3 người cùng được tặng Huân chương Độc lập, đó là liệt sĩ Trần Quốc Nhứ (anh trai), ông Trần Quốc Thại (em trai) và ông Trần Đình Đàn (cháu trai).
Không chỉ vậy, Bắc Kinh – nơi bao chứa những người con dòng họ Trần Quốc là cái nôi của phong trào cách mạng, thành lập và phát triển tổ chức Đảng từ rất sớm.
Nhà thờ họ Trần Quốc được công nhận di tích lịch sử – văn hóa năm 2018.
Ông Đặng Quang Bắc – Bí thư Đảng ủy xã Ích Hậu cho biết: “Bắc Kinh là ngôi làng nhỏ nhưng có nhiều cán bộ lão thành cách mạng. Đây còn đặc biệt bởi là nơi có 2 đảng viên kết nạp tại chi bộ đã trở thành Bí thư Tỉnh ủy. Đáng trân quý, đồng chí Trần Quốc Thại từ một bí thư chi đoàn, bí thư chi bộ thôn, sau nhiều cống hiến, phấn đấu đã trở thành Bí thư Tỉnh ủy đầu tiên của Hà Tĩnh thời kỳ tái lập tỉnh, là đặc phái viên của Ban Bí thư Trung ương… Là người cán bộ được rèn giũa, trưởng thành từ cơ sở, mọi tư duy, hành động của đồng chí Thại trong quá trình công tác luôn gắn với dân, hiểu dân, gần dân. Đó cũng là bài học lớn trong công tác cán bộ mà thế hệ chúng tôi luôn học hỏi, noi theo. Đến bây giờ, đồng chí vẫn luôn được người dân Ích Hậu nhắc đến là người đóng vai trò quan trọng trong khai hoang phục hóa, đắp đê ngăn mặn giữ ngọt, giúp dân đào giếng để cả làng có nước sạch dùng, phát động phong trào làm phân xanh bón ruộng, xóa nạn mù chữ… Hình ảnh người đảng viên 75 năm tuổi Đảng của đồng chí Thại mãi là tấm gương sáng cho các đảng viên học tập”.
Đại tướng Võ Nguyễn Giáp trò chuyện với đồng chí Trần Quốc Thại (ngoài cùng bên phải) và đoàn công tác. (Ảnh gia đình cung cấp).
Chia sẻ về người lãnh đạo đứng đầu tỉnh thời kỳ mới tái lập, nhà văn Đức Ban trải lòng: “Ở ông Trần Quốc Thại có lòng thương người, trắc ẩn, chịu thương, chịu khó, cần cù, lăn lộn với phong trào… Điều đó có được ngoài phẩm cách cá nhân còn nhờ sự bao dung, đùm bọc của truyền thống văn hóa cộng đồng. Có thể nói, ông Thại và dòng họ Trần Quốc nói riêng, người dân Ích Hậu nói chung nằm trong từ trường văn hóa cộng đồng của vùng quê cách mạng. Sự nghèo khó của vùng quê ấy đã nuôi nấng, bồi dưỡng nên cốt cách con người”.
Chủ tịch Hội Người cao tuổi Việt Nam Nguyễn Thanh Bình và các đồng chí Thường trực Tỉnh ủy Hà Tĩnh, Thành ủy Hà Tĩnh chúc mừng đồng chí Trần Quốc Thại nhận Huy hiệu 75 năm tuổi Đảng.
Không chỉ với những người con của dòng họ Trần Quốc, mà mỗi người con quê hương Ích Hậu vẫn đang không ngừng nỗ lực vun đắp truyền thống, góp sức xây dựng quê hương. Tự hào miền quê của nhiều anh tài, Ích Hậu đã và đang vượt lên từ vùng chiêm trũng, vươn mình mạnh mẽ trên hành trình xây dựng xã nông thôn mới kiểu mẫu, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị vững mạnh. “Từ trường văn hóa” của miền quê với bề dày truyền thống văn hóa, lịch sử ấy vẫn đang ngày càng tỏa rạng, làm động lực, nền tảng để các thế hệ sau viết tiếp trang sử hào hùng của cha anh đi trước.
Bảo Anh