Dẫu làm quản trang tại Nghĩa trang Liệt sĩ Nầm (ở thôn Sinh Cờ, xã Sơn Châu, Hương Sơn, Hà Tĩnh) chưa lâu, song, anh Hồ Thanh Hải (SN 1973) như đã gắn bó sâu nặng và tự nguyện gắn bó đến hết cuộc đời…
Nghĩa trang liệt sĩ Nầm.
Tình nguyện viết đơn xin làm quản trang
Đều đặn mỗi ngày, tiếng bước chân chầm chậm, tiếng chổi tre xào xạc khẽ khua lá vàng cùng đôi bàn tay lặng lẽ cắt cỏ, lau mộ… của anh Hồ Thanh Hải lại vang lên trong không gian tĩnh lặng của Nghĩa trang Liệt sĩ Nầm (Hương Sơn). Công việc lặng lẽ này như mang lại hơi ấm, niềm an ủi cho những anh hùng liệt sĩ đang yên nghỉ nơi đây.
Mỗi ngày, anh Hải đều dành phần lớn thời gian làm việc tại Nghĩa trang liệt sĩ Nầm.
Nghĩa trang Liệt sĩ Nầm hiện có gần 1.200 ngôi mộ liệt sĩ. Làm công việc này gần 6 năm trước, đến nay, anh Hải đã thuộc nằm lòng vị trí của từng ngôi mộ.
Nói về cơ duyên gắn bó với công việc này, anh Hải chia sẻ: “Đầu năm 2018, người trông coi Nghĩa trang Liệt sĩ Nầm nghỉ việc, tôi đã tự nguyện viết đơn xin làm công việc này. Dù thời điểm ấy, nhiều người thân không hài lòng do mình đang làm công việc lái xe, thu nhập khá ổn định, trong khi đó, công việc trông coi nghĩa trang chỉ dành cho những người về hưu có thời gian. Thế nhưng, được vợ động viên, tôi đã không chần chừ nhận việc và xem đó như một mối lương duyên. Để từ đó, tôi trở thành người quản trang của Nghĩa trang liệt sĩ Nầm cho đến nay”.
Anh Hải luôn tự tay sửa soạn, chăm sóc từng phần mộ.
Một lý do nữa khiến anh Hải quyết tâm trở thành người quản trang, bởi người chú ruột của anh là liệt sĩ Hồ Quang Huy, hy sinh năm 1973 tại Tây Nguyên hiện chưa tìm được mộ. Anh và gia đình luôn mong mỏi ở một nghĩa trang nào đó, liệt sĩ Hồ Quang Huy sẽ được thờ phụng. Công việc quản trang vì thế đã trở thành cách để anh cùng gia đình gửi gắm mong ước đó.
Với anh Hải, công việc quản trang này không quá mệt nhọc nhưng cần sự cần mẫn, tỉ mỉ và làm việc bằng cái tâm, trách nhiệm của bản thân.
Người thân đến thăm viếng các anh hùng liệt sĩ tại Nghĩa trang Liệt sĩ Nầm.
Mỗi năm, nhất là vào các dịp lễ, tết, kỷ niệm Ngày Thương binh – Liệt sĩ (27/7), Nghĩa trang Liệt sĩ Nầm đón tiếp nhiều đoàn cán bộ, cá nhân, gia đình thân nhân liệt sĩ đến viếng thăm, bày tỏ lòng tri ân các anh hùng liệt sĩ. Vào những dịp như vậy, công việc của anh Hải lại tăng gấp 2, gấp 3 lần so với ngày thường. Nhưng với anh, đó là một công việc rất đáng tự hào, anh làm không chỉ vì trách nhiệm mà còn bởi cái tâm của người quản trang.
Nơi yên nghỉ của các anh hùng liệt sĩ luôn được chăm lo chu đáo.
Anh Hải tâm sự: “Tôi sinh ra trong thời kỳ chiến tranh chống Mỹ đã gần đi vào hồi kết, Hiệp định Paris được ký kết. Dẫu vậy, qua lời kể của cha mẹ, sự hy sinh của chú ruột, tôi thấu hiểu được sự khốc liệt của chiến tranh và nỗi mất mát, đau thương của người ở lại. Sự khốc liệt ấy không chỉ đến từ sự hy sinh mà còn là nỗi đau kéo dài đến tận hôm nay, khi hàng triệu ngôi mộ liệt sĩ đang nằm khắp dọc dài đất nước, là những ngôi chưa rõ tên tuổi”.
Nguyện làm quản trang đến khi mắt mờ, chân run
Do đặc thù công việc nên thời gian anh Hải ở nghĩa trang nhiều hơn ở nhà. Những hôm trái gió trở trời, mưa lạnh hay nắng nóng thường khá vất vả nhưng, với anh, đó chỉ là những khó khăn nhất thời, bởi trên hết, anh yêu công việc này, muốn gắn bó và cống hiến đến khi mắt mờ, chân run. “Công việc âm thầm cho tôi những khoảng lặng bình yên. Tôi đã yêu công việc này như cách tôi chở che, bảo vệ gia đình của mình vậy” – anh Hải chia sẻ.
Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh và các anh hùng liệt sĩ tại khuôn viên Nghĩa trang Liệt sĩ Nầm được anh Hải trông nom, chăm sóc cẩn thận.
Cái nắng gắt những ngày cuối tháng 7 khiến lưng áo luôn ướt đẫm mồ hôi, nhưng anh chẳng nề hà mà chăm chỉ ngồi lau từng tấm bia mộ, nhổ từng ngọn cỏ để nghĩa trang được đẹp hơn hay đơn giản là việc chuẩn bị các mâm lễ được ngăn nắp hơn.
Công việc thầm lặng của anh Hải tại nghĩa trang liệt sĩ Nầm.
Ông Nguyễn Ngọc Thiết (quê thị trấn Phố Châu, Hương Sơn) – thân nhân liệt sĩ Nguyễn Đình Tự cho biết: “Anh trai tôi hy sinh năm 1979 tại chiến trường Campuchia và được an nghỉ tại Nghĩa trang Liệt sĩ Nầm. Mỗi dịp lễ tết, tôi và gia đình đều sắp xếp về đây, thắp nén hương thơm cho anh. Đến nghĩa trang, nhìn thấy khuôn viên sạch đẹp, gọn gàng…, tôi chỉ biết nói lời cảm ơn tới anh Hải và mong anh có sức khỏe để gắn bó với công việc này”.
Với những ngôi mộ chưa xác định được thông tin, không người thân thăm viếng, anh Hải luôn xem họ như những người thân và chăm sóc chu đáo. Anh trải lòng: “Tôi nguyện một lòng chăm sóc các anh khi còn sức lực và xem đây là niềm hạnh phúc của bản thân. Và hơn hết, động lực để tôi gắn bó với công việc là sự biết ơn, tri ân của hậu thế với lớp lớp cha anh đã ngã xuống vì sự trường tồn của dân tộc”.
Anh Hải cẩn thận chăm sóc từng hàng cây xanh trong khuôn viên nghĩa trang.
Vượt qua những lời “bàn ra tán vào” khi nhận công việc quản trang ở độ tuổi còn trẻ, anh Hải vững tin hơn bởi có sự đồng hành, sẻ chia của vợ và gia đình. Chị Lưu Thị Vy Sen (SN 1979, vợ anh Hải) chia sẻ: “Công việc này thu nhập không cao, thời gian ở nghĩa trang còn nhiều hơn ở nhà, song đó là mong mỏi của chồng tôi nên tôi cùng các con đều rất ủng hộ. Đây cũng là một việc làm để tích đức cho con cháu nên chúng tôi chẳng ngại ngần”.
Nghề quản trang như một mối lương duyên với anh Hải.
Với anh Hải, được góp công sức làm đẹp nơi tôn nghiêm này, được giúp thân nhân các anh hùng liệt sĩ chăm sóc chu đáo cho từng ngôi mộ là điều hạnh phúc không gì có thể mua được. Để mai kia, mỗi khi thân nhân liệt sĩ đến thăm viếng, họ sẽ cảm thấy an lòng, thầm cảm ơn những người quản trang thầm lặng…
Văn Chung