Khởi nghiệp với xây dựng thương hiệu sản phẩm từ thế mạnh địa phương và tham gia chương trình OCOP, nhiều người trẻ Hà Tĩnh đã có những thành công bước đầu, các sản phẩm được thị trường đón nhận.
Bộ sản phẩm trầm hương Tâm Thiên Hương đạt chuẩn OCOP 4 sao năm 2021.
Bằng tình yêu và sự đam mê với trầm hương, chị Nguyễn Thị Huyền Trang (SN 1992) – Giám đốc Công ty TNHH Thương mại dịch vụ Linh Trang (TP Hà Tĩnh) đã từng bước xây dựng và phát triển thương hiệu Trầm hương Tâm Thiên Hương trên thị trường. Đến thời điểm này, đây cũng là thương hiệu trầm hương duy nhất trên địa bàn tỉnh đạt chuẩn OCOP 4 sao với các sản phẩm nụ trầm, nhang trầm.
Chị Huyền Trang chia sẻ: “Trước đây, tôi làm về mảng du lịch và bán vé máy bay nhưng vì đam mê với trầm, hơn nữa gia đình chồng tôi lại ở Hương Khê và trồng cây dó trầm nên tôi quyết định thử sức với sản phẩm từ thế mạnh của quê hương. Năm 2019, chúng tôi bắt đầu thực hiện sản xuất. Đến đầu năm 2021, những sản phẩm đầu tiên được bán ra thị trường. Xác định hướng đi bền vững là sản xuất sạch, chất lượng, an toàn cho người sử dụng nên tất cả các sản phẩm trầm hương Tâm Thiên Hương đều được làm từ 100% trầm hương tự nhiên. Cuối năm 2021, sản phẩm của công ty được đánh giá đạt chuẩn OCOP 4 sao, giúp cho trầm hương Tâm Thiên Hương càng thêm được khẳng định thương hiệu trên thị trường”.
Kênh bán hàng chính của trầm hương Tâm Thiên Hương là qua các nền tảng trực tuyến.
Theo chị Huyền Trang, cùng với chất lượng, công ty cũng chú trọng trong khâu thiết kế bao bì, mẫu mã sản phẩm để phù hợp với thị hiếu tiêu dùng. Bên cạnh phân phối cho các cửa hàng, đại lý trong và ngoài tỉnh, công ty đã tận dụng lợi thế của các nền tảng trực tuyến như fanpage, facebook, tiktok, shopee… để quảng bá sản phẩm và bán hàng. Đây cũng là kênh bán hàng chính để tiêu thụ sản phẩm của công ty.
Cũng nuôi ý chí xây dựng thương hiệu riêng cho mình, anh Nguyễn Hữu Duẩn (SN 1992, xã Lưu Vĩnh Sơn, Thạch Hà) sau 10 năm lăn lộn kiếm sống ở xứ sở chùa Vàng với công việc làm giò chả đã quyết định trở về quê hương mở cơ sở sản xuất giò chả Thành Duẩn và tham gia chương trình OCOP.
Anh Duẩn cho biết: “Năm 2019, trở về quê bắt đầu với cơ sở sản xuất nhỏ, năm 2020, chúng tôi đầu tư máy móc, xây dựng nhà xưởng để mở rộng quy mô và đăng ký tham gia chương trình OCOP. Đến năm 2021, đáp ứng đủ các tiêu chuẩn, sản phẩm của cơ sở được chứng nhận đạt chuẩn OCOP 3 sao. Đây cũng là bước ngoặt lớn trong sự phát triển của cơ sở. Sản phẩm có gắn tem OCOP được người tiêu dùng tin tưởng lựa chọn, chúng tôi tích cực trong khâu xúc tiến thương mại bằng việc tham gia các hội chợ, hội nghị và quảng bán sản phẩm trên facebook, zalo, các sàn thương mại điện tử của tỉnh. Qua bán hàng, chúng tôi cũng nắm bắt phản hồi của khách hàng để điều chỉnh, hoàn thiện hơn về chất lượng, mẫu mã sản phẩm hơn”.
Theo anh Duẩn, hiện nay, trung bình mỗi tháng cơ sở bán ra khoảng 1,5 tấn giò chả các loại, gấp gần 10 lần so với trước khi tham gia OCOP. Cơ sở cũng đang tạo việc làm thường xuyên cho 4 lao động, khi cao điểm phải thuê thêm khoảng 8 lao động thời vụ mới đáp ứng kịp đơn hàng.
Giò chả Thành Duẩn thường xuyên có mặt tại các sự kiện xúc tiến thương mại trong và ngoài tỉnh.
Không chỉ với chị Trang, anh Duẩn, chương trình OCOP đã tạo nhiều cơ hội, thu hút những người trẻ đam mê khởi nghiệp, biến nông sản địa phương thành những sản phẩm có thương hiệu trên thị trường; từ đó tăng thu nhập, thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn.
Hà Tĩnh hiện có 237 sản phẩm OCOP 3 sao và 4 sao, trong đó nhiều sản phẩm được sở hữu bởi những chủ thể là người trẻ. Từ những tiềm năng, thế mạnh của địa phương, nhiều thanh niên Hà Tĩnh đã tự tin khởi nghiệp và xây dựng thương hiệu, xây dựng sản phẩm đạt chuẩn OCOP và được thị trường đón nhận như: bánh đa vừng Nguyên Lâm của anh Lê Văn Duẩn (huyện Kỳ Anh), thực phẩm sạch Thủy Mộc của chị Trần Thị Quang Cảnh (Hương Sơn), nhung hươu Việt của anh Nguyễn Khắc Huân (Hương Sơn)…
Anh Nguyễn Khắc Huân (SN 1993) khởi nghiệp thành công với sản phẩm chế biến từ đặc sản nhung hươu.
Ông Lê Thanh Tùng – Trưởng phòng OCOP, Văn phòng điều phối NTM tỉnh cho biết: “Thế hệ trẻ có rất nhiều lợi thế trong xây dựng và phát triển sản phẩm từ thế mạnh của địa phương cũng như tham gia chương trình OCOP. Không chỉ năng động, sáng tạo, thế hệ trẻ còn có niềm đam mê, tinh thần khởi nghiệp cao, dám nghĩ, dám đổi mới. Họ là những người nhanh nhạy trong tiếp cận, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, quản trị doanh nghiệp; nhạy bén nắm bắt nhu cầu thị trường, thị hiếu người tiêu dùng để cải tiến chất lượng, mẫu mã sản phẩm và sáng tạo, nhanh nhạy trong thực hiện chuyển đổi số, phát huy thế mạnh của nền tảng số, thương mại điện tử để quảng bá, tiêu thụ sản phẩm”.
Cũng theo ông Tùng, hướng phát triển của chương trình OCOP trong thời gian tới là đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ số trong sản xuất và phát triển thị trường; xây dựng đội ngũ chủ thể OCOP đủ năng lực dẫn dắt người nông dân phát triển kinh tế, thay đổi tư duy phát triển; đẩy mạnh xúc tiến thương mại để người dân có cơ hội tìm kiếm bạn hàng, mở rộng quy mô sản xuất… Do vậy, vai trò của những chủ thể trẻ là rất quan trọng trong việc tạo động lực kết nối, phát triển sản phẩm mang bản sắc địa phương.
Ngọc Loan