Chủ rừng nào để xảy ra vi phạm Luật Lâm nghiệp trên lâm phần được giao quản lý mà không phát hiện, xử lý, báo cáo kịp thời thì thủ trưởng đơn vị đó phải chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh Hà Tĩnh và trước pháp luật.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Hồng Lĩnh vừa ký văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh về tăng cường quản lý, bảo vệ rừng, PCCC rừng trước, trong và sau Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024. |
Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh giao các đơn vị chủ rừng thực hiện nghiêm túc trách nhiệm bảo vệ rừng, PCCCR của chủ rừng theo quy định của Luật Lâm nghiệp; tập trung kiểm tra, rà soát, xác định các khu vực rừng trọng điểm có nguy cơ xâm hại cao, các khu vực rừng trọng điểm dễ cháy để xây dựng và tổ chức thực hiện có hiệu quả kế hoạch bảo vệ rừng, PCCCR trước, trong và sau Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024; chủ động lực lượng, phối hợp chặt chẽ với các ngành chức năng, chính quyền địa phương tăng cường tuần tra, kiểm tra, thực hiện tốt công tác bảo vệ rừng tại gốc; phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật; chủ động “4 tại chỗ”, sẵn sàng tham gia chữa cháy rừng kịp thời, hạn chế tối đa thiệt hại.
Đồng thời, tổ chức thực hiện có hiệu quả các nội dung phương án quản lý rừng bền vững giai đoạn 2021-2030 của đơn vị đã được phê duyệt; đối với các đơn vị chủ rừng chưa được phê duyệt phương án quản lý rừng bền vững, khẩn trương hoàn thiện trình cấp có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt để tổ chức thực hiện. Hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ bảo vệ và phát triển rừng năm 2023, chủ động xây dựng và thực hiện kế hoạch năm 2024.
Chủ rừng nào để xảy ra vi phạm Luật Lâm nghiệp trên lâm phần được giao quản lý mà không phát hiện, xử lý, báo cáo kịp thời thì thủ trưởng đơn vị đó phải chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh và trước pháp luật.
CBCS Đồn Biên phòng Bản Giàng (Hương Khê) phối hợp tuần tra biên giới gắn với bảo vệ rừng.
UBND các huyện, thành phố, thị xã tiếp tục quán triệt, tuyên truyền, triển khai thực hiện nghiêm túc các chủ trương, đường lối của Đảng về quản lý, bảo vệ và phát triển rừng…; nêu cao tinh thần, trách nhiệm, thực hiện tốt chức năng quản lý Nhà nước về rừng và đất lâm nghiệp trên địa bàn; chỉ đạo UBND cấp xã, các chủ rừng kiểm tra, rà soát xác định các vùng rừng tự nhiên trọng điểm có nguy cơ xâm hại cao, các khu vực rừng trọng điểm dễ cháy để tập trung chỉ đạo, thực hiện tốt công tác bảo vệ rừng, PCCCR, tuyệt đối không để rừng bị xâm hại, bị cháy.
Chỉ đạo các ngành chức năng, chính quyền địa phương tăng cường phối hợp kiểm tra, giám sát các chủ rừng thực hiện tốt công tác bảo vệ rừng tại gốc, nhất là đối với diện tích rừng tự nhiên hiện có; các chương trình, dự án có liên quan đến rừng và đất lâm nghiệp; các cơ sở kinh doanh, chế biến lâm sản; bảo vệ động vật hoang dã..; kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật lâm nghiệp (kể cả việc khai thác, mua bán các loài thực vật rừng ngoài gỗ có nguồn gốc từ rừng tự nhiên để làm cảnh trái phép). Rà soát các vụ việc còn tồn đọng liên quan đến rừng và đất lâm nghiệp trên địa bàn để tập trung xử lý dứt điểm.
Địa phương nào để xảy ra vi phạm Luật Lâm nghiệp trên lâm phần được giao quản lý thì Chủ tịch UBND cấp huyện phải chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh và trước pháp luật.
Sở NN&PTNT chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị chủ rừng triển khai thực hiện nghiêm túc trách nhiệm của chủ rừng theo quy định của Luật Lâm nghiệp và các nội dung chỉ đạo của UBND tỉnh, nhất là xây dựng và tổ chức thực hiện có hiệu quả kế hoạch bảo vệ rừng, PCCCR trước, trong và sau Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024.
Chỉ đạo lực lượng kiểm lâm tham mưu chính quyền địa phương các cấp thực hiện tốt chức năng quản lý Nhà nước về rừng và đất lâm nghiệp trên địa bàn; chủ động phối hợp với các ngành chức năng, chính quyền địa phương xây dựng kế hoạch tuần tra, kiểm tra, truy quét tại các khu vực rừng tự nhiên trọng điểm có nguy cơ xâm hại cao, các khu vực thường xẩy ra tình trạng săn bắt, mua bán động vật hoang dã, các khu vực rừng trọng điểm dễ cháy…; phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật về lâm nghiệp trên địa bàn; kiểm tra tình hình thực hiện Chương trình Phát triển lâm nghiệp bền vững năm 2023 của các đơn vị chủ rừng và xây dựng kế hoạch năm 2024 đảm bảo kịp thời, sát thực tế; xây dựng kế hoạch và tổ chức phát động có hiệu quả “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ” nhân dịp Xuân Giáp Thìn năm 2024.
Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh tổ chức thực hiện có hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống các hành vi vi phạm pháp luật lâm nghiệp; chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tăng cường phối hợp chặt chẽ với lực lượng kiểm lâm, chính quyền địa phương, chủ rừng tổ chức lực lượng tuần tra, kiểm tra, phát hiện, ngăn chặn kịp thời và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm Luật Lâm nghiệp, chống người thi hành công vụ; thực hiện nghiêm túc quy chế phối hợp giữa các đơn vị đã ký với Sở NN&PTNT, Chi cục Kiểm lâm tỉnh. Chủ động sẵn sàng lực lượng, phương tiện, vật tư kịp thời ứng cứu các tình huống khẩn cấp về cháy rừng khi có yêu cầu.
Sở Thông tin và Truyền thông, Báo Hà Tĩnh, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh tăng cường tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về quản lý bảo vệ và phát triển rừng, quản lý, bảo vệ động vật hoang dã, PCCCR; trách nhiệm của các cấp, các ngành, chủ rừng trong công tác bảo vệ và phát triển rừng, PCCCR; kịp thời nêu gương những tổ chức, cá nhân làm tốt, phê phán những hành vi vi phạm pháp luật về lâm nghiệp, chống người thi hành công vụ…
Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các cơ quan đoàn thể, tổ chức chính trị – xã hội tăng cường tuyên truyền, vận động các đoàn viên, hội viên và Nhân dân tích cực tham gia công tác bảo vệ và phát triển rừng, PCCCR; phối hợp với các cấp ủy đảng, chính quyền và các ngành chức năng kiên quyết đấu tranh với các hành vi vi phạm pháp luật lâm nghiệp…
P.V