Đã thành thông lệ, ngày 19, 20 tháng Chạp hằng năm, người dân Hương Sơn (Hà Tĩnh) lại náo nức đi chợ Gôi, chợ Choi. Ở những phiên chợ truyền thống ấy, mọi người như tìm lại được tuổi thơ của mình, được thưởng thức những món quà quê dân dã.
Bao nhiêu thế hệ người dân Hương Sơn đã gắn bó với các phiên chợ quê ngày tết.
Với người Hương Sơn, chợ Gôi (còn gọi là chợ trâu, họp vào ngày 19 tháng Chạp) ở xã An Hòa Thịnh và chợ Choi (còn gọi là chợ bò, họp vào ngày 20 tháng Chạp) ở xã Tân Mỹ Hà đã đi vào đời sống các thế hệ từ bao đời. Có thể nói, những phiên chợ này chính là nơi lưu giữ văn hóa truyền thống, là nơi con em quê hương có thể cảm nhận không khí của một mùa xuân mới đang đến.
Bà tôi – một người gắn bó với chợ quê hơn 3 thập kỷ kể lại, ngày trước, chợ Gôi, chợ Choi ngoài bày bán hàng hóa, lương thực, thực phẩm thì cứ tới ngày 19, 20 tháng Chạp, người dân trong vùng sẽ mang trâu, bò ra để trao đổi, mua bán. Từ đây, cái tên dân dã là chợ trâu, chợ bò xuất hiện.
Theo sự biến thiên của thời gian, trâu bò đã không còn được đem bán ở những phiên chợ này nhưng mỗi năm, cứ vào ngày 19, 20 tháng Chạp, người dân địa phương lại rủ nhau đi chợ như để hoài niệm một thời đã qua.
Nhiều sản vật của vùng đất Hương Sơn như cam kẹo lạc, kẹo bột, cam bù, hương trầm… được bày bán tại chợ Gôi, chợ Choi.
Chợ Gôi, chợ Choi ngày nay níu lòng người với những sản vật quê hương như: cam bù, kẹo bột, kẹo lạc, cu đơ, bánh ấp, bánh nếp… hay bó lá dong, búp hương trầm, con gà, con vịt…
Và như một thói quen, từ tờ mờ sáng, khi trời còn buốt giá, sương đêm vẫn đang giăng mắc khắp lối nhỏ thì người dân quê tôi đã í ới gọi nhau đi chợ Gôi, chợ Choi. Từng con đường dẫn đến chợ dần rộn rã tiếng cười vui của các bà, các mẹ. Đó là thanh âm đầy sức sống của một buổi sớm mai, tiếng chào nhau, tiếng nói chuyện rôm rả, từ chuyện sắm tết, gieo lúa, bẻ ngô, gói bánh, đụng lợn… được các bà, các mẹ kể cho nhau nghe. Một không khí náo nức mang âm hưởng của sắc xuân dường như đã lan tỏa khắp chốn quê thanh bình.
Nửa thế kỷ buôn bán ở chợ Gôi, bà Lam đã chứng kiến bao sự đổi thay của phiên chợ truyền thống.
Tới chợ khi trời vừa sáng, ai nấy nhanh chóng rảo bước đi tới những gian hàng mình cần mua. Ở đó, các tiểu thương đã bày trí hàng hóa xong xuôi, chỉ chờ đợi những vị khách tới ghé thăm. Bên chiếc nồi bánh ấp còn ấm nóng, bà Lê Thị Lam (xã An Hòa Thịnh) chia sẻ: “Tôi năm nay đã 79 tuổi, bán bánh ở chợ Gôi gần 50 năm. Nửa thế kỷ trôi qua, tôi đã chứng kiến bao sự đổi thay của phiên chợ này. Điều làm tôi ấm lòng là người dân quê mình vẫn yêu thích món bánh dân giã và dành thời gian trở về với những phiên chợ quê ngày tết”.
Phiên chợ truyền thống ngày nay sặc sỡ với nhiều loại hàng hóa.
Dẫu rằng có quá nhiều sự đổi thay của cuộc sống nhưng chợ Gôi, chợ Choi và nét đẹp truyền thống đi chợ trâu, chợ bò vẫn còn in hằn trong tâm thức của người Hương Sơn. Từ ngày chợ còn là những túp lều, chỉ đủ để người bán bày sạp hàng nhỏ cho đến khi chợ được xây mới hiện đại thì người dân Hương Sơn vẫn gắn bó với phiên chợ truyền thống này.
Nhiều năm rồi mới trở lại quê hương đúng dịp tổ chức chợ Gôi, chợ Choi, với ông Hồ Văn Sỹ (60 tuổi, một người con xã Sơn Ninh, đang sinh sống, làm việc tại tỉnh Bình Dương), không khí chợ quê vẫn như thuở còn thơ bé. Chậm rãi đi dạo chợ, lựa chọn những thức quà tuổi thơ yêu thích, xúc động trò chuyện khi gặp lại những người bán bánh, bán kẹo năm xưa. Ông Sỹ chia sẻ: “Tôi mừng và vui lắm. Bao năm rồi, họ – những người bán bánh, bán kẹo vẫn ở đây. Dù rằng ai cũng tuổi đã xế chiều nhưng họ vẫn đi chợ và bán cho chúng tôi những món ăn vặt yêu thích. Nhiều năm qua, hương vị của kẹo lạc, kẹo bột (hay còn gọi là cục múc) vẫn vậy, vẫn chất chứa bao ký ức thuở nhỏ của chúng tôi”.
Đối với những em nhỏ, chợ Gôi, chợ Choi cũng là niềm háo hức, sự chờ đợi, bởi mỗi năm một lần, các em mới được đi chợ, được ngắm nhìn và mua những món quà vặt yêu thích. Chị Hồ Phương Thảo (xã An Hòa Thịnh) cho biết: “Con tôi dù mới 6 tuổi nhưng cứ đến dịp gần tết, cháu lại hỏi mẹ bao giờ cho con đi chợ tết”.
Trẻ em Hương Sơn háo hức theo bố mẹ đi chợ Gôi ngày tết.
Với người dân Hương Sơn, đi chợ Gôi, chợ Choi cũng không hẳn là đi chợ mà còn để đi chơi, đi cảm nhận không khí nhộn nhịp của ngày tết hoặc đi để tìm lại những ký ức xưa và nhớ về những người “muôn năm cũ”. Dù xã hội đã đổi thay nhiều nhưng dường như tại những phiên chợ truyền thống này có một sợi dây vô hình đã gắn kết tình làng, nghĩa xóm, tình cảm quê hương. Đi chợ Gôi, chợ Choi cũng là cách để thế hệ trẻ hướng về cội nguồn với những nét văn hóa truyền thống tốt đẹp.
Anh Thùy